Sân nóng, sân nguội - vì sao?

Thứ Bảy, 04/01/2014, 12:37
Chiều nay siêu cúp Quốc gia (QG) sẽ khởi tranh trên sân Ninh Bình, nhưng nếu hỏi cái sân nào nóng nhất và "hút" nhất Việt Nam bây giờ thì đấy chắc chắn không phải sân Ninh Bình.

Ở phương diện lý thuyết, trận siêu cúp của một nền bóng đá bao giờ cũng là trận đấu sáng giá, vì nó là cuộc gặp gỡ của nhà ĐKVĐ giải VĐQG và nhà ĐKVĐ Cúp QG. Mà cũng có thời trận siêu cúp Việt Nam tạo được sự sáng láng, hút hàng đúng theo dạng đó, điển hình như trận đấu Thể Công - Công an TP Hồ Chí Minh trên sân Hàng Đẫy hơn chục năm về trước. Trận đấu mà sân Hàng Đẫy cháy vé, và vào sân xem siêu cúp, người ta quả nhiên được xem những pha bóng đẹp giữa hai kỳ phùng địch thủ. Nhưng với sự xuống cấp nói chung của cả nền bóng đá, sức nóng siêu cúp cứ thế giảm dần, và đến năm nay thậm chí nhiều người hâm mộ còn quên là hôm nay có cúp. Cũng dễ hiểu, bởi hai đội đá cúp thì một đội dù làm mọi cách mọi kiểu vẫn chưa thể trở thành đội bóng đích thực của người Hà Nội (HN.T&T) còn một đội lại làm mệt mỏi, chán chường khán giả địa phương mình suốt nhiều năm qua (Ninh Bình).

Mùa giải 2013, HN.T&T đích thực là một trong nhóm những đội bóng giàu nội lực và giàu tính cống hiến nhất V.League, nhưng khán giả V.League vẫn thấy khó chịu với cái cảnh HN.T&T và người anh em SHB.Đà Nẵng tay trong tay đá với phần còn lại. Còn với Ninh Bình, chức vô địch Cúp QG mà đội bóng này có được mang nặng yếu tố thời thế - cái yếu tố mà đối thủ dường như muốn Ninh Bình vô địch, chứ không hẳn là Ninh Bình đủ mạnh để lên ngôi. Trong cái từ trường chán V.League, chán các CLB bóng đá Việt Nam vốn ngày một lớn lên trong lòng các fan hâm mộ Việt Nam thì đúng là bây giờ không nhiều người nghĩ tới chuyện đến sân xem hai nhà vô địch kiểu này thi đấu.

Người hâm mộ xếp hàng mua vé xem U.19.

Thế thì người ta nghĩ đến cái gì? Xin thưa, người ta nghĩ đến ĐT U.19 và cái giải U.19 quốc tế cúp Nutifood sẽ chính thức khởi tranh vào hai ngày nữa ở sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Người ta háo hức xem những đôi chân tuổi trẻ thể hiện sự trong sáng đúng nghĩa của bóng đá ở sân chơi này. Cái thứ trong sáng đã bị mất đi từ lâu ở sân chơi V.League nói riêng và những sân chơi cấp CLB bóng đá Việt nói chung. Cứ nhìn hình ảnh cả trăm, cả ngàn người chen nhau trước các quầy bán vé trên sân Thống Nhất để mong mỏi có được một tấm vé xem U.19 là đủ hiểu người hâm mộ không hề quay lưng với bóng đá. Vấn đề chỉ là: thứ bóng đá được trình diễn là một thứ bóng đá nào? Thứ bóng đá với quá nhiều những toan tính, bắt tay hậu trường hay thứ bóng đá trong trẻo, tinh khôi? Thứ bóng đá với quá nhiều bạo lực và quá nhiều tư tưởng triệt hạ nhau hay thứ bóng đá tôn vinh cái đẹp và tận hiến vì cái đẹp?

Hãy thử làm một con tính: bầu Đức mất 7 năm để bước đầu tạo nên một thế hệ U.19 đầy hy vọng - một thế hệ luôn kích thích khán giả đến sân, còn sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam đã đi qua 13 năm, thế mà bây giờ nó chỉ có thể tạo ra phần lớn những trận đấu vô hồn, vậy thì 7 năm của bầu Đức và 13 năm của những nhà cai quản, điều hành sân chơi chuyên nghiệp, quãng thời gian nào có ích hơn và ý nghĩa hơn?

Vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng không thể không chạnh lòng khi nhìn vào sự tương phản giữa một sân Ninh Bình nguội ngắt (cho dù đấy là cái sân diễn ra siêu cúp) với một sân Thống Nhất chưa mở cửa đã đông vui (cho dù đấy chỉ là cái sân diễn ra những trận đấu của những cầu thủ trẻ).

Hôm nay, những nhà lãnh đạo nền bóng đá sẽ ngồi ở sân Ninh Bình, hai ngày nữa sẽ lại bay vào sân Thống Nhất, và cứ chờ họ tự nói, tự phát biểu về cảm xúc của mình?

Nỗi lo khán giả trước mùa giải mới

Gần chục ngày nữa, V.League 2014 sẽ khai màn. Thực ra đấy cũng là một mùa giải có những nhân tố mới, chẳng hạn như nhiều đội bóng mới lần đầu tiên xuất hiện hay một ông trưởng giải mới toanh đến từ nước Nhật.

Vấn đề là sau quá nhiều chán nản với cách quản lý, điều hành của VFF và VPF và sau khi thất vọng cùng cực với kết quả của các ĐTQG và ĐT U.23 QG trong năm qua, niềm tin của người hâm mộ đã xuống rất thấp. Thế nên chưa bao giờ nỗi lo khán giả lại trở thành nỗi lo khủng khiếp như lúc này.

Theo thông tin của chúng tôi thì có một số sân bóng vốn nổi tiếng là đông khán giả giờ cũng đang tính chuyện mở cửa tự do để khán giả vào sân. 

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.