Ra mắt cuốn sách: “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”

Thứ Tư, 04/06/2014, 07:39
Ngày 3/6, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (NCHN) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (HLKHXHVN) đã họp báo ra mắt công trình nghiên cứu về biển Đông “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông” tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Viện HLKHXHVN, cho biết: Cuốn sách này là những tư liệu có giá trị khoa học, trong đó, nhiều tài liệu gốc lần đầu tiên công bố, là căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa-Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông.

Bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện NCHN,  cho hay: Trong nhiều năm, Viện NCHN đã nghiên cứu và tập hợp được một khối tư liệu trên 3.000 trang, có tư liệu lần đầu tiên được Viện cho công bố nguyên gốc, đều thể hiện nhất quán sự quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa- Trường Sa: Các SGK từ xưa đã ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, như sách Khải đồng thuyết ước, do Phạm Vọng, Ngô Thế Vinh khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ (1881) là cuốn sách dạy về các kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý…; cuốn Tu thân luân lý khoa, nội dung ghi về cách ứng xử giữa vua tôi, chồng vợ, bạn bè… có dẫn các gương tốt trong lịch sử Việt Nam cũng có ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tác phẩm Đông hành thi thuyết, Mân hành tạp vịnh của Lý Văn Phức, trong tập thơ đều có bài dẫn về Vạn lý Trường Sa.

PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu các bản đồ cổ khẳng định chử quyền của Việt Nam với Hoàng Sa-Trường Sa.

Cuốn Đại Nam thực lục (đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới từ năm 2009), ghi lại việc thuyền buôn Ma Cao (Trung Quốc) đậu tại Đà Nẵng đem bản đồ Hoàng Sa dâng trình vua Gia Long năm 1817 và được vua thưởng 20 lạng bạc.” Các tư liệu Hán Nôm như Đại Nam Nhất thống chí, Đại Nam thực lục, các Châu bản triều Nguyễn … cũng cho thấy, hàng năm Nhà nước Việt Nam cử người ra Hoàng Sa để khảo sát và vẽ bản đồ,  thăm dò và khảo sát đo đạc Hoàng Sa. Từ thế kỷ 17, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa.

Ngoài ra, hàng loạt bản đồ cũng thể hiện thể hiện nhất quán lập trường quan điểm của Nhà nước Việt Nam từng quản lý 2 quần đảo này nhiều thế kỷ: như Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, do nho sinh trúng thức tên là Công Đạo, họ Đỗ Bá quê ở Bích Triều, Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An soạn vẽ vào khoảng sau năm 1630, trước 1653; hay bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ có vẽ Đại Trường Sa. Thiên hạ bản đồ lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Pháp, có đoạn ghi chép về bãi Cát Vàng (tức Hoàng Sa). Những tư liệu bản đồ của Trung Quốc in thời kỳ cận đại cũng như đầu thế kỷ 20 cho thấy, biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, tới đây, cuốn tư liệu quí này cũng được gửi đến tất cả các cơ quan TW và địa phương, cũng như lưu giữ ở tất cả hệ thống thư viện trên cả nước. Viện HLKHXHVN cũng chuẩn bị xuất bản công trình tư liệu quí này bằng tiếng Anh, để bạn bè thế giới hiểu thêm về những chứng cứ lịch sử và pháp lý của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa

Thanh Hằng
.
.
.