Sân khấu kịch TP HCM nhộn nhịp đón Tết

Thứ Bảy, 03/01/2015, 12:33
Không chờ đến Tết Nguyên đán như thường lệ, mùa kịch Tết TP.HCM 2015 bắt đầu sôi động ngay từ những ngày đầu đón năm mới theo Tết dương lịch. Cùng với hàng loạt vở diễn mới được dàn dựng phục vụ xen kẽ với các vở cũ, sân khấu kịch TP.HCM đang tạo nên một mùa kịch Tết sôi động và đa dạng hơn.

Là một trong số các "tân binh" của sân khấu kịch TP.HCM nhưng sân khấu Sao Minh Béo đã công bố hàng loạt dự án mới cho mùa kịch Tết 2015. Công diễn đúng ngày 1/1, "Sông chờ" là vở diễn đầu năm nhưng không mang dấu ấn của hài.

"Sông chờ" kể về chuyện đời nhiều ngang trái của một cô gái miền Tây khoảng giữa thế kỷ 20. Một vở diễn với câu chuyện đong đầy nước mắt lại là chủ ý của đơn vị sản xuất như một cách tạo thêm những "gam màu" mới cho sân khấu kịch.

Trước đó, "Giai điệu tình yêu" kết hợp nhạc, kịch cũng vừa được Sao Minh Béo ra mắt khán giả và cũng là vở diễn dành phục vụ khán giả những ngày nghỉ lễ. Ngoài ra, khá nhiều dự án khác đang được đơn vị này "rục rịch" khởi động.

"Kẻ máu lạnh" (biên kịch: Vương Huyền Cơ) - vở diễn được dàn dựng cho dịp Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân nhưng được phục vụ khán giả thành phố dịp Tết. Đáp ứng nhu cầu khán giả thích kịch kinh dị và kịch hài có "Lụa máu" và "Hồ Xuân Hương - Bánh trôi nước".

Khẳng định bằng vị trí vững chắc trong lòng khán giả yêu thích sân khấu kịch nhiều năm trở lại đây, sân khấu kịch Hồng Vân tiếp tục khẳng định với hàng loạt vở mới trong mùa kịch Tết. Tuy nhiên, chiếm "thế thượng phong" trên sân khấu kịch Hồng Vân những ngày nghỉ lễ Tết dương lịch vẫn là "đặc sản" kịch kinh dị và kịch hài.

"Tầng 13" - vở diễn dành cho khán giả thích kịch kinh dị và kịch hài của sân khấu Hồng Vân.

Trong 4 ngày nghỉ lễ, có đến 4 vở kịch kinh dị được Hồng Vân biểu diễn phục vụ khán giả có nhu cầu vào rạp tìm cảm giác mạnh bằng các màn "nhát ma": Người vợ ma 3, Thoát xác, Oan hồn truyện, Tầng 13. Bối cảnh được chọn cho các vở diễn rất phong phú: từ những biệt thự trên vùng núi hoang vắng trong "Người vợ ma 3" cho đến chung cư cao tầng nơi đô thị (Tầng 13)...

Nhưng, tất cả đều có một điểm chung là mượn chuyện ma để nói chuyện người, khi câu chuyện đến hồi hạ màn cũng là các màn nhát ma được bóc trần: tất cả chỉ sinh ra từ nỗi ám ảnh, sợ hãi và cả màn kịch được dựng lên để che giấu bí mật, thậm chí là tội ác của con người. Với những vở này, ngoài yếu tố kinh dị, khán giả thích kịch hài vẫn có thể tìm vui qua khá nhiều tình tiết hài hước được cài cắm xuyên suốt mỗi vở diễn.

Cảnh trong vở "Tuyết Sài Gòn" của sân khấu kịch 5B

Tại sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần - sân khấu thử nghiệm và là cánh chim đầu đàn của sân khấu kịch xã hội hóa một thời, yếu tố "thử nghiệm" được chuyển tải đậm hơn qua nhiều vở diễn mới. Song song với các suất biểu diễn một số vở cũ, khán giả đến rạp 5B có thể đều ít nhiều hài lòng với "Tình ca phố" (đạo diễn: Tùng Phi) hay "Tuyết Sài Gòn" (đạo diễn kiêm tác giả kịch bản: Khắc Duy). Sự kết hợp giữa kịch và âm nhạc, sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ và các ca sĩ được yếu mến như Phương Thanh, Hoàng Bách... góp phần đem lại không khí mới mẻ hơn cho sân khấu nhỏ những ngày đầu năm.

Hoa Nguyễn
.
.
.