Sáng mãi những tấm lòng kiên trung, bất khuất

Thứ Sáu, 14/12/2012, 14:36
Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học về “Sự kiện các chiến sỹ Cách mạng tổ chức vượt Côn Đảo (12/12/1952)” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cùng Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo phối hợp tổ chức.

Dự hội thảo có các đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa V; và cựu tù chính trị nhà tù Côn Đảo; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, các cựu tù chính trị của nhà tù Côn Đảo đã về dự.

Côn Đảo được biết đến là nhà tù chính trị tàn bạo, là công cụ để thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tra tấn, giam cầm những chiến sĩ ưu tú của cách mạng trong suốt 113 năm.

Nhưng chính từ cái “địa ngục trần gian” ấy, lại là nơi hun đúc, tôi luyện cho bản lĩnh cách mạng, rèn giũa ý chí cách mạng của nhiều chiến sĩ kiên trung, tinh thần bất khuất, thà chết vinh còn hơn sống nhục, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho nền độc lập và tự do của dân tộc.

Côn Đảo là nơi chị Võ Thị Sáu nằm xuống ở tuổi đôi mươi, tấm gương của chị vẫn luôn sáng mãi cho thế hệ sau. Từ đây, những anh hùng nghĩa liệt như: Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Đoàn Duy Thành,… đều đã được tôi luyện qua ngôi trường Cách mạng “nhà tù Côn Đảo” để rồi chính những con người ấy – những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã góp phần lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập, làm nên Cách mạng Tháng 8 lịch sử.

Trong số 198 chiến sĩ tù chính trị tham gia vượt ngục Côn Đảo ngày 12/12/1952, thì có đến 81 chiến sĩ đã hy sinh trong đó có 6 người mất tích. Những địa danh nay đã thành di tích lịch sử hào hùng: Cỏ Ống, Đầu Mom (mũi Cá Mập), Sở Đá, Bến Đầm...

Cuộc vượt ngục ngày 12/12/1952 là cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử Côn Đảo. Tuy cuộc vượt ngục năm đó không thành công, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, song từ những bài học, tấm gương mà những người còn sống kể lại sẽ còn sống mãi với thời gian.

Sáu mươi năm trôi qua, quá khứ đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, song chúng ta không quên những con người ấy, những Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong,… cùng hàng vạn người con yêu nước đã thấm máu cho mảnh đất Côn Đảo, ghi công ơn họ là thể hiện lòng tri ân, tôn vinh đối với những anh hùng kiên trung, bất khuất

Tuấn Anh
.
.
.