Sân khấu hài kịch vẫn là khoảng trống

Thứ Hai, 07/05/2012, 12:39
Sân khấu hài kịch, nơi mà sự đấu tranh, phê phán được gửi qua những kịch bản giàu tính xã hội, đem đến cái nhìn lạc quan nhưng sâu sắc cho công chúng còn đang vắng lặng sự cống hiến.

Điều đầu tiên có thể khẳng định, đặc tính của người Việt Nam là một dân tộc lạc quan, yêu đời. Dù trong bất kỳ một hoàn cảnh khó khăn nào thì tiếng cười không chỉ là một cách biểu lộ sự yêu đời và lạc quan mà còn trở thành một vũ khí sắc bén để phê phán, chế diễu theo nhiều cung bậc khác nhau trước các hiện tượng của xã hội. Trong các loại hình nghệ thuật dân gian cũng như hàn lâm của Việt Nam đều in dấu khá rõ tiếng cười đó. Nhất là các loại hình sân khấu truyền thống thì tiếng cười này càng được thể hiện rõ.

Đã từ lâu, các nhà lý luận của nước ta cũng như thế giới đều khẳng định, kịch là một thể loại khó viết nhất trong các thể loại văn chương, nhưng kịch hài lại càng khó viết hơn. Nền văn chương Pháp và kể cả Đức có không ít các nhà viết chính kịch, bi kịch hàng đầu thế giới  nhưng chỉ có gần như duy nhất một nhà chuyên viết hài kịch là Môlie. Nhìn xa hơn ngay như nhà viết kịch hàng đầu của nhân loại trong mọi thế kỷ như Sêcxpia có gần 40 kịch bản lừng danh thì số lượng kịch bản hài của ông cũng chỉ chiếm chưa đầy 10 kịch bản.

Còn ở ta tính từ khi năm 1954 cho tới nay chỉ duy nhất có vở “Quẫn” của kịch tác gia Lộng Chương dưới bàn tay của đạo diễn tài năng Trần Hoạt mới xứng đáng được xếp là vở kịch hài đích thực. Còn ngay như “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ cũng chỉ là vở kịch tâm lý xã hội mang yếu tố hài.

Trong khi đó nhu cầu cần xem hài của nhân dân ta lại quá bức thiết. Để đáp ứng nhu cầu này nên trong khi sân khấu gần như hoàn toàn trống vắng vở diễn hài thì  Đài THTW đã mạnh dạn mở ra tiết mục “Gặp nhau cuối tuần” nhưng mặc dù được ưa thích nhưng tiết mục này cũng lâm vào tình trạng đầu voi đuôi chuột và sau khi khai trương vào năm 2006 thì cuối năm 2007 tiết mục này chết yểu...

Nhà hát Tuổi trẻ biết được sự khát hài của người xem đã liên tục cho ra những loạt tiểu phẩm dưới tên gọi “Đời cười” là một cố gắng lớn nhưng cũng chỉ là những lớp cắt bắt gặp gây cười để từng bước tiến tới làm đà cho sự khái quát, phê phán xã hội ,thói hư tật xấu, tệ tham nhũng bằng những kịch bản có tầm vóc.

Nếu sân khấu miền Bắc trầm lắng thì sân khấu miền Nam lại có vẻ sôi nổi với những đêm diễn không ít tiếng cười. Song đúng như kịch tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (HNSSKVN) đã đánh giá “sân khấu TP HCM hiện nay càng gây cười càng hút khán giả. Nhưng những tiếng cười đó bật ra phần nhiều bởi những mảng miếng chọc cười cơ giới, hời hợt về hình thể, về yếu tố với những thứ có thể gây cười một cách đơn giản, thậm chí sinh lý. Những tiếng cười đó không thể gọi là hài vì nó không nằm trong phạm trù thẩm mỹ.

Một tác phẩm trong chương trình “Đời cười 10” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Tiếng cười mang chất hài đúng nghĩa của nó phải được bật ra từ sự đấu tranh, xung đột mang yếu tố xã hội. Các kịch bản hiện nay của ta quá hiếm, mà đa phần các kịch bản hiện nay vẫn chỉ là chính kịch (đram) có tình huống hài, ngôn ngữ quậy, nhân vật mang chút hề hề vậy thôi. Mặc dù trên dưới 10 năm trở lại đây kịch bản sân khấu của ta đã giảm bớt tính giáo huấn tăng chất giải trí lên nhưng dường như chất hài, và kịch bản hài vẫn chưa được chú trọng...”.

Từ ý kiến của tác giả Lê Duy Hạnh, tôi chợt nghĩ, khi không có các nhân vật hài lớn trong những vở kịch hài đích thực thì việc gọi các diễn viên gây cười trong các tiểu phẩm ở ta được gọi là các “danh hài” cũng chỉ là sự phong tặng theo kiểu thổi phồng của sự quảng cáo.

Kịch tác gia Văn Sử Phó ban sáng tác của HNSSKVN cắt nghĩa vì sao nền sân khấu đương đại nước ta chưa có kịch bản và vở diễn hài đúng nghĩa và xuất sắc. Ông cho rằng nền sân khấu nước ta từ lâu này chưa coi trọng hài kịch là một trào lưu trong sân khấu nên dường như không có tác giả nào chuyên tâm dồn tâm sức và tài năng để theo đuổi nó...

Điều thứ hai, vài chục năm qua nền sân khấu nước ta quá quen với âm điệu chủ đạo là ca ngợi và mổ xẻ xã hội bằng chính kịch mà quên đi sự phê phán, mổ xẻ xã hội bằng phương pháp hài kịch. Ngày nay xã hội ta trong giai đoạn giao thời lên một xã hội văn minh nhưng cũng mang trong mình không ít hiện trạng cần phê phán nhưng sự phê phán bằng hài hước một cách sâu sắc với sự mổ xẻ mạnh mẽ một phần tác giả chưa quen, một phần các nhà hát, các đoàn còn e dè nếu chưa muốn nói là né tránh.

Cuộc rà soát về thực trạng hài miền Bắc đã được tiến hành thông qua hội diễn liên hoan hài ở Quảng Ninh vào cuối năm 2011 mới thấy lộ ra sự nghèo nàn về kịch mục. Xuất hiện quá nhiều. Những tiểu phẩm quá cũ về những Chí Phèo, những mẹ Đốp, xã trưởng quá trùng hợp, những mảng miếng xã hội được phản ánh quá hời hợt, thiếu hẳn hơi thở cuộc sống.

Sau cuộc khảo nghiệm như thế, HNSSKVN đã đi một bước táo bạo là mở trại sáng tác kịch bản chuyên hài tại Nha Trang vào tháng 5/2012. Ban sáng tác đã chọn ra 15 kịch bản của 15 tác giả trong gần 50 kịch bản gửi đến dự tuyển chọn. Kết quả và chất lượng 15 kịch bản này sẽ được góp ý một cách nghiêm túc và sẽ được nâng cao.

Kịch tác gia Văn Sử khẳng định, trại sáng tác này khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tác hết mình, sự đi tìm những phương pháp, đề tài và các biểu hiện mới của các tác giả để từ đó có những kịch bản hài  đích thực mổ xẻ, phản ảnh xã hội, để chính từ những thành tựu của trại sáng tác này làm đà cho sự trỗi dậy, trở lại mạnh mẽ dòng kịch bản hài đã từng có truyền thống lâu đời trong nền kịch Việt Nam, một đội ngũ viết kịch bản hài nhiệt thành để từng bước hạn chế những cái gọi là tác phẩm mang danh hài nhưng quá nhạt nhòa và nông cạn đang tràn lan trên sân khấu và các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay

Nha Trang tháng 5/2012
.
.
.