SEA Games và chuyện “sao đổi ngôi”

Thứ Bảy, 23/11/2013, 09:54
Nếu như ở các sân chơi châu lục hay Thế vận hội, rất khó có cuộc lật đổ nào ở vị trí dẫn đầu thì ngôi quán quân ở SEA Games lại thường xuyên đổi chủ. Lần này chủ nhà Mynamar, nước thường chỉ đứng thứ hạng 6, 7 ở các kỳ SEA Games trước sẽ đường hoàng lên ngôi. Nước thường chỉ giành vị trí thứ 6, thứ 7 ở các kỳ SEA Games trước đặt mục tiêu giành tới 100 HCV để chắc chắn đứng đầu Đại hội này.

Từ chuyện… nhường huy chương

Các cường quốc thể thao khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Việt Nam đều mặc nhiên chấp nhận thực tế nước nào là chủ nhà SEA Games thì nước đó sẽ lên ngôi ở SEA Games đó. Tất nhiên, trừ những quốc gia có nền thể thao chưa phát triển như Lào, Campuchia, Brunei hay Đông Timor thì các nước còn lại đều có cửa xưng vương ở SEA Games.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Quốc gia, ông Hoàng Vĩnh Giang thừa nhận: “SEA Games là một sân chơi kỳ lạ, nơi tinh thần tương trợ, nhường nhịn, giúp đỡ và hữu nghị giữa các quốc gia rất cao”. Có kinh nghiệm ngồi bàn đàm phán ở nhiều kỳ SEA Games, ông Giang cho rằng, chuyện mặc cả huy chương, phân bổ huy chương từng nội dung cho các đoàn đều được bàn bạc kĩ trước khi Đại hội diễn ra.

Hà Thanh từ vị thế VĐV xuất sắc nhất năm của TTVN có thể sẽ không có mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu năm nay. Ảnh: Tuấn Vũ.

Ở SEA Games 27, Myanmar đưa vào chương trình thi đấu vovinam, môn võ truyền thống của Việt Nam, nhưng Việt Nam buộc phải “nhường” cho nước chủ nhà tới 7 HCV trong số 15 bộ huy chương của môn này. Singapore cũng không ngại ngần nói thẳng: Nếu muốn vovinam có mặt trong chương trình thi đấu SEA Games 28 năm 2015 ở nước này, Việt Nam cũng phải “nhả” cho họ 1-2 tấm HCV, ngoài ra vì mục tiêu phát triển vovinam Lào và Campuchia khả năng cũng được nhường 1 HCV. Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) khả năng chỉ lấy 5 HCV ở vovinam.

Trước đây có chuyện Việt Nam từng nhất toàn đoàn ở môn Pencak silat, môn võ cổ truyền của Indonesia cũng là vì lý do này. Ở SEA Games 27, Myanmar bỏ môn thể thao mỏ vàng Thể dục dụng cụ từng mang lại 11 HCV ở hai kỳ SEA Games trước cho thể thao Việt Nam, nhiều nội dung các môn bắn súng, vật, điền kinh mà Việt Nam có khả năng giành HCV cũng bị cắt giảm để tạo lợi thế cho chủ nhà.

Vẫn như các kỳ SEA Games trước, chủ nhà Myanmar đưa vào những môn thể thao mà thế giới chưa từng biết đến, đó là môn Chilone, môn thể thao cổ truyền của Myanmar đã có từ 1.500 năm nay. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, SEA Games là ngày hội văn hoá của các nước ASEAN nên đưa vài môn thể thao truyền thống của nước chủ nhà hay đưa những môn đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á như đua thuyền truyền thống, những môn chỉ được thấy ở những lễ hội, cũng là để tạo ra không khí… vui vẻ.

Đến nước mắt VĐV

Việc môn này được đi, môn khác phải ở nhà cũng tạo ra bầu không khí hỷ nộ ái ố khác nhau trước ngày đoàn TTVN  lên đường tranh tài. Những người buồn nhất là những người không được dự ngày hội mà giới VĐV trông ngóng suốt hai năm. VĐV Phan Thị Hà Thanh từng giành 3 HCV ở SEA Games 26 cho biết: “Dù đã biết thể dục dụng cụ không có mặt ở SEA Games gần một năm nay nhưng khi SEA Games đến gần chúng tôi vẫn cảm thấy đôi chút chạnh lòng. Dù không dự SEA Games thì chúng tôi vẫn phải miệt mài luyện tập vì những mục tiêu khác còn rất nhiều nhưng sân chơi này với các VĐV Việt Nam đã trở nên quá thân thuộc”.

Phan Thị Hà Thanh là VĐV thể thao xuất sắc nhất Việt Nam năm 2012 với những thành tích đáng nể ở SEA Games, giải vô địch thế giới và châu Á tuy nhiên trong năm mà TTVN dồn toàn lực cho sân chơi khu vực, Hà Thanh không được tham dự thì chắc chắn cô gái sinh năm 1990 này cũng không còn cơ hội để duy trì danh hiệu VĐV xuất sắc nhất năm.

Cử tạ là môn vẫn góp mặt ở SEA Games nhưng nước chủ nhà Myanmar chỉ cho mỗi đội tuyển đăng ký một VĐV tham dự ở nội dung 56kg mà Việt Nam hy vọng HCV. Hai năm trước VĐV Trần Lê Quốc Toàn giành HCV ở nội dung này nhưng năm nay Toàn sẽ phải ở nhà để nhường chỗ cho Thạch Kim Tuấn, VĐV vừa giành HCĐ châu Á và đang có thành tích tốt hơn. Câu chuyện “chọn mặt gửi vàng” trước giờ lên đường cũng gây ra những câu chuyện ồn ào ở môn bóng bàn khiến hai VĐV lão luyện là Trần Tuấn Quỳnh và Đinh Quang Linh bị loại khỏi đội tuyển vì không tham dự cuộc đấu nội bộ tuyển chọn người đi SEA Games

Hải Minh
.
.
.