Những tiếng thở dài sau ánh đèn sân khấu:

Sân khấu cải lương - những nghịch lý

Thứ Sáu, 09/08/2013, 09:49
Không ồn ào với vài vở diễn quy mô tiền tỷ gây nhiều tranh cãi, sân khấu chính thống gần như duy nhất tại TP HCM - rạp Trần Hưng Đạo tạm đóng cửa, đập đi chờ xây mới, cải lương lui về ngoại tỉnh, lặng lẽ tìm đến công chúng bằng nhiều cách, kể cả ngoài những phương thức truyền thống: đưa cải lương lên mạng Internet, len lỏi vào phòng trà - “lãnh địa” xưa nay chưa có tiền lệ tạo đất diễn cho bộ môn nghệ thuật cải lương...
>> Hát bội lay lắt chờ thời

Chỉ thất thế chốn phố thị?!

Ngay từ thời điểm công bố khởi động giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 11, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM nhắc lại lời dẫn cho bản chất của cải lương: “Cải cách hát ca nên tiến bộ, lưu truyền tuồng tích sánh văn minh” cùng với sự khẳng định sự trường tồn của loại hình nghệ thuật dân tộc này cùng sự năng động sáng tạo của chính các nghệ sĩ của vùng đất nhiều nắng gió phương Nam.

Thực tế sau đó đúng như dự đoán. Mặc dù sân khấu cải lương chính thống tại thành phố lớn như TP HCM rơi vào tình trạng khủng hoảng khán giả nhưng tại các tỉnh, thành, phong trào này vẫn khá mạnh. Việc đưa cuộc thi về các tỉnh tổ chức được coi là cách điểm trúng huyệt khi người mộ điệu kéo tới tham gia rần rần.

Mới đây nhất, ban tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2013 cũng tự tin và tự hào chia sẻ rằng, sau 7 lần tổ chức thành công, cuộc thi năm nay vẫn tiếp tục thu hút sự tham gia dự thi của đông đảo thí sinh, trong đó, ngoài khu vực nhiều tiềm năng nhất như các tỉnh, thành miền Nam thì các tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc cũng có khá đông thí sinh dự thi.

Con số 500 thí sinh đến với Chuông vàng vọng cổ 2013 không hẳn nhiều so với cuộc thi nhiều chiêu trò với format mua từ nước ngoài cộng với phần thưởng cả nửa tỷ đồng kèm theo hứa hẹn danh vọng đang nhan nhản trên truyền hình. Nhưng, nhìn vào chất lượng thí sinh, những người gắn bó lâu năm với cuộc thi như nhạc sĩ Kiều Tấn không thể không tự hào.

Anh chia sẻ rằng, ngay vòng sơ loại tại khu vực miền Trung, miền Bắc, ban giám khảo đã không thể không tiếc nuối trong ngỡ ngàng khi bắt gặp giọng ca nhí chưa đầy 15 tuổi mà khi nghe xong có thành viên thốt lên rất thật rằng: “Nếu em đủ tuổi, rất có thể Chuông vàng 2013 sẽ thuộc về em”. Cũng có những giọng ca rất tốt nhưng cũng buộc rời khỏi cuộc chơi chỉ vì vượt khung 35 tuổi.

Nhiều gương mặt trẻ triển vọng vẫn liên tiếp được bổ sung vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương trong khi chờ điểm diễn mới hiện đại hơn tại TP HCM.

Một thực tế khác nữa là mặc dù sân khấu chính thống duy nhất của TP HCM – nhà hát cải lương gần như chỉ hoạt động cầm chừng với một số lượng vở không hẳn đã nhiều như kỳ vọng khi tạm trú tại rạp Thủ Đô ở tận quận 5 nhưng nhiều nghệ sĩ cho hay, nếu chịu khó lăn lộn với nghề, chịu đi tỉnh, hát phục vụ tại đình chùa các mùa lễ hội trong năm, không hẳn nghệ sĩ không duy trì được cuộc sống lúc này.

Ngay thời điểm nhiều người bắt đầu mất niềm tin với sự phục hồi sân khấu cải lương, khi chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với chúng tôi, nghệ sĩ ưu tú Tú Sương, một trong những cô đào trẻ nổi tiếng của dòng họ nhiều đời gắn bó với cải lương, tuồng cổ thừa nhận rằng nghệ sĩ cải lương, nhất là nghệ sĩ đã ít nhiều khẳng định được tên tuổi không đến nỗi không thể sống được bằng nghề...

Vẫn gian nan... thử lửa

Bù khuyết khoảng trống sân khấu chính thống, người mộ điệu cải lương khá dễ thỏa mãn nếu biết bằng lòng với cách tiếp cận gián tiếp các chương trình qua sóng truyền hình hay các trang web chuyên về nghệ thuật cải lương của Cải lương Việt Nam hay nhà hát Trần Hữu Trang với các thông tin được cập nhật khá bài bản từ nghệ sĩ nổi tiếng một thời, vở diễn nổi tiếng, hoạt động của các nghệ sĩ hiện tại cho đến các buổi phát sóng, phát thanh, các chương trình biểu diễn trong và ngoài nước.

Tại TP HCM, cải lương len lỏi vào nhiều phòng trà. Phòng trà Nam Quang trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết, đến nay, phòng trà vẫn là địa chỉ tìm đến cho người mộ điệu với mỗi suất diễn hàng tháng. Phòng trà Tiếng Xưa, đơn vị tiên phong trong hoạt động đưa cải lương vào phòng trà cũng chia sẻ rằng mặc dù không phải “thực đơn” chính nhưng cải lương vẫn là một trong những “thực đơn” để hướng đến một lượng khán giả nhất định trong thời điểm cải lương vẫn còn thiếu điểm diễn. Tuy nhiên, hầu hết các phòng trà và nghệ sĩ tham gia đưa cải lương vào phòng trà đều khẳng định, đây chỉ là giải pháp tức thời.

Một sân khấu đảm bảo điều kiện vật chất để nghệ sĩ có không gian tung tẩy, người mộ điệu có địa chỉ lý tưởng để tìm đến hàng đêm, phục vụ rộng hơn là khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu về đời sống văn hóa, nghệ thuật Việt khi đặt chân đến TP HCM vẫn là mong mỏi không của riêng nghệ sĩ nào. Niềm kỳ vọng này hoàn toàn được đặt vào Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hưng Đạo, dự án thay thế rạp Cải lương Trần Hưng Đạo đã xuống cấp và cũ kỹ xưa nay.

Do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM làm chủ đầu tư, Trung tâm trong tương lai khá lý tưởng với khuôn viên rộng gần 1.000m2, có tổng diện tích sàn lên đến trên 6.358m2, bao gồm 1 hầm và 5 tầng. Ngoài khán phòng biểu diễn chính với sức chứa trên 600 người và khán phòng thể nghiệm có gần 300 chỗ ngồi được thiết kế, đầu tư trang thiết bị theo chuẩn sân khấu hiện đại, trung tâm còn có riêng khu vực văn phòng, biểu diễn, đào tạo, phòng truyền thống, thư viện, sản xuất băng đĩa...

Với dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng Trung tâm là 132,39 tỷ đồng, Trung tâm không chỉ là niềm mong ước của riêng nghệ sĩ cải lương mà các nghệ sĩ nhà hát bội cũng hy vọng là chốn an cư sau này. Chỉ có điều, sau nhiều năm nằm trên giấy do vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, cuối tháng 4/2013, Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hưng Đạo mới chính thức khởi công.

Theo kế hoạch dự kiến, công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau 500 ngày kể từ thời điểm khởi công nhưng không hiểu vì lý do gì đến thời điểm này, mọi việc vẫn gần như dậm chân tại chỗ

Ngọc Nguyễn
.
.
.