Sáng mãi "Hai nửa vầng trăng"

Thứ Hai, 28/02/2011, 11:46
(Nhân 30 năm Ngày mất của nhà thơ Hoàng Hữu, tác giả bài thơ nổi tiếng "Hai nửa vầng trăng" - Giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1981 - 1982)

Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?

Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát em đã khóc

Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng

Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa, như đời anh một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…

Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ?
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.

Tôi đọc thơ Hoàng Hữu khi chưa hề biết bất cứ một thông tin nào về anh. Vì thế với tôi, "Hai nửa vầng trăng" là bài thơ có nhiều chỗ còn… bí hiểm. Tôi không hiểu tại sao tác giả lại viết: "Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời"?

Cái tên Hoàng Hữu thì có liên quan gì đến chữ "D hoa" kia? Tôi cũng không hiểu tại sao tác giả cứ phải day đi day lại: "Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được/ Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết"? Người đang khỏe mạnh bình thường mà nói thế là "xúi", là "gở" đấy. Cứ vậy, bao câu hỏi đua nhau nảy ra trong đầu tôi…

"Hai nửa vầng trăng" là một bài thơ có sức hút lạ. Mặc dù có những điều tôi chưa thực hiểu, song với giọng thơ khi thủ thỉ, khẽ khàng, khi da diết, xót xa, nó vẫn lặng lẽ chiếm lĩnh tâm hồn tôi, gieo vào tôi một nỗi buồn vừa ngọt ngào vừa đắng đót. Cách dùng chữ, lập ý của Hoàng Hữu ở một số trường hợp cũng khiến người đọc phải chú ý:

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt.

Khoa học cho ta biết sự lên xuống của thủy triều có liên hệ mật thiết với sự chuyển động của mặt trăng. Nhưng để "nhìn" ra được ánh trăng "dào" trên cỏ ướt thì đấy lại thuộc về con mắt nghệ thuật. Chữ "dào" tạo cảm giác mạnh, dùng trong trường hợp này là rất sáng tạo.

Sau này, Dương Kiều Minh cũng có một sáng tạo "ngang ngửa" với Hoàng Hữu khi anh dùng hai chữ "giàn giụa" để tả ánh trăng (Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối). Như vậy, từ cái ánh trăng "nhễ nhại" (trong truyện "Chí Phèo") của Nam Cao, đến ánh trăng "dào trên cỏ ướt" của Hoàng Hữu, rồi tới ánh trăng "giàn giụa" của Dương Kiều Minh, các tác giả đã lần lượt thể hiện được những góc nhìn mới mẻ, mang đậm sắc thái tình cảm của mình trước một hiện tượng tưởng đã cũ mèm của vũ trụ.

Trăng viên mãn cuối trời em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.

Sở dĩ có lúc ta thấy trăng chỉ còn một mảnh, trăng "khuất nửa" là bởi nó bị che lấp bởi bóng của trái đất. Khoa học giải thích thế. Nhưng từ đây, từ hiện tượng "hai nửa vầng trăng" này, tác giả đối chiếu với cuộc tình của mình mà nâng lên thành "Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau", nghĩa là hai nửa ấy bị "khuất" ở trong chính hai con người chúng ta, chứ không phải đâu xa, thì quả là một cách liên tưởng tài hoa, mang tính ẩn dụ cao.

Lần đầu tiên tôi đọc "Hai nửa vầng trăng" là vào năm 1982. Thời điểm này, báo chí rất ngại đăng những bài thơ tình buồn, nhất là những bài thể hiện sự cô đơn, bi lụy. Việc xuất hiện "Hai nửa vầng trăng" có thể coi là một hiện tượng… hy hữu (chẳng thế mà khi một nhà phê bình viết rằng, từ Cách mạng Tháng Tám tới giai đoạn trước Đổi mới, ở ta không có bài thơ tình buồn nào được in, nhà phê bình văn học Hồng Diệu đã ngay lập tức lên tiếng phản đối và bài thơ đầu tiên anh dùng làm dẫn chứng chính là "Hai nửa vầng trăng"). Đấy là điều khiến bài thơ của Hoàng Hữu vốn đã hấp dẫn lại càng thêm thu hút bạn đọc.

Sau này, khi tiếp xúc với những thông tin về cuộc đời Hoàng Hữu, biết tên thật của anh là Nguyễn Hữu Dũng, cũng như biết tới mối tình đơn phương của anh với một người phụ nữ có tên gọi mang chữ cái đầu giống tên anh - cũng chữ D, tôi mới hiểu tại sao tác giả lại viết "Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa", lại đặt tên bài là "Hai nửa vầng trăng" và dựa vào đây để xây dựng tứ thơ (nếu hai chữ D - tên anh và tên em ghép vào nhau thì thành vầng trăng tròn đầy, viên mãn, trong khi thực tế, nó không xảy ra điều ấy, nên suốt đời vẫn cứ là "hai nửa"…).

Từ việc biết Hoàng Hữu bị bệnh tim bẩm sinh, từng phải đại phẫu, biết anh viết "Hai nửa vầng trăng" khi bệnh tình đang đến hồi trầm trọng và chỉ hơn bốn tháng sau thì mất, tôi mới hiểu tại sao anh viết: "Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát/ em đã khóc/ Nhưng làm sao tới được/ Bến bờ anh tim dội sóng không cùng". Hiểu và thấy thương anh hơn.

Tiện đây cũng xin kể thêm: Một lần, nhân nhắc tới bài thơ của Hoàng Hữu, tôi bất ngờ được một người bạn cho biết: Người phụ nữ tên D nói trên không phải ai xa lạ mà chính là người tôi vẫn thường liên hệ công việc. Vậy là, lựa thời điểm thích hợp, tôi đã hỏi chị D về mối quan hệ giữa chị và nhà thơ Hoàng Hữu, xem thực hư ra sao.

Chị D cho hay: Chị và anh Dũng (tức Hoàng Hữu) vốn dĩ đều là họa sĩ có chung một nghề vẽ bìa sách (Hoàng Hữu là tác giả của nhiều bìa sách được bạn đọc biết đến rộng rãi hồi cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, như cuốn "Thơ Tagor", bộ tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, cuốn "Bông hồng vàng" của Paustovsky…).

Chị quý trọng anh Dũng song tình cảm của chị cũng chỉ dừng ở đó. Còn anh Dũng với chị thế nào thì đấy chỉ là đơn phương từ phía anh Dũng mà thôi. Tôi tin điều này vì thường ra, khi đã là nhân vật trong một tác phẩm nổi tiếng, người ta chỉ thích thêu dệt thêm chứ mấy ai thích… ngãng ra. Vả chăng, chính nội dung của bài thơ chẳng ít nhiều cho thấy sự đơn phương của tác giả trong cuộc tình mà anh đề cập đó sao?

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, trong một bài hồi ức về bậc đàn anh Hoàng Hữu (in trên Báo Tiền phong năm 2007) đã cho biết từ đâu mà bài thơ "Hai nửa vầng trăng" đến được với cuộc thi thơ năm 1981 - 1982 của Báo Văn nghệ: "Sau khi Hoàng Hữu mất, nhân có cuộc thi thơ ở Báo Văn nghệ, Cao Khắc Thùy, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đài liền gửi Đăng Bảy và Phạm Tiến Duật một số di cảo thơ của anh, trong đó có "Hai nửa vầng trăng" tham dự".

Kết quả cuộc thi năm đó: Bài thơ của Hoàng Hữu được trao giải nhì. Giải nhất thuộc về hai tác giả Trần Đăng Khoa (với bài thơ "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn") và Đinh Nam Khương (với bài "Từ những vết chân người").

Nghe nói, nhà thơ Xuân Diệu đã rất quyết liệt trong việc đòi Ban chung khảo phải trao giải nhất cho bài thơ của Hoàng Hữu, song không được. Đến nay, thời gian đã chứng minh sự nhìn nhận của Xuân Diệu là chính xác: Thi phẩm "Hai nửa vầng trăng" của Hoàng Hữu vẫn vẹn nguyên sức sống như thuở ban đầu, vẫn tiếp tục được lưu truyền trong sổ tay của nhiều thế hệ bạn đọc

Phạm Khải
.
.
.