Quy hoạch phát triển điện ảnh: Dàn trải sẽ gây lãng phí và thiếu hiệu quả

Thứ Sáu, 29/11/2013, 14:48
Để đạt được mục tiêu điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh uy tín ở châu Á vào năm 2030, với những tác phẩm đạt giải quốc tế cao, mà dự thảo “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược) đặt ra, cần phải có sự chuẩn bị thế nào? Đây là câu hỏi được Cục Điện ảnh đặt ra với các nhà quản lý, những người làm điện ảnh ở 2 miền Nam - Bắc, vào ngày 28/11.

Theo TS. Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh, mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020, nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành Điện ảnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, phổ biến phim, cũng như hưởng thụ điện ảnh của nhân dân, đồng thời, đủ năng lực tổ chức các LHP và sự kiện điện ảnh lớn của quốc gia và quốc tế. Đến năm 2030, điện ảnh Việt Nam sẽ có các nghệ sỹ tài năng và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, có vị trí thứ hạng cao ở châu Á.

Để đạt được mục tiêu này, sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở vật chất: đến năm 2020, cả nước sẽ có 3 trường quay lớn tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, 1 trung tâm kỹ thuật, phía Bắc sẽ xây mới 10 rạp chiếu phim, cải tạo 24 rạp; miền Trung xây mới 15 rạp phim, cải tạo 16 rạp; phía Nam xây mới 24 rạp, cải tạo 8 rạp. Các rạp được xây mới sẽ tập trung cho các tỉnh chưa có rạp.

Theo dự thảo Chiến lược, mỗi vùng, miền cũng chia ba khu vực: khu vực trọng điểm phát triển điện ảnh; khu vực thực hiện nhiệm vụ phát hành và phổ biến phim; khu vực chiếu phim tại rạp và lưu động. Ví dụ, Hà Nội sẽ là địa bàn trọng điểm phát triển điện ảnh ở miền Bắc; Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên sẽ làm nhiệm vụ phát hành phổ biến và cung cấp các bối cảnh phim vv…

Quy hoạch cũng đưa ra 3 phương án: đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài và xã hội hóa. Theo đó, đào tạo trong nước sẽ nâng cao chất lượng trong các trường chính quy, mở các lớp nâng cao tay nghề ngắn hạn. Còn đào tạo ở nước ngoài: mỗi năm cử 1-2 đoàn đi nâng cao tay nghề ngắn hạn, lập dự án cử sinh viên đi đào tạo chính quy vv…

Cảnh trong “Những người viết huyền thoại” – phim điện ảnh được làm rất chuyên nghiệp đang thu hút khán giả.

Dự thảo Quy hoạch như vậy, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bức tranh điện ảnh Việt đang ảm đạm, nhiều nhà quản lý, người làm điện ảnh cho rằng, quy hoạch điện ảnh chưa nhìn vào thực tế nền điện ảnh còn quá èo uột cũng như chưa phù hợp với điều kiện kinh tế. Do đó, phát triển dàn trải sẽ lãng phí, không hiệu quả... 

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia, cho rằng, nếu theo Quy hoạch thì chỉ còn 7 năm nữa, mà đòi hỏi cả nước có 3 trường quay (hiện mới có trường quay Cổ Loa ở Hà Nội), 1 trung tâm kỹ thuật, 2 trung tâm chiếu phim hiện đại, xây mới 49 rạp, cải tạp 48 rạp, quả rất khó. Vì sẽ cần số kinh phí khổng lồ, trong khi kinh tế đất nước đang khó khăn. Chưa kể, thời gian ngắn, việc lập dự án, phê duyệt dự án của chúng ta thường rất mất thời gian, sẽ không khả thi. Hiện các rạp chiếu phim thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, không có khán giả nên cần đầu tư để nâng cấp các phòng chiếu, cải tạo các rạp để thành cụm đồng bộ, đủ khả năng cạnh tranh với các rạp chiếu của các công ty tư nhân, nước ngoài.

Ông Dương cho rằng, cần xác định đúng việc gì ưu tiên trước, như đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho trường quay Cổ Loa, xây mới một trường quay ở TP HCM, nhưng không nên xây trường quay ở Đà Nẵng. Thay vào đó, đầu tư một trung tâm chiếu phim hiện đại để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xem phim của nhân dân ở miền Trung.

Đồng quan điểm với ông Dương là GS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh và bà Phan Thị Bích Hà- Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu, điện ảnh TP HCM. Theo GS Trần Luân Kim, không nên xây mới rạp ở tất cả các tỉnh, mà nên tập trung ở các khu đông dân cư. Việc phân vùng các địa phương làm nhiệm vụ phát hành và cung cấp bối cảnh phim cũng không hợp lý, vì các nhà làm phim chọn bối cảnh tùy thuộc vào bộ phim. Bên cạnh đó, cần quy định rõ mỗi năm số người được đi đào tạo ở nước ngoài, cũng như minh bạch về kinh phí để quản lý chặt chẽ. Kinh nghiệm cử người đi đào tạo ở nước ngoài của điện ảnh Hàn Quốc đã tạo thay đổi cơ bản đội ngũ làm phim của họ mà chúng ta nên học tập.

Bà Phan Thị Bích Hà cho rằng, quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo ra lực lượng làm điện ảnh, vì hiện đang rất thiếu. Đài truyền hình Đà Nẵng còn xin người quay phim và đạo diễn ở Trường Sân khấu điện ảnh TP HCM, thì lấy đâu nhân lực vận hành trường quay? Do đó, cần ưu tiên trước hết là nhân lực, sau đó đầu tư, cải tạo rạp chiếu phim vừa hiệu quả vừa tiết kiệm”.

Các ý kiến này sẽ được Bộ VHTT&DL tập hợp  để bổ sung vào dự thảo Chiến lược để trình Chính phủ phê duyệt trong quý I-2014, làm  cơ sở cho điện ảnh Việt phát triển

Thái Hoàng
.
.
.