Rap/Hiphop Việt: Ánh sáng và bóng tối

Thứ Sáu, 29/12/2006, 09:28

Sức mạnh của Rap chính là sự chân thực, là cuộc sống, là tình yêu, là những trải nghiệm của niềm vui thường nhật, hay cả những nỗi buồn lắng sâu. Đó cũng chính là những gì mà Rap Việt "Underground" đã và đang hướng tới.

1. Vì sao, hàng ngày, hàng giờ, giới trẻ chúng ta liên tục được tiếp cận, được thưởng thức, và ngưỡng mộ những ngôi sao nhạc Rap/Hiphop hàng đầu thế giới như Eminem, 50 cents, Nelly, B2K, Black Eyed Peas, Missy Elliott... , nhưng Việt Nam vẫn không thể tiến gần hơn tới một khái niệm cụ thể về Rap/Hiphop Việt (chí ít là về mặt tư tưởng). Phải chăng nhạc Rap, dòng nhạc đã được thế giới công nhận như một nét văn hóa: Văn hoá đường phố (Urban culture) - không thể phát triển ở Việt Nam?

Hiện tại, theo cách hiểu của rất nhiều người, "Rap là chửi". Ngay cả với những người chưa từng một lần tĩnh tâm để nghe Rap, họ cũng tự xây dựng nên cho mình một hố sâu vô hình ngăn cách với những gì bị xem là "bẩn", là "xấu". Hoặc trái lại, có những bạn trẻ lại vội vàng đánh giá rằng, tại Việt Nam không thể có rapper chuyên nghiệp, chỉ vì họ không biết... chửi. Nhận định đó đúng. Và sai.

Xuất phát từ đường phố, từ những khu ổ chuột của người da đen, nhạc Rap/Hiphop bước ra thế giới với bộ mặt chân thật nhất, giản dị nhất có thể, từ ca từ, xảm xúc, tới cả những người muốn thể hiện nó. Sự chân thực - đó có thể xem là yếu tố tiên quyết cấu thành nên dòng nhạc này, chân thực đến xót xa, chân thực đến choáng váng. Và chân thực đến... vô văn hóa. Sự chân thực đã đưa Rap/Hiphop, RnB, lên tầm cao của thế giới, sánh vai với Pop, Jazz,  Rock...

Bên cạnh đó, những triết lý sâu sắc, những sáng tạo bất ngờ, hay cả độ "nóng" của tiết tấu... tất cả lại giúp nó chinh phục được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Chính vì thế, cũng chẳng có gì quá ngạc nhiên, khi dòng Rap/Hiphop Việt vẫn đang  từng ngày phát triển, dù trong điều kiện khắt khe của bất cứ xã hội nào.

2. Không quá khó hiểu khi các Showbiz Việt vào thời điểm hiện nay luôn có xu hướng pha trộn rất nhiều những phong cách Rap/Hiphop. Hơn hết, Rap, hay Hiphop ở Việt Nam vẫn là một điều gì đó có tính tượng trưng cho sự phá cách, cho những tâm hồn muốn vượt qua, muốn vươn tới những điều mới, sự sành điệu, và cả "cái Tôi" mạnh mẽ. Thế nhưng, thật buồn cười, và lố bịch nữa, nếu đánh đồng những ca sĩ có trang phục của một rapper, hát những bài nhạc xen lẫn các đoạn đọc - với Rap. Đó chỉ là sự copy về phong cách, đó chỉ là những biểu hiện có tính "tự sự" (Narrative), chứ đâu phải Rap.

Và ngay cả những người "trong nghề" nhiều khi cũng chẳng hiểu thực sự điều gì làm nên nhạc Rap. Một ca khúc được đọc từ đầu đến cuối cũng không thể là Rap/Hiphop, nếu tác giả không thể tạo nên sự phù hợp, tính nhịp điệu, và cả chất "phiêu" phù hợp với nhịp (beat) đã tạo sẵn. Rap có thể là phá cách, nhưng không phải cứ phá cách là tạo nên Rap. Một Rapper đích thực luôn hiểu Rap/Hiphop là thể loại đòi hỏi những yếu tố đầy tính thử thách trong thế giới muôn màu của âm nhạc.

Lấy ví dụ, nếu như phần lớn các thể loại truyền thống như Pop, Rock.... luôn cần đến chất giọng, luôn đề cao sự độc đáo của chất giọng, thì Rap/Hiphop lại không. Những rapper hàng đầu trên thế giới không thường được đánh giá cao ở chất giọng bẩm sinh, mà ở chính khả năng hòa nhập và truyền cảm nhịp điệu, ở sự sáng tạo tuyệt vời trong tiết tấu, trong lời ca. Đó chính là sự khác biệt đã làm nên những Eminem, 50 cents, Missy Elliott lừng danh, những người đã buộc giới trẻ phương Tây luôn phải "phát điên", khi nghe nhạc của họ.

Đã có nhiều người cho rằng, tại Việt Nam, việc chẳng hề có một trường lớp nào đào tạo, định hướng rapper sẽ mang lại rất nhiều "rủi ro" đối với lớp trẻ. Xin thưa ngay, là ngay cả ở những nước phát triển thể loại nhạc này, các rapper thực thụ cũng chỉ trưởng thành và tự hoàn thiện mình trên đường phố, trong những góc phố nhỏ, trong những "trận đấu" (battle) với những người bạn.

Hãy thử một lần được chứng kiến những cuộc battle nóng bỏng tại khuôn viên trước Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, bạn sẽ hiểu vì sao người ta lại nói: "Rap không bao giờ chết!". Sự đam mê lộ rõ trong từng ánh mắt, sự cảm nhận chân thành từ từng nhịp điệu, và cả sự mê say đến tột độ trong từng điệu nhảy vô cùng thú vị. Từ chính những nơi đó, từ những khoảnh khắc xuất thần của sự sáng tạo, nơi những quán cafe, hay ngay cả khi đi trên đường với chiếc mp3 nhỏ xíu, một người đam mê Rap/Hiphop cũng có thể tạo nên những tác phẩm để đời.

Không như những thể loại khác, đòi hỏi đầu tiên với một rapper là phải biết sáng tác. Một rapper hát những bài hát của người khác sẽ lập tức "mất điểm" ngay. Lý do thật đơn giản, điều kiện tối thiểu của một rapper phải là viết được lời trên nền nhạc chọn sẵn. Kết thúc quá trình sáng tác, rapper sẽ tự mình (hoặc cùng người hát cùng) điều khiển nhịp đọc theo cách sáng tạo nhất, phù hợp nhất, và dễ cảm nhận nhất có thể. Những người ưa thích nhạc Rap không bao giờ đòi hỏi tính kỹ thuật trong xử lý giai điệu, cái hay, cái "độc" của Rap chính là ở cảm xúc của lời ca, là sự tự nhiên trong biểu diễn. Đó mới là Rap.

Sau một vài năm phát triển, Rap/Hiphop Việt cũng đã có những bước chuyển mình rất đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh Showbiz Việt đang bành trướng thị trường âm nhạc, sân chơi cho Rap Việt vẫn là một dấu hỏi lớn. Với những dòng nhạc du nhập, trong một thời gian dài, người ta đã quá quen với những tác phẩm "được" bắt chước một cách khô khan, thậm chí lố bịch.--PageBreak--

Với Rap/Hiphop Việt cũng vậy. Có không ít những ca sĩ đã tự nhận mình là một rapper chân chính, một rapper "trong ánh sáng", nhưng lại không thể tạo được một phong cách riêng cho mình. Vấn đề của họ nằm chính ở việc chịu ảnh hưởng quá lớn từ nhạc nước ngoài, chứ không chịu đầu tư, suy nghĩ sao cho âm hưởng Việt, tâm hồn Việt tiến gần hơn với Rap/Hiphop.

3. Với những người đam mê Rap/Hiphop, thế giới được thực sự công nhận không phải là... ánh sáng. Trong giới Rap Việt, người ta luôn dành sự tôn trọng nhất định cho những tác giả thuộc loại "Underground" (những người trong bóng tối - tạm dịch). Những bài Rap của họ chỉ được biết đến qua những cái tên rất... "biểu cảm" như Young Uno, Eddyviet,  Lil' Knight, Onelarge, Fantasy_xy… Tuy nhiên, chính những "Underground" này mới là những đại diện thực sự cho Rap Việt, cho những người Việt trẻ tuổi tới với Rap/Hiphop bằng niềm đam mê khủng khiếp. Bằng trái tim, nhiệt huyết, và khả năng sáng tạo không ngừng.

Vì sao Rap Việt không thể được chấp nhận ở Việt Nam trong một thời gian dài? Có lẽ, câu trả lời duy nhất mà ai cũng trả lời được sẽ là: Rap không phù hợp với con người, với tư tưởng, và cả cách sống, cách suy nghĩ Á Đông. Thế nhưng, điều đó có hoàn toàn đúng? Bản thân nhạc Rap không phải là chửi bới, chửi hay không là do người hát, người sáng tác. Rap không phải chỉ là miệt thị, là bức xúc, là sự dồn nén, hay cố chấp về những tư tưởng lệch lạc. Rap còn là tâm hồn, là cảm xúc thăng hoa, là những gì của chính bạn, chính bạn viết nên, chính bạn hát, và cũng chính bạn tự chọn khán giả cho mình.

Rap không xấu! Bản thân nó đã được kiểm chứng và công nhận như một dòng nhạc đòi hỏi những nghệ thuật rất riêng biệt, những tài năng thực sự mê say, và cả những khán giả hoàn toàn hiểu, và đồng cảm. Trên cơ sở đó, Tiến Đạt - cái tên đang xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường âm nhạc qua những sáng tác Rap/Hiphop "sạch", không hẳn đã là đại diện cho Rap Việt, dù anh ta có thể là người đầu tiên hát "theo kiểu" Rap trên các sân khấu, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và anh ta ở "trong ánh sáng".

Có một sự thật không thể phủ nhận rằng, những "Underground" không chỉ là những bạn trẻ đam mê âm nhạc. Họ còn là những người rất giỏi, rất hiểu, và rất "điên" trong việc theo đuổi niềm yêu thích của mình. Thử hỏi, trong số những ca sỹ được lăng xê rộng rãi của nền Showbiz Việt hiện nay, có mấy ai có thể tự mix bản nhạc của mình, hay tự viết lời cho chính "đứa con" của mình. Thật kỳ lạ, nhưng không quá khó hiểu, khi mà những tác phẩm của "Underground" lại có thể tới với một lượng khán giả đông đảo, mà không cần bất kỳ cách quảng cáo thông thường nào. Bằng trái tim chân thành, bằng chính tâm hồn và xúc cảm, họ đã kéo những người trẻ tuổi lại gần nhau hơn. Bằng Rap.

Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn đang đầy rẫy những ca khúc ngô nghê, sáo rỗng, thậm chí "rẻ tiền" trong ca từ, Rap Việt đang đứng trước cơ hội thực sự để khẳng định mình. Với các bạn trẻ, những người thực sự say mê âm nhạc, say mê bằng tâm hồn, bằng sự cảm nhận tinh tế, chứ không phải là bằng... "tai người khác", Rap Việt sẽ có chỗ đứng nhất định.

Làm sao vô tình được, với những lời ca mà Lil' Knight đã viết tặng một người bạn có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống: "Bất chợt mơ về những tháng ngày cũ đã xa rồi. Dư âm đâu đây những tiếng cười nô đùa bên mẹ cha. Những lúc khóc oà vấp ngã trong cuộc đời, nép vào bờ vai mềm mại dịu dàng khi mẹ chạy ra ôm con vào lòng. Những lúc ngủ say trong giấc nồng, được cha nâng niu đưa vào phòng, ru con vào giấc ngủ. Kể những câu chuyện thật là cũ, nhưng bao nhiêu đó cũng đã quá đủ cho con một cuộc sống bình yên".

Làm sao có thể không xúc động, khi nghe những cảm xúc của Onelarge và Young Uno dành cho những nạn nhân của sóng thần Tsunami: "… Gió đang rú, mưa đang rơi, lệ đắng bờ môi nghẹn ngào nói không nên lời. Chim mất tổ lượn bay chới với, người mất nhau lòng sầu chơi vơi. Bao mảnh đời, đang chờ đợi những tình thương sẻ chia san nhường, vạn trái tim đập chung một hướng, còn tất cả chúng ta ở nơi xa, đều là những kẻ may mắn. Hãy cùng sẻ chia miếng ăn, tấm chăn. Gánh bớt chút khổ đau nhọc nhằn…".

Những giai điệu khiến người ta phải nhún nhảy, những ca từ làm người nghe phải không ngừng suy nghĩ, đớn đau. Đó là Rap, là "Tôi", là những gì của chính bạn! Đừng trách định kiến xã hội, đừng trách những người xem nhạc Rap là một dòng nhạc cỗi cằn, thô ráp của một thế giới khác.

Nếu như những bạn trẻ đang đam mê, đang chiến đấu, và sống hết mình cho Rap Việt không tự thân vận động hơn nữa, nhiều hơn nữa, chính họ sẽ phải "chịu trách nhiệm" cho sự phát triển của Rap Việt. Sức mạnh của Rap chính là sự chân thực, là cuộc sống, là tình yêu, là những trải nghiệm của niềm vui thường nhật, hay cả những nỗi buồn lắng sâu. Đó cũng chính là những gì mà Rap Việt "Underground" đã và đang hướng tới.

Họ không cần, không bắt ai phải nghe nhạc của họ. Nhưng họ có niềm tin. Một ngày nào đó, Rap Việt sẽ không chỉ là "Underground". Một ngày nào đó, Rap Việt sẽ bước ra. Trong ngập tràn ánh sáng

Yến Thanh
.
.
.