“Sách xưa” lên tiếng

Thứ Năm, 11/03/2010, 19:51
Cầm và lật giở từng trang của cuốn sách mỏng “Trẻ con hát, trẻ con chơi” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cùng tranh minh họa sóng đôi của họa sỹ Mạnh Quỳnh xuất bản đầu thế kỷ 20 mới vỡ lẽ: Nhiều bài đồng dao tưởng là sáng tác dân gian, hóa ra của cụ Vĩnh.

Họ không có với nhau quá nhiều điểm chung ngoại trừ mối quan tâm đến những cuốn sách cổ và thú sưu tầm sách. Nhóm người trẻ ưa lục tìm quá khứ, đã lập ra diễn đàn www.sachxua.net để giao lưu, kết bạn, cùng chia sẻ niềm đam mê với sách cổ, sách cũ. Lần đầu tiên tại Hà Nội, các thành viên diễn đàn đã “xuất chiêu”, công bố một phần “kho báu” bí mật của mình trong triển lãm “Nét xuân trên những trang sách xưa” đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - Hà Nội.

Người xưa lên tiếng

Sachxua.net, theo như lời tự giới thiệu, là diễn đàn dành cho những người yêu sách, nâng niu trân trọng sách, giúp nhau tìm kiếm những cuốn sách quý và giới thiệu báu vật tinh thần đó tới với tri âm tri kỷ. Hiện diện tại Hà Nội, các thành viên, những nhà sưu tầm tới từ rất nhiều địa danh của Tổ quốc đã tình nguyện đem tới hơn 100 cuốn sách được dụng công tìm kiếm và giữ kín bấy lâu.

Quyển sách già tuổi đời nhất trong triển lãm, xuất bản năm 1679 được Vũ Hà Tuệ săn lùng tận bên Pháp: “May mà có người thân bên đó trợ giúp chứ không rất khó kiếm”, chàng trai nói giọng Sài Gòn điệu nghệ khoe. “Tập hợp những du ký và chuyên khảo kỳ thú và hấp dẫn của J. B. Tavernier, hiệp sỹ Nam tước xứ Aubonne” kèm theo cả bản đồ được truyền tay hơn ba thế kỷ qua, giờ đây đến lượt Tuệ là chủ sở hữu, thuộc loại cực hiếm, theo lời nhà báo Yên Ba, giá trên thị trường cũng rất đắt hoặc khó có thể định giá vì muốn mua cũng không ai bán.

Cuốn sách ra đời năm 1679 của J.B.Tavernier.

Cuốn “Lịch An Nam thông dụng 6 tỉnh Nam kỳ” bản in năm Bính tý 1876 cũng là “gia tài” “độc”, có một không hai mà Nguyễn Phát Hà Giang - một nhà sưu tập trẻ đã nhanh tay mua được. Những cuốn sách như thế này, may ra Thư viện và Trung tâm lưu trữ Quốc gia còn có, chứ ở ngoài hiếm lắm, nhà báo Yên Ba -  người vẫn được biết tới như một chuyên gia dụng công sưu tầm “Tam quốc diễn nghĩa” - tiết lộ.

Còn rất nhiều nữa những cuốn sách quý quá lâu không “lộ sáng”, giờ mới được các nhà sưu tập “khoe” ra, nên đã tạo ra những dư chấn “gây sốc” cho những người quan tâm.

Cầm và lật giở từng trang của cuốn sách mỏng “Trẻ con hát, trẻ con chơi” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cùng tranh minh họa sóng đôi của họa sỹ Mạnh Quỳnh xuất bản đầu thế kỷ 20 mới vỡ lẽ: Thì ra nhiều bài đồng dao các thế hệ tuổi nhỏ vẫn say sưa đọc, và thuộc cả trăm năm nay, tưởng tác phẩm dân gian, hóa ra là sáng tác của cụ Vĩnh.

“Việt Nam nhân thần giám” của đại thần triều Nguyễn Hoàng Cao Khải do Viễn Đông bác cổ Pháp xuất bản năm 1915, “Đạo đức kinh” của học giả Đào Duy Anh hay Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng là những văn bản hy hữu còn lại. Tiểu thuyết Số đỏ bản in năm 1946 có bìa do đích thân họa sỹ Tô Ngọc Vân trình bày. Đây là bản đặc biệt số 27 dành riêng cho họa sỹ Lương Xuân Nhị và được coi như văn bản Số đỏ xưa nhất tìm được đến thời điểm này.

Những người trẻ không già

Chủ nhân của hầu hết các cuốn sách được trưng bày, các nhà sưu tập là thành viên của diễn đàn sachxua.net phần lớn còn trẻ, lứa 8X, 7X. Họ đến với con đường sưu tầm sách bằng nhiều cách: từ sưu tập tiền cổ rồi bén duyên với sách, hay lai vãng tại các tiệm sách cũ ở TP Hồ Chí Minh và tình cờ phát hiện ra những vật báu bị lớp bụi tháng năm phủ dầy.

Kỹ sư Hoàng Minh, dân Hà Nội tốt nghiệp Đại học Bách khoa, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, một trong những người khởi xướng triển lãm có trong tay những bộ sưu tập khá bài bản. Hoàng Minh sưu tầm sách và cùng với đó, góp nhặt được rất nhiều tư liệu phi văn bản liên quan đến các tác giả, tác phẩm - những người muôn năm cũ. Sưu tầm sách, tốn tiền, tốn thời gian và tiêu hao cả tâm trí, nhưng “quý vật” phải có “quý nhân”, nếu không gặp được đúng người, những cuốn sách già hơn bất kỳ một ai trên cõi đời này sẽ lâm cảnh tàn phế, hư hại và biến mất vĩnh viễn.

Bản “Số đỏ” có bìa do họa sỹ Tô Ngọc Vân trình bày, NXB Minh Đức ấn hành từ năm 1946.

Cấp tập mang sách đến Triển lãm trưng bày, rồi lại cấp tập bay sang Trung Quốc tiếp tục khóa học, lưu học sinh Nguyễn Phát Hà Giang lại đang bối rối vì chưa tìm ra cách nào hữu hiệu nhất bảo quản những cuốn sách đã tồn tại trăm năm có lẻ. Giang bảo, anh chỉ biết cho vào tủ có thuốc chống ẩm và cố tránh tối đa mối mọt để hạn chế ít nhiều sự rách nát, xuống cấp.

Nhà sưu tập Nguyễn Khắc Bảo, người sở hữu các bản in Truyện Kiều cổ còn nhiều hơn cả Thư viện quốc gia cười như đùa mà như thật: Thi thoảng, vào canh khuya yên tĩnh, khẽ khàng lật giở từng trang sách, trò chuyện với nó, và lắng nghe lời tiền nhân gửi gắm lại

Khánh Bằng
.
.
.