Thăm địa danh căn cứ cách mạng Việt Bắc:

"Rừng xưa lối cũ yêu thương lại về"

Thứ Hai, 04/02/2008, 15:15
Rời ATK Việt Bắc trong nắng chiều bảng lảng, bỗng thấy niềm quyến luyến chợt dâng đầy với vùng đất có những chiến công như huyền thoại. Như nghe thấy đâu đây tiếng "ve kêu rừng phách đổ vàng"* bên lán Bác Hồ, như thấy cả bóng dáng Người mỉm cười lắng nghe nhịp sống đang cựa mình sinh sôi ở miền sơn cước. Và như đâu đây một lời nhắn nhủ: nơi đây vẫn mãi xứng đáng là chiếc nôi cách mạng, xứng đáng với sự tin yêu của Bác, của Đảng như ngày kháng chiến...

"Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn" (*)

Lẫn trong dòng người náo nức hành hương về ATK Việt Bắc những ngày giáp Tết, chúng tôi đến Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), để được lắng hồn mình trong bao cảm xúc dâng trào về một miền quê vốn chỉ được biết qua những câu thơ trữ tình của nhà thơ Tố Hữu.

Tân Trào vốn là căn cứ địa của cách mạng trước Cách mạng tháng 8, sau khi Bác Hồ rời Pắc Bó vào 5/1945. Tại Thủ đô lâm thời này, ngày 13/8/1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng đã họp để quyết định tổng khởi nghĩa.

Dưới mái đình Tân Trào, ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Chiều 16/8, bên gốc đa lịch sử, Quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô.

Hơn 60 năm. Một chặng đường chưa phải là dài đối với lịch sử dân tộc, nhưng đã lùi sâu vào dĩ vãng cái đói nghèo ở vùng đất vốn khuất chìm giữa rừng già thăm thẳm.

Giờ đây, lán Nà Lừa, "mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào"* như một bức tranh thơ mộng giữa trập trùng non xanh nước biếc, luôn tấp nập du khách. Không khí thanh bình ở đây như một minh chứng về công tác an ninh ở nơi có di tích Nha Công an TW.

Mang theo niềm tự hào của mảnh đất giàu truyền thống, đã nhiều năm rồi, Công an huyện Sơn Dương liên tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Thượng tá Vũ Văn Liêu - Trưởng Công an huyện Sơn Dương tâm sự: địa phương luôn vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách trong, ngoài nước đến thăm quần thể di tích ATK. Vì thế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu di tích và các đoàn khách luôn là mục tiêu cao nhất của Công an huyện.

Có không ít khó khăn mà các chiến sĩ Công an luôn phải đối mặt: địa bàn rộng, dân cư đông, dân trí và đời sống của bà con còn thấp, nhưng với tinh thần chủ động, kiên quyết tấn công tội phạm, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) luôn nắm chắc tình hình, triển khai có hiệu quả các phương án phòng ngừa, để ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Sự tham mưu tích cực của Công an đã giúp Huyện ủy và UBND huyện chủ động giải quyết linh hoạt các vấn đề từ cơ sở, không để xảy ra phức tạp về an ninh, TTATXH. Không có việc truyền đạo trái phép hay khiếu kiện trên địa bàn thực sự là chiến công của đơn vị trong phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" ở từng làng bản cũng như công tác cơ sở của từng CBCS.

Các xã ATK cũng tiếp tục khẳng định niềm tự hào bằng các cờ thi đua xuất sắc do Bộ Công an tặng cho xã Tân Trào (năm 2005) và năm 2006 cho xã Minh Thanh - nơi có di tích Nha Công an TW.

Trong phong trào "Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND", Công an huyện Sơn Dương xứng đáng là lực lượng An ninh của quê hương cách mạng. Với 85% số vụ phạm pháp hình sự được điều tra khám phá, cùng nhiều vụ án kinh tế, ma túy được làm rõ, đã kiềm chế hữu hiệu sự gia tăng tội phạm.

Việc điều tra, xử lý tội phạm không để oan sai đã mang lại lòng tin cho nhân dân, để bà con tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Công an. Lực lượng Công an huyện đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng cho xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm như KCN Bình Long, Nhà máy Giấy An Hòa …

Chúng tôi cũng vui lây niềm vui của Thượng tá Vũ Văn Liêu: Với chủ trương xây dựng tập thể đoàn kết cao, gương mẫu, từ năm 2003 đến 2007, đơn vị luôn đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" và "Đảng bộ trong sạch vững mạnh". Năm 2007, đơn vị còn được đề nghị Bộ Công an tặng Bằng khen.

Gần 10 năm gắn bó với Sơn Dương, cá nhân Thượng tá Vũ Văn Liêu cũng nhiều năm liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở, cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh.

"50 năm ấy biết bao nhiêu tình… "*

Vượt đỉnh Đèo De lộng gió, chúng tôi về với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - Thủ đô kháng chiến những ngày chống Pháp. Mảnh đất thiêng đã đi vào lịch sử dân tộc, khi với thế "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ", từ 11/1946, Định Hóa đã được Bác Hồ chọn là đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Suốt 9 năm chống Pháp, đây là nơi Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v… sống và làm việc, là nơi Bộ Chính trị quyết định chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, làm nên chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"...

Sắp sang xuân, ATK Định Hóa bỗng bừng thức giữa đại ngàn. Con đường từ Chợ Chu vào Phú Đình - thủ phủ của ATK xưa - rộn ràng người, xe, cờ, hoa. Những lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh bay trong gió ngàn, in trên nền trời chiến khu xanh thắm.

Thời gian đã kịp tô nên nét rạng ngời trên vùng đất chiến khu xưa. Đại ngàn lùi sâu, nhường chỗ cho con đường nhựa dài hun hút vươn tới đỉnh Đèo De, bên ngút ngàn nương chè xanh biếc, rừng cọ trập trùng, vườn cây trái xum xuê và những nếp nhà sàn vương khói lam chiều thật thơ mộng.

Đường sá vươn đến tận các bản làng xa xôi đã đưa đặc sản "4G" (gỗ, gạo, gừng, gà) cùng với hàng vạn tấn chè búp của Định Hóa ra thị trường trong và ngoài nước, để rồi, hút về đây hàng hóa đủ loại phục vụ bà con các dân tộc. Tháng 12/2007, nhãn hiệu "gạo bao thai Định Hóa" đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng bảo hộ, thêm một niềm tự hào cho ATK trong thời kỳ hội nhập.

Hẳn khi chọn Định Hóa làm Thủ đô kháng chiến, các bậc "khai quốc công thần" khó có thể hình dung, nơi rừng xanh núi đỏ này sẽ mọc lên tới 4 khu công nghiệp và 3 nhà máy chè, nhà máy giấy với tổng thu ngân sách hơn 110 tỷ đồng/năm như bây giờ. Hơn thế, các xã của Định Hóa đều đã có điện thoại và ánh điện lưới quốc gia.

Bước ngoặt về giáo dục đã có ở ATK: từ chỗ dường như sự học không có gì, vậy mà nay, Định Hóa đã có 74 trường học xây dựng kiên cố với gần 24 ngàn học sinh. 100% xã được công nhận phổ cập giáo dục THCS , trong đó, có 5 trường đạt chuẩn quốc gia là điều kiện đáng kể để ATK tiếp tục vươn lên.

Sự phát triển kinh tế - xã hội ở Định Hóa có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng An ninh. Thượng tá Ma Đình Tuyển - Trưởng Công an huyện Định Hóa cho biết: Bằng những việc làm xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, đơn vị đã tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong giữ vững ANCT và TTATXH, bảo vệ an toàn các di tích lịch sử cũng như các đoàn khách trong và ngoài nước thường xuyên về với chiến khu xưa.

Trong bối cảnh tệ nạn xã hội len lỏi tận hang cùng ngõ hẻm, thì ở Định Hóa, có nhiều xã không tệ nạn như Linh Thông, Bảo Linh, Bộc Nhiêu. Danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" thật xứng với những gì mà lực lượng Công an địa phương làm được.

"Đất trời ta cả chiến khu một lòng"*

Trong hành trình từ Tuyên Quang về Hà Nội, Bác Hồ đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ sống và làm việc ở Vai Cầy (xã Bản Ngoại, Đại Từ, Thái Nguyên) từ tháng 8 đến tháng 10/1954. Với tình cảm "Uống nước nhớ nguồn", năm 2006, Bộ Công an đã đầu tư 500 triệu để xây dựng một công trình văn hóa cộng đồng tại di tích ATK này.

Tiếp nối truyền thống của cha ông trong việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dù ở hoàn cảnh nào, nhiều năm qua, Công an huyện Đại Từ cũng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện xuất sắc lời Bác dạy.

Sự chủ động về chuyên môn, lại làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy và chính quyền địa phương đã giúp Công an huyện Đại Từ giữ vững được công tác đảm bảo ANTT. Là địa bàn có nhiều khu mỏ lớn, nhưng không có tình huống đột xuất hay điểm nóng về ANCT là ghi nhận về hoạt động an ninh ở đây.

Thượng tá Ngô Tuấn Hải - Trưởng Công an huyện Đại Từ cho biết: Với tỉ lệ phá án cao gần 80%, tội phạm hình sự, ma túy đã được kiềm chế và đẩy lùi, trật tự ATGT được cải thiện, tạo uy tín ngày càng cao cho lực lượng Công an.

Các hoạt động do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, như "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" hay "Mỗi ngày làm một việc tốt vì dân", làm từ thiện v.v… đều được 100% CBCS nhiệt tình tham gia.

Lối sống gương mẫu, trong sáng của mỗi CBCS đã tạo đà cho phong trào "Quần chúng bảo vệ ANTQ" phát triển sâu rộng, là cơ sở làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của địch. Việc bám sát cơ sở đã giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề, tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa Công an với nhân dân.

Khi giữa cấp ủy, lãnh đạo và CBCS đã xây dựng được mối đoàn kết cao, cũng đã tạo được nếp sống văn hóa và kiểu mẫu tại đơn vị, nên Công an huyện đã được công nhận là "Cơ quan văn hóa".

Lực lượng Công an đã khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn, khi đã giúp cho nhiệm vụ trọng tâm ở huyện là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khá ổn định.

Năm 2007, có tới hơn 20 dự án lớn được triển khai cùng lúc ở huyện, nhưng do lực lượng Công an làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên nhân dân đều tự giác thực hiện, giúp các công trình mang tầm quốc gia đảm bảo tiến độ. Với những thành tích tiếp nối thành tích, những năm qua, Công an huyện Đại Từ đã được công nhận là "Đơn vị quyết thắng" và được Bộ Công an tặng Bằng khen.

Rời ATK trong nắng chiều bảng lảng, bỗng thấy niềm quyến luyến chợt dâng đầy với vùng đất có những chiến công như huyền thoại. Như nghe thấy đâu đây tiếng "ve kêu rừng phách đổ vàng"* bên lán Bác Hồ, như thấy cả bóng dáng Người mỉm cười lắng nghe nhịp sống đang cựa mình sinh sôi ở miền sơn cước.

Làn gió nhẹ chợt chạy ngang những khu rừng, lướt trên những tán cây thàn mát như một lời nhắn nhủ: nơi đây vẫn mãi xứng đáng là chiếc nôi cách mạng, xứng đáng với sự tin yêu của Bác, của Đảng như ngày kháng chiến.

                       
(*): Thơ Tố Hữu

Ngô Thanh Hằng
.
.
.