Ra mắt đoàn Ca múa nhạc CAND và Đoàn Kịch nói CAND

Thứ Bảy, 12/07/2008, 10:46
Tối 10/7, sau gần 30 năm hoạt động, Đoàn Nghệ thuật CAND đã đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh bằng việc tách thành 2 đoàn độc lập - Đoàn Ca múa nhạc CAND và Đoàn Kịch nói CAND.

Lễ ra mắt của 2 đoàn đã diễn ra với sự tham dự của Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL; Trung tướng Lê Quý Vương - Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND cùng đại diện một số ban, ngành.

Chặng đường hơn 26 năm qua của Đoàn Nghệ thuật CAND thật đáng tự hào. Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ VH, TT&DL, ngay từ ngày đầu thành lập, Đoàn đã được đầu tư về mọi mặt để không ngừng phát triển.

Với những chương trình nghệ thuật bám sát yêu cầu nhiệm vụ, tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước và của ngành, Đoàn đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả qua hàng loạt giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp.

Gần 3 thập kỷ phấn đấu, Đoàn đã vinh dự được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba, nhiều bằng khen của Bộ Công an và Bộ VH, TT&DL. Các diễn viên của đoàn cũng đã được nhận 60 huy chương vàng và bạc cùng 9 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú v.v…

Với hàng ngàn buổi diễn, phục vụ hàng triệu lượt người xem, các chương trình biểu diễn của Đoàn đã góp phần không nhỏ xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an gần gũi, thân thương và kết thành nhịp cầu thân thiết giữa lực lượng Công an với bà con các trên khắp mọi miền của đất nước, là nguồn động viên tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và bà con.

Trong chiến tranh, các diễn viên của Đoàn luôn có mặt kịp thời ở các chốt tiền tiêu phục vụ cán bộ, chiến sỹ. Những năm gần đây, Đoàn lại tiếp tục phát huy thế mạnh, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật ấn tượng, tổ chức nhiều chuyến hành trình xuyên Việt tại các địa bàn trọng điểm, vùng cao, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng.

Đặc biệt, thời điểm xảy ra một số vụ phức tạp ở Tây Nguyên, theo chỉ đạo của Bộ Công an, Đoàn đã nhanh chóng xây dựng các chương trình nghệ thuật xung kích, và các diễn viên của Đoàn hành quân cơ động đến nhiều buôn, làng vùng sâu của các tỉnh Tây Nguyên, biểu diễn tuyên truyền, động viên nhân dân không nghe theo luận điệu xuyên tạc, lôi kéo của kẻ địch, trở về với buôn làng, đã góp phần vào ổn định tình hình. Nhân dân nhiều nơi đã ghi nhận: Bao nhiêu năm qua, đây là lần đầu được xem biểu diễn nghệ thuật, bởi các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật CAND là đơn vị đầu tiên đến với bà con.

Những chuyến công tác về Tây Nguyên còn để lại nhiều kỷ niệm khó quên với Thượng tá, NSƯT Đức Lợi - Trưởng đoàn Ca múa nhạc CAND:  Ròng rã 2 tháng trời, các ca sĩ diễn viên về tận các thôn, bản xa xôi nhất ở các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai v.v…, nơi các đoàn nghệ thuật khác chưa đặt chân tới.

Nhiều khi, điểm diễn cách nơi đóng quân hơn 70km, diễn xong về đến nơi trời gần sáng đã lại phải chuẩn bị cho đêm diễn ở một bản khác. Đèo cao, suối sâu, đường rừng cách trở, nhiều đoạn, anh em phải khênh máy nổ, gùi cõng trang thiết bị đến nơi biểu diễn phục vụ bà con...

Gian truân, vất vả, nhưng chứng kiến bà con từ các buôn làng xa hàng chục kilômét đường rừng vẫn nô nức kéo đến xem biểu diễn, để rồi khi đoàn đi, lại lưu luyến tiễn đưa như người ruột thịt, mệt nhọc trong các nghệ sĩ dường như được xóa sạch. Ở biên giới phía Bắc, biết tin đoàn đến biểu diễn, từ chiều, rất nhiều bà con đã đi ngựa đến nơi chờ xem văn công. Đêm diễn kết thúc, nhiều người mang sản vật ở địa phương tặng, thể hiện tình cảm với cán bộ Công an.

Đoàn cũng đã xây dựng thành công nhiều kịch bản về đề tài an ninh trật tự. Với lối diễn dung dị, truyền cảm, có phong cách riêng của mình, được công chúng và cán bộ, chiến sỹ CAND ghi nhận, nhất là qua các vở: "Người với người", "Thằng Mẫn tóc nâu", "Quả báo" v.v...

Đặc biệt, vở diễn "Người đồng chí" đã được nhận Giải đặc biệt của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Kỷ niệm 60 năm truyền thống lực lượng CAND, Đoàn đã ra mắt một chùm vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả: "Vòng xoáy", "Đối đầu", "Quyết định sinh tử", "Khoảnh khắc mong manh", "Tình xưa" v.v…

Việc đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định tách Đoàn Nghệ thuật CAND thành 2 đoàn độc lập, là bước phát triển mới của công tác văn hóa nghệ thuật trong lực lượng CAND, giúp cho 2 đoàn tiếp tục phát huy thế mạnh để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trên mặt trận tư tưởng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Trưởng đoàn Ca múa nhạc CAND hiện là Thượng tá, NSƯT Đức Lợi và Trưởng đoàn Kịch nói CAND là NSƯT Trần Nhượng.

Tại buổi lễ, NSND Lê Tiến Thọ đã ghi nhận những thành tích mà Đoàn nghệ thuật CAND đã làm được trong gần 30 năm qua, đồng thời chỉ ra những nội dung mà 2 đoàn cần hướng đến trong thời gian tới: Cùng với kiện toàn về tổ chức, các đoàn cần tập trung đầu tư và khai thác các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về truyền thống dân tộc và truyền thống CAND, về đề tài an ninh trật tự; tăng cường tìm tòi, thể nghiệm các phương pháp diễn xuất, từng bước hoàn thiện phong cách nghệ thuật của Đoàn; có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ diễn viên thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng Đoàn trở thành đơn vị chính quy, chuyên nghiệp

Thanh Hằng
.
.
.