Ra mắt tuyển tập của 4 tác giả trong gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong

Thứ Sáu, 16/04/2021, 14:40
Ngày 16/4, trang tin Thời mới và công ty V Media đã tổ chức lễ ra mắt bộ tuyển tập của 4 nhà văn là thành viên trong cùng một gia đình gồm: Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương, Nguyễn Như Phong.

Nhà văn, lương y Nguyễn Tử Siêu là ông ngoại của nhà văn Nguyễn Như Phong. Nhà văn Hoài An là con rể nhà văn Nguyễn Tử Siêu và là thân sinh nhà văn Nguyễn Như Phong. Nhà văn Nguyễn Thiên Lương là con trai nhà văn Nguyễn Tử Siêu và là em ruột thân mẫu nhà văn Nguyễn Như Phong.

Ra mắt tuyển tập các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương, Nguyễn Như Phong.

Ông Nguyễn Tử Siêu là thầy thuốc Đông y, viết văn và dịch sách thuốc. Trong khoảng thời gian 20 năm (1925-1945), ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, trong đó có các cuốn “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai Bà đánh giặc”, “Vua bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Việt Thanh chiến sử”, “Trần Nguyên chiến kỷ”... Một số cuốn sách của ông từng bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành. Bản thân tác giả cũng bị quản thúc ở nguyên quán. Trong thời gian bị quản thúc, ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm Đông y. 

Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ ra mắt.

Ông đã viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông y mang bút danh Nguyễn An Nhân. Một số sách của ông về y dược như “Y học tùng thư”, “Sách thuốc trẻ em”, “Sách thuốc phụ nữ”, “Châm cứu sơ bộ thực hành” và các sách dịch như “Hoàng Đế nội kinh”, “Ngoại cảm thông trị”, “Khôn hoá Thái chân”, “Tân châm cứu học”…. đã được nhiều người tìm đọc và áp dụng. Cuốn “Tử Siêu y thoại” là tác phẩm cuối cùng của tác giả.

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; nhà văn Nguyễn Như Phong cùng các vị khách mời tại lễ ra mắt.
Các vị khách mời tại lễ ra mắt.

Nhà văn Hoài An  là một cây bút chuyên viết bút ký, phóng sự, từng nhiều năm làm biên tập ở Báo Văn nghệ. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Năm 1952, ông làm phóng viên báo Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308). Từ năm 1954 đến 1960, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân, sau đó chuyển về báo Văn nghệ. Nói về ông, nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho rằng văn chương Hoài An vạm vỡ như sức vóc con người ông và cũng phong lưu như cuộc sống “quý tộc nghèo” của ông.  Nhà văn Hoài An là tác giả của nhiều bài bút ký nổi tiếng một thời như " Tủa Chùa, miền đất lạ"; "Bí mật củ sắn, con lợn ở làng Đại Lâm"; "Đồng cỏ Mộc Châu";  Bông Nà Sản"…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Báo CAND, Đại tá - Nhà thơ Phạm Khải tại lễ ra mắt.

Nhà văn Nguyễn Thiên Lương (1932 – 2010) là thứ nam của nhà văn, lương y Nguyễn Tử Siêu. Ông đi giao liên từ năm 14 tuổi. Năm 1954, ông được điều lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ) với chức vụ  Tiểu đội trưởng bộ binh Tiểu đội I, Đại đội 261, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã in bước chân trên  khắp các cánh rừng Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, đóng quân lâu nhất ở đèo Mang Yang. Ông là tác giả của bộ sách thiếu nhi nổi tiếng “Thú rừng Tây Nguyên” và cuốn ký sự “Cao nguyên thất thủ”…

Góc trưng bày bộ tuyển tập tại lễ ra mắt sách ngày 16/4 tại Hà Nội

Đại tá Nguyễn Như Phong nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND là nhà văn, nhà báo nổi tiếng xông xáo, ham đi, ham viết. Ông khởi nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn trên báo Văn Nghệ từ năm 1978, khi còn là lính công binh ở bên Lào. 

Năm 1980, ông bắt đầu viết báo ở Báo Công Binh-Bộ Tư lệnh Công Binh. Năm 1982, ông chuyển về báo CAND của Bộ Công an. Năm 2010, ông làm Tổng biên tập báo Năng lượng Mới. Nhà văn Nguyễn Như Phong viết rất đa dạng, gồm cả tiểu thuyết, phóng sự, kình luận, Kịch bản điện ảnh, viết tin bài thông tấn… 

Ông đã được trao 3 giải thưởng về tiểu thuyết của cuộc thi "Vì bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, 11 giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng trong các cuộc thi Truyện ngắn, Bút ký của báo Văn Nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông xuất bản bộ tuyển tập Nguyễn Như Phong gồm 14 tập, trong đó có 1 tập bút ký, 2 tập phóng sự và 11 cuốn tiểu thuyết. 5 cuốn thiểu thuyết đã được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập: Cổ cồn trắng, Bí mật những cuộc đời, Chạy án, Đồng tiền quỷ ám, Bí mật Tam giác Vàng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà văn Nguyễn Như Phong.

Phát biểu tại lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, đây là buổi ra mắt sách đặc biệt vì tác giả của bộ tuyển tập là các nhà văn trong cùng một gia đình. Các tác giả đã trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau với những khác biệt của đời sống và mang giọng nói của thời đại của mình, những khác biệt của thời đại vào tác phẩm. Tác phẩm của 4 nhà văn tuy khác nhau về văn phong, về đề tài nhưng đều quan tâm đến câu hỏi quan trọng nhất là đạo làm người, cái lẽ làm người của một gia đình, của một kiếp người, một quốc gia, một dân tộc.

“Trong sự khác biệt về phong cách, về đề tài nhưng cả 4 nhà văn, qua nhiều thế hệ, trong một khoảng thời gian dài, từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21, luôn có một sợi dây xuyên suốt, là chủ nghĩa nhân văn, là những câu hỏi cần được trả lời về số phận, cách sống của một con người trong một gia đình, trong một cộng đồng, trong một quốc gia. Tôi cho đó là điều quan trọng”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Riêng với nhà văn Nguyễn Như Phong, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, ông là một người viết quả cảm và đã viết bằng trách nhiệm, lương tâm, lòng can đảm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng nhận định, cuộc ra mắt bộ tuyển tập của 4 nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương và Nguyễn Như Phong cho thấy một dòng dõi, hay là sự di truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc giữ được gen di truyền của một nền văn hóa vì con người, vì sự yêu thương, sự chân chính như ông cha ta đã làm thì luôn là điều cần thiết…

Ngọc Hoa
.
.
.