Sân khấu cải lương tìm lại ánh hào quang đã mất
Khôi phục sau 4 năm gián đoạn, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh vừa vui mừng thông báo, giải thưởng mang tên cố soạn giả cải lương nổi tiếng Trần Hữu Trang tiếp tục được tổ chức. Việc giải thưởng lớn, có uy tín và khắt khe dành riêng cho nghệ sĩ cải lương đã khởi động trở lại hứa hẹn nhiều luồng sinh khí tiếp sức cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc trưng của miền đất Nam Bộ này. Tuy nhiên, kéo cho được người nghệ sĩ vượt vòng kim tỏa của kim tiền, dành thời gian cống hiến, tích cực góp phần phát huy nghệ thuật cải lương đích thực sau khi đã thành danh thực… gian nan.
Sân khấu chính thống "giành" nghệ sĩ cùng đám ma, đám cưới…
Với các gương mặt đã thành danh, câu nói rằng luôn chờ đợi và sẵn sàng bỏ các show diễn phục vụ mục đích kiếm tiền để đầu tư tâm sức cho vai diễn nếu có cơ hội đã trở thành quen thuộc. Nhưng mỗi lần dựng vở, việc nghệ sĩ trễ nải tập luyện, khó tập trung cho vai diễn vì bận chạy show vẫn xảy ra như cơm bữa. Có lẽ thế nên, mỗi lần dựng vở, kể cả rình rang cỡ như "Kim Vân Kiều", "Chiếc áo thiên nga", đích thân Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, ông Phan Quốc Hùng đều "bỏ nhỏ", đại ý rằng tổ chức được như thế này thế khác là nhờ sự tâm huyết của các anh chị em nghệ sĩ là chính. Bởi, thực tế, thù lao cho nghệ sĩ không bằng một phần của 1 suất diễn khơi khơi bên ngoài, kể cả ca trong nhà hàng, phục vụ tiệc cưới, đám ma…
Soạn giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cũng trăn trở: Sân khấu cải lương đang có những diễn biến phức tạp, bất ổn. Các đơn vị nghệ thuật, "tế bào gốc" của sân khấu cải lương không còn chắc chắn nữa trên con đường phát triển. Nhiều đơn vị có hiện tượng phân rã, diễn viên bắt đầu rời bỏ đơn vị vì những lợi ích cao hơn. Sân khấu cải lương mất đi thời hoàng kim, nhiều người cho rằng đó là vì hiện nay thiếu kịch bản hay, thiếu cơ sở vật chất… Có rất nhiều nguyên nhân, lý do được chỉ ra nhưng sự thiếu tâm huyết, đầu tư rèn luyện của đội ngũ diễn viên cho chính loại hình nghệ thuật mà họ đã thành danh thì ít được nhắc đến.
Thành danh với cải lương nhưng ít nghệ sĩ xuất hiện trước công chúng qua vở diễn trọn vẹn trên sân khấu. |
Đãi cát tìm vàng, vàng có lấp lánh?
Tìm lớp trẻ kế cận, gắn bó lâu dài, dành tâm huyết và "trung thành" với nghệ thuật cải lương, chịu chấp nhận không biến đam mê thành công cụ kiếm tiền đơn thuần khi đã thành danh, gần đây, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh còn mạnh dạn đầu tư cho Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tìm kiếm, chọn, đào tạo miễn phí những gương mặt mới. Kèm theo việc được đào tạo, các học viên phải chấp nhận những ràng buộc nhất định, trong đó có việc buộc phải gắn bó với đơn vị đưa đi đào tạo…
Cũng nhằm mục đích buộc diễn viên phải gắn bó hơn với các sân khấu truyền thống, đầu tư thời gian công sức rèn luyện, phát triển bản thân và phát huy nghệ thuật cải lương, tại đợt tổ chức Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 2011, tiêu chí đạo đức nghề nghiệp, kiến thức và sự gắn bó với đơn vị đưa người đi dự giải được ban tổ chức đặt khá cao.
Qua 10 lần tổ chức, chỉ có 5 nghệ sĩ được vinh danh là nghệ sĩ xuất sắc. Sau năm 2007, giải thưởng gián đoạn. Tổ chức lại sau 4 năm gián đoạn nhưng theo Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Hạnh thì sự hưởng ứng từ phía các đơn vị và nghệ sĩ hiện nay đã nằm ngoài dự kiến của Ban tổ chức. Theo kế hoạch, sẽ chỉ có khoảng 6 đến 7 đêm diễn tại vòng bán kết nhưng đến nay, số lượng nghệ sĩ được các đơn vị chuyển về đăng ký đã vượt mốc 100.
Vấn đề còn lại chỉ là có thực sự tìm được "vàng" và đâu thực sự là vàng mười sau giải thưởng. Và, để các thỏi vàng mười này gắn bó hơn với đơn vị hoạt động nghệ thuật của mình, ngoài việc tổ chức trao giải chung, Ban tổ chức còn có cả một lễ công bố giải thưởng thật trang trọng ngay tại đơn vị này… Tuy nhiên, sau cuộc "đãi cát" rầm rộ này, khả năng những thỏi vàng mười liệu có tiếp tục rèn qua lửa để tỏa sáng hơn, lấp lánh hơn, gắn bó thực sự và góp phần phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này hay tiếp tục bị cuốn vào vòng quay kim tiền, xa rời mục đích ban đầu thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp chắc chắn