Sách đọc và sách học

Chủ Nhật, 06/09/2009, 13:06

Trước đây, trên một tờ báo, tác giả Đoàn Tuấn từng có bài viết "Đầu nậu - cổ tích và bạo lực trong tranh truyện", trong đó anh cung cấp một số chi tiết làm người đọc xa xót và phẫn nộ. Ấy là khi người ta "được" nghe một vị tác giả tranh truyện nọ phát biểu thẳng quan niệm: "Phương châm của bọn mình là lấy trẻ con để nuôi người lớn", hoặc tệ hại không kém là cái cách suy tính "móc túi trẻ con là dễ nhất".

"Phương châm" và "cách suy tính" ấy hoàn toàn đi ngược lại đạo lý ngàn đời không những của nhân dân ta mà của cả cộng đồng quốc tế.

Đối với những người viết, có lẽ không gì thiêng liêng hơn là được hướng ngòi bút của mình phục vụ đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi, cũng tựa như có vị lãnh tụ nói rằng ông rất lấy làm xúc động, xúc động hơn bất kỳ cuộc trao tặng huân chương nào khi ông cúi xuống để một em gái - thay mặt các học sinh trong trường - quàng chiếc khăn đỏ danh dự lên cổ ông, hay như vua Henri IV của nước Pháp đã bò lổm ngổm dưới sàn nhà, làm ngựa cho con cưỡi. Những con người ấy cảm thấy sung sướng, phấn khởi bởi họ biết quí và biết sống vì trẻ thơ.

Trở lại với bài báo đã nêu, chúng ta buồn vì thực tế không thiếu những đầu nậu sách tìm cách kiếm tiền nhanh chóng, kể cả việc sẵn sàng "đầu độc" các trái tim non trẻ. Chúng ta còn buồn hơn nữa khi có những đơn vị văn hóa tuy danh nghĩa là phục vụ trẻ em nhưng chỉ vì doanh thu lợi nhuận đã đi lạc nhiệm vụ vốn dĩ rất cao cả, thiêng liêng của mình.

Điểm lại nhiều cuốn sách bị báo chí lên tiếng phê phán vì được biên soạn vội vàng, in ấn cẩu thả trong thời gian vừa rồi, ta thấy có không ít cuốn dành cho đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. Các cuốn sách kinh điển, được trẻ em cả thế giới tìm đọc như "Không gia đình", "Những cuộc phiêu lưu của Tôm Xoyơ", "Rôbinxơn Cơruxô", "Hai vạn dặm dưới biển", "Truyện cổ Grim", "Truyện cổ Anđécxen"…, đáng buồn thay lại là những cuốn sách dễ bị biến tướng bởi các trò ma lanh của cánh đầu nậu nhất.

Có bậc phụ huynh đã than phiền với tôi rằng, vừa rồi ông đã thất vọng khi mua phải bản dịch một cuốn "Truyện cổ Grim" được thực hiện không phải từ nguyên bản tiếng Đức (như dịch giả Hữu Ngọc từng dịch rất thành công trước đây) mà lại từ tiếng Trung với những cách phiên âm tên nhân vật theo kiểu người… Hoa. Điều này làm ông lúng túng, không biết giải thích với cậu con trai yêu quý như thế nào.

Sự thực thì thị trường sách hiện đang tràn ngập nhiều cuốn truyện cổ tích bị "cải biên" theo chỉ đạo của các đầu nậu (hòng giảm chi phí nhuận bút) mà hậu quả là các em nhỏ không còn thấy hình ảnh nàng Bạch Tuyết và cô bé quàng khăn đỏ đáng yêu như trong câu chuyện kể hằng tối của bố mẹ nữa. Không phải không có lý khi mà trên một tờ báo, có phóng viên đã khuyến cáo các bậc cha mẹ phải hết sức "cảnh giác" với loại sách "cổ tích cải biên" này.    

Đấy là chuyện buồn trong vấn đề sách đọc, còn trong vấn đề sách học, có thể nói, đây là việc cần phải được liên tục mổ xẻ nhằm dẫn tới những giải pháp hữu hiệu, bởi sự "quá tải" của nó được nhiều người đánh giá là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ học sinh bỏ học tăng cao.

Trước sau tôi vẫn nghĩ: Nhân loại ngày càng hướng tới sự văn minh thì những kiến thức mà con em chúng ta cần phải học hỏi, phải nắm bắt cũng sẽ ngày một nhiều. Song như vậy lại càng đòi hỏi các nhà sư phạm phải có được những bộ giáo trình, những phương pháp truyền thụ sao cho các em nắm bắt được vấn đề một cách nhanh nhất, giản tiện nhất.

Được biết ngày xưa, nội việc để người học nhanh chóng nắm bắt được mặt chữ mà có nhà sư phạm đã phải mày mò soạn bài giảng thành những câu thơ: "O tròn như quả trứng gà/ Ô thì có mũ, ơ thì có râu". Đáng buồn là hiện nay, không ít nơi đã xảy ra trường hợp: Khi giám thị công bố đề thi; ngoài việc đọc "đề chính", họ còn phải đọc thêm một bản hướng dẫn "ngoài lề" nữa để học sinh có thể… hiểu đúng được câu hỏi! Thật hài hước hết chỗ nói!

Trong tay tôi là quyển Ngữ văn lớp 6 tập một. Ngay ở phần "Lời nói đầu", các nhà làm sách đã khiến tôi phải kinh ngạc khi họ sử dụng quá nhiều từ ngữ không hề phù hợp với trình độ hiểu biết và sức tiếp thu của lứa tuổi 11, 12 (thậm chí còn là khó hiểu ngay cả với các bậc phụ huynh chúng ta).

Đọc đoạn văn: "Bên cạnh những hướng cải tiến chung của bộ chương trình như giảm tải, tăng thực hành, gắn đời sống, nét cải tiến nổi bật nhất của chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn là hướng tích hợp", tôi tin là không ít bậc cao niên phải toát mồ hôi hột để giải thích cho các cháu bé hiểu "những hướng cải tiến chung của bộ chương trình" này là như thế nào?

Những chữ "giảm tải" ta có thể đã nghe đây đó, nhưng để giải thích ngữ nghĩa của nó một cách rành rọt cũng không hề đơn giản. Trong cuốn "Từ điển tiếng Việt" rất thông dụng hiện nay (do Hoàng Phê chủ biên; Viện Ngôn ngữ học phối hợp với Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004) không có từ này. Còn từ "tích hợp" thì được các nhà làm từ điển cắt nghĩa là "Lắp ráp, nối kết các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ". Thì ra, ngữ nghĩa của nó là vậy. Nhưng chẳng lẽ ngày ngày tới trường, ta lại yêu cầu những đứa trẻ sức vóc nhỏ nhoi kia phải kè kè mang theo bên mình cuốn từ điển nặng tới vài cân để tra hay sao?

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng khuyên những người viết trẻ, rằng khi làm thơ, thật hãn hữu mới in kèm lời giải thích. Và những lời giải thích này chớ nên nhiều hơn phần thơ, bởi làm thế sẽ khiến người đọc giảm hứng thú khi thưởng thức vẻ đẹp ngôn từ của thơ. Cũng vậy, với những bài trong sách Ngữ văn, các nhà biên soạn phải phấn đấu làm sao để lời lẽ dễ hiểu, trong sáng hơn nữa. Chứ như cách họ đặt tên cho bốn loại ẩn dụ thường gặp là: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, thì thiết nghĩ, ngay đến các nhà văn - những người sử dụng biện pháp nghệ thuật này nhiều nhất - cũng chưa dễ mấy người hiểu và cắt nghĩa sự khác nhau của chúng được, nói chi đến những đứa trẻ ở độ tuổi 11, 12. Bởi vậy, với các em nhỏ của chúng ta, sách giáo khoa quả là nặng! Nặng không chỉ bởi số kilôgam các em phải cõng trên lưng, mà nặng còn bởi những điều khó hiểu trong chính nội dung của nó

Phạm Nhật Linh
.
.
.