Sáng tác cho thiếu nhi, không ngại thiếu, chỉ sợ phổ biến yếu?

Chủ Nhật, 11/10/2015, 16:29
Làm sao cho thiếu nhi tiếp cận được đúng những tác phẩm hay, đặc biệt là các tác phẩm phù hợp với lứa tuổi và cuộc sống hiện đại là ý kiến của rất nhiều người.

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà xuất bản, đội ngũ những người làm sách nói riêng, làm văn hóa nghệ thuật nói chung liên tục cho rằng đội ngũ người sáng tác tác phẩm cho thiếu nhi không nhiều, tác phẩm ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, gần đây, không ít ý kiến cho rằng không thiếu tác phẩm dành cho thiếu nhi mà vấn đề là làm sao để trẻ tiếp cận được đúng những tác phẩm hay, đặc biệt là các tác phẩm phù hợp với lứa tuổi và cuộc sống hiện đại.

Sách cho thiếu nhi hiện nay nhiều, phong phú hơn.

Cách đây ít lâu, khi gặp gỡ và nhắc lại “lịch sử” ra đời bộ sách lịch sử bằng tranh của nhà xuất bản Trẻ, ý kiến chung của hầu hết những người trong cuộc là hiện nay đang thiếu vắng và quá ít những người chuyên tâm đầu tư viết sách, làm sách cho thiếu nhi. Lý do là đội ngũ làm sách cho thiếu nhi hiện nay thường chỉ làm vì yêu trẻ, vì thích công việc hơn là việc tham gia làm sách có thể giúp họ có thu nhập đảm bảo cho đời sống. Phần lớn người làm sách tham gia “đồng hành” cùng nhà xuất bản thường chỉ dưới hình thức cộng tác làm một thời gian theo kiểu “thời vụ”. Trước đó không lâu, trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nhí, đại diện nhà đài cũng từng tuyên bố không tìm kiếm được số lượng ca khúc phù hợp với trẻ em hiện nay để dàn dựng chương trình. Nhà đài nói riêng, ban tổ chức nói chung bắt buộc phải tổ chức thêm cuộc thi sáng tác ca khúc mới dành cho thiếu nhi. Kết quả mang về cũng không như ý vì số lượng tham gia chưa nhiều.

Những thực trạng nói trên cho số đông hiểu rằng trong sáng tác văn học nghệ thuật đang tồn tại một khoảng trống là các tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi. Khoảng trống này vô cùng đáng tiếc, bởi lẽ, như cách viết của giáo sư Phong Lê khi bàn về “Văn học với yêu cầu xây dựng nhân cách con người” là: “vấn đề giáo dục nhân cách con người là một mục tiêu cao cho cả đời người, cần được chuẩn bị sớm cho các thế hệ trẻ, ngay từ lúc vào đời. Nhưng, đó phải là một chuẩn bị thích hợp với lứa tuổi, trong đó có lứa tuổi “học mà chơi, chơi mà học”, kết hợp học tập và giải trí. Trong một thời đại có rất nhiều phương tiện để cho con người sử dụng để nhận thức thế giới, văn học chỉ là một hoạt động ở vị trí khiêm tốn nhưng lại có ưu thế riêng. Đó là năng lực gợi mở, đánh thức những khả năng tưởng tượng và mơ ước của con người. Từ những giải trí lành mạnh và có ích đến khả năng gợi thức trí tưởng tượng và mở rộng những mơ ước – đó là con đường thuận nhất và thích hợp nhất cho văn học góp phần kiến tạo và rèn luyện nhân cách con người trong kỷ nguyên thông tin và xã hội hiện đại”.

Trẻ em dễ tiếp cận sách qua nhiều dự án, chương trình khuyến khích văn hóa đọc.

Xét trên tổng thể chung, nhiều năm gần đây, số lượng sách, đầu sách nói riêng, số lượng tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cho thiếu nhi không giảm, thậm chí còn tăng cao. Vào các nhà sách, người lớn, trẻ nhỏ dễ “hoa mắt” trước “rừng sách” đông tây, kim cổ. Chương trình, sản phẩm văn hóa nghệ thuật cho thiếu nhi cũng nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, để các tác phẩm “chạm” vào đúng đối tượng hay không thì rất ít người lạc quan. Riêng về văn hóa đọc, sách văn học cho thiếu nhi, giáo sư Phong Lê cũng nhận định: “Văn học cho thiếu nhi, ngoài nhà xuất bản Kim Đồng, tỉnh nào cũng có sách in. Thế nhưng, nhìn vào việc đọc của các em mới thấy sự thống trị tuyệt đối của truyện tranh. Nhìn vào hoạt động của các em ở lứa tuổi nhỏ thì ngoài thời gian học ở trường, ở nhà, chiếm gần hết thời gian nghỉ ngơi của gần như số đông là dồn vào xem phim hoạt hình, trò chơi điện tử. Đó là ở thành phố, thị trấn. Ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, trẻ vừa không có sách đọc, vừa vắng hiếm cả người đọc. Khó mà thấy lại hình ảnh của các em say mê với các trang chữ như nhiều năm trước đây. Thay vào đó là hình ảnh các em ngồi hàng giờ trước Iphone hoặc màn hình…”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cũng cho rằng, chúng ta có thể không kỳ vọng văn học nghệ thuật hoàn thiện nhân cách trẻ nhưng nếu tiếp cận nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật tốt chắc chắn sẽ góp phần hạn chế cái xấu trong con người ngay từ những năm đầu đời. Riêng về văn học cho thiếu nhi đương đại, theo Tiến sĩ Tâm là đang có những chuyển biến mới, tích cực hơn so với các giai đoạn trước: tập hợp được nhiều cây bút hơn, đa dạng hơn về thể loại, đề tài, giọng điệu, có những dấu hiệu mở trong quan niệm nghệ thuật về con người… Tuy nhiên, việc cho các em tiếp xúc với văn học lại là điểm yếu kém trong xã hội hiện tại. Trong khi cả xã hội đều lên tiếng về sự nghèo nàn, thiếu thốn, cung không đủ cầu của văn học thiếu nhi thì những thành tựu của văn học thiếu nhi lại không có đất sử dụng. Quầy sách chủ yếu tập trung ở các thành phố còn nông thôn thiếu hụt. Sự bày bán các ấn phẩm văn học thiếu nhi đương đại ở các quầy sách không phản ánh được sơ bộ diện mạo văn học thời kỳ này. Gần như thơ không có mặt dù rằng đây là thể loại rất phù hợp với nhịp tâm hồn của trẻ. Buồn hay vui khi chủ yếu là hiện diện các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều đầu sách hay khác thường chỉ in một lần rồi thôi và tác phẩm ra đời năm nào gần như chỉ phục vụ cho người đọc năm đó. Thế hệ sau muốn đọc là điều rất khó khăn, chắc chắn phải trông chờ vào các thư viện, trong khi từ thứ 2 đến thứ 6 trẻ đã “thở không ra hơi với lịch học ở trường”…

Phần lớn nhà sách tập trung ở thành thị và quỹ thời gian của trẻ dành cho sách chưa nhiều.

Thực tế, nhiều năm trở lại đây, việc công nghệ hóa, sân khấu hóa, điện ảnh hóa tác phẩm văn học  và giáo dục trẻ em qua sân khấu, điện ảnh được chú trọng quan tâm đầu tư. Thế nhưng, nếu dạo một vòng trên các trang mạng, những sản phẩm cho thiếu nhi có chất lượng cả về nội dung và hình thức cho thiếu nhi không nhiều. Tại một số sân khấu, kể cả đơn vị xã hội hóa như Idecaf đã có những kịch mục riêng về lịch sử hướng đến đối tượng thiếu nhi. Khá nhiều chương trình đưa sân khấu, âm nhạc dân tộc vào học đường, tạo cầu nối cho thiếu nhi tiếp cận văn học nghệ thuật truyền thống cũng được tổ chức. Gần đây nhất, dự án phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người xem trong thực tế lẫn sự hưởng ứng từ truyền thông. Tuy nhiên, đây chỉ là những tín hiệu vui và vẫn chưa thực sự nhiều…

N.Nguyễn
.
.
.