Rạp chiếu phim độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Đó là một góc nhỏ trong vườn Bách Thảo (Hà Nội) với “ông chủ” là một lão nông làng Vạn Phúc. Rạp chiếu của ông rất đơn giản với chiếc máy chiếu phim cổ điển chạy bằng băng 6 ly. Ông chủ kiêm đạo diễn, thuyết minh, tiếng động, họa sĩ nhưng làm ra đủ thứ phim, từ phim nổi, phim cử động, phim giấy đến phim sờ, phim ngửi…
"Mời quý khách xem phim nào, phim của Mỹ, máy của Nhật. Sang bên ta cải tiến, máy nét như Sony, y như tivi, hoạt động như Samsung sít te radio, tách nhạc bằng mồm, radio chạy bằng dây dù. Chỉnh các kênh bằng dây chun, chuyển hệ bằng dây buộc nút. Would you like cinema? (bạn có thích xem phim không?). Tây còn thích nữa là ta...". Lời quảng cáo này cũng chẳng phải của hãng phim, đài truyền hình hay của một rạp chiếu phim nào mà nó là lời mời của ông "Long ghẹo" người làng Vạn Phúc.
Hàng tuần cứ vào thứ bảy, chủ nhật là ông Long có mặt ở vườn Bách Thảo (Hà Nội). Hôm nay, ông quảng cáo phim mới: "Hãng phim Moskva giới thiệu bộ phim Cuộc vui trên biển: Sói trong vai sói, thỏ trong vai thỏ…". Mấy ông khách du lịch người nước ngoài đi qua thấy lạ cũng ngồi xúm xuống xem thử. Vừa hướng dẫn khách, ông Long vừa lắp bộ phim khác vào máy. 10 phút bộ phim kết thúc. Ông Tây mừng ra mặt, không ngờ chuyến sang Việt
Chiếc máy chiếu phim cổ điển chạy bằng băng 6 ly, chuyển động dựa vào tốc độ quay tay. Giữa thời buổi điện ảnh, kỹ thuật số tân kỳ, kiểu chiếu phim thủ công của ông Long với chất giọng thuyết minh tình cảm khiến câu chuyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn trở nên hấp dẫn và lôi cuốn kỳ lạ mà chỉ bằng 13 hình ảnh đơn giản. Đến câu kết của bộ phim cũng khiến khán giả bất ngờ "Mối tình thắm đẹp như hoa, Hoàng tử - Bạch Tuyết mặn mà thủy chung. Bảy chú lùn vui hát cùng. Chuyện nàng Bạch Tuyết xin ngừng hết phim...".
Sinh ra tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Tây), năm 1952, ông Long được người nhà cho lên Thủ đô xem phim ở hồ Hoàn Kiếm. Bộ phim đầu tiên mà cậu bé Long được xem là phim Tác-dăng và phim về Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Về nhà, Long kể đi, kể lại cho bạn bè mà chẳng ai tin. Long liền nghĩ ra một cách là vẽ lại những hình ảnh đó trên giấy cho các bạn xem.
Khi còn đang học trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Hà Đông), một hôm nghe thầy giáo kể truyện cổ tích Thoong và Can, tối về, Long cặm cụi bên ngọn đèn dầu vẽ lại các cảnh trong truyện theo tưởng tượng của mình. Vẽ gần xong vô tình cậu đánh đổ ngọn đèn dầu lên giấy. Chán quá, cậu quăng chúng vào xó nhà và đi ngủ. Sáng dậy, Long không khỏi ngạc nhiên khi thấy các bức vẽ sáng và dễ nhìn hơn. Thì ra dầu tây làm cho bức tranh trong hơn. Ý tưởng làm hoàn chỉnh một bộ phim lóe lên trong đầu. Long lấy giấy pơ-luya (giấy dùng làm đèn ông sao) để vẽ, cắt, dán rồi bôi dầu hỏa lên các hình vẽ đó, hình thành bộ phim đầu tiên của mình. Sau nhiều lần chiếu đi, chiếu lại cho các bạn xem, Long tiếp tục làm thêm vài bộ phim nữa.
Ngày đó nhà Long thiếu gạch để xây chuồng ngan, Long liền nghĩ ra cách chiếu phim và yêu cầu mỗi bạn đến xem phải góp một viên gạch. Sau gần một tuần, đống gạch lớn đã chất ở vườn nhà Long và cũng là lúc bà con làng xóm kêu mất gạch. Lần này, Long bị mẹ mắng và yêu cầu trả lại gạch cho bà con. Từ đó, mỗi bạn đến xem phim, chỉ phải góp một tờ giấy để Long làm phim. Ước mơ làm phim cứ lớn dần trong tâm hồn giàu trí tưởng tượng của cậu bé.
Với tài vẽ tranh, chơi nhạc, ông Long từng được cử làm Trưởng ban Văn hóa xã Vạn Phúc. Dân làng từ các cụ già đến trẻ con đều mê phim của ông Long, nhất là các phim hoạt hình, ông tự vẽ trên giấy bóng kính rồi xin thuốc nhuộm vải của bà con trong làng làm màu tô...
Ông Long một mình "kiêm nhiệm" tất cả các công đoạn của một đoàn làm phim: Đạo diễn, thuyết minh, tiếng động, họa sỹ... Hàng chục năm qua, ông miệt mài khổ luyện bắt chước tiếng các loài vật: Gà gáy, chó sủa, mèo kêu, chim hót, hổ gầm. Ông Long cho biết: "Nhiều đêm phải trốn vợ, ra ngủ ngoài đồng để nghe và bắt chước cho chuẩn. Giờ tôi có thể bắt chước được tiếng của 10 loài động vật khác nhau".
Gia đình ông Long nhớ nhất kỷ niệm lần ông làm bộ phim Ba chú lợn con. Sáng và chiều tối, ông thường lẳng lặng ra chuồng heo bắt chước tiếng kêu của chúng. Cả nhà tưởng ông mắc bệnh thần kinh, vợ và các con ông định đưa ông đi viện khám. Một hôm, vợ ông đi làm đồng về thấy trong nhà có tiếng lợn kêu eng éc, bà hô các con vào đuổi. Khi mấy đứa trẻ xông vào, chẳng thấy chú heo nào mà chỉ có một mình ông đang ngồi ghép tiếng cho phim.
Hiện ông có rất nhiều loại phim khác nhau như phim nổi, phim cử động, phim giấy, phim sờ, phim ngửi… Trong đó loại phim giấy được coi là khởi nguồn sáng tạo của ông. Kịch bản ông dựa theo truyện cổ tích, rồi tự vẽ tranh, phân cảnh như Cóc kiện trời, Tây du ký, Võ Tòng đả hổ… Lúc đầu ông làm chỉ có 10 hình, rồi 25 hình/phim, nay ông đã tạo ra phim hoạt hình giấy với khoảng 200 hình/phim để có thể chuyển động giống như phim 24 hình/giây.
Ông còn sáng tạo ra loại phim sờ, phim nếm, phim ngửi khiến lũ trẻ trong làng "say như điếu đổ"! Ông bảo cuộc sống còn nhiều điều thú vị lắm, những ý tưởng nảy ra trong đầu là phải tìm mọi cách làm bằng được. Để làm ra một bộ phim như thế phải có rất nhiều đạo cụ, như trong phim trời mưa phải có hộp xịt nước, diễn viên dùng nước hoa phải có lọ nước hoa đưa ngay vào mũi người xem, diễn viên ăn kem thì khán giả cũng được ăn kem. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tiếng động, từ dông bão, mây, mưa, sấm, chớp… phải ăn khớp với hình. Tất cả đều hiện lên thật sinh động qua cách thể hiện của ông.
Hiện ông Long đang sở hữu gần 200 cuốn phim nhựa, có nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như Cánh đồng hoang, Chim vành khuyên, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng Mười… Trong "bảo tàng" của mình, ông quý nhất chiếc máy đèn chiếu của Nga có từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông còn có mấy chiếc máy chiếu phim nổi của Mỹ mà như ông tự hào khoe "xem vẫn sướng lắm".
Đã ở tuổi thất thập nhưng hàng ngày ông vẫn lóc cóc đạp xe trên chục cây số để đi chiếu phim. Nhiều người gán cho ông là đồ gàn dở khi làng lụa Vạn Phúc, quê ông đang thời ăn nên làm ra, người ta xây nhà lầu, mua xe đắt tiền, ông vẫn ở căn nhà gỗ do cụ thân sinh để lại và chiếc xe đạp cà tàng. Nhưng ngặt nỗi trót say với những máy chiếu phim từ thuở thiếu thời, ông cứ miệt mài đi cùng nó và hình thành phim với thương hiệu "Long ghẹo" (ông có tật cổ bị lệch sang một bên). Hàng đêm, ông lại cặm cụi vẽ và ghép lời..