“Quỷ cái vận đồ Prada” - Brad Pitt và Jennifer Aniston thành nhân vật

Thứ Hai, 08/10/2007, 16:25
Cuốn sách “Quỷ cái vận đồ Prada” đến Việt Nam sau bộ phim cùng tên của Hollywood. Nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn không hề giảm sút bởi tính hài hước và những câu chuyện hậu trường của giới thời trang…
Cuốn sách này sẽ khiến bạn choáng váng khi những thương hiệu trong mơ Prada! Gucci! Armani! vang lên trong từng câu văn; khi những nhân vật nổi đình nổi đám thuộc giới showbiz như Brad Pitt, Jenifer Ariston (thời hai anh chị còn là chồng vợ) rón rén đến dự một buổi tiệc hoành tráng; khi những cô người mẫu gày nhẳng, nhưng đẹp mê hồn, vốn chỉ lượn lờ trên Chanel V nay xuất hiện sống động và nhan nhản, đó là Quỷ cái vận đồ Prada, hiện tượng xuất bản năm 2003, cuốn tiểu thuyết hài hước mang ít nhiều dấu ấn tự truyện của Lauren Weisberger, cựu trợ lý cho Tổng biên tập tờ Vogue huyền thoại, Anna Wintour.

Hàng triệu cô gái sẵn sàng xin chết để có được công việc này! Đó là câu cửa miệng mọi người dành cho Andrea Sachs khi biết chức danh Trợ lý Tổng biên tập tờ Runway của cô.

23 tuổi, chân ướt chân ráo rời trường đại học và vừa trở về Mỹ sau khi vác ba lô đi du lịch vòng quanh thế giới, Andrea xin làm Trợ lý Tổng biên tập tại Runway với hy vọng tên tuổi của tạp chí thời trang lừng danh này sẽ đưa mình đến gần hơn The Newyorker - tờ báo cô vẫn yêu thích và mơ mộng có một chân trong ban biên tập.

Cô bé nhà quê vốn chỉ quen với giày thể thao và quần jean xém ngất khi lạc vào một thế giới khác, xa hoa và phù phiếm, nơi người ta khoác trên mình những bộ cánh hàng chục ngàn “đô”, nơi một vết xước nhỏ cũng đủ đi đời đôi Manolo tuyệt hảo.

Trang phục à ? Hãy để những quý ông trong làng tạo mẫu như Oscar de la Renta tự tay chăm chút cho bạn và dành thời gian gặp gỡ Johny Deep tại buổi dạ tiệc. Dù bạn là trợ lý ăn mức lương thấp nhất, bạn vẫn có thợ trang điểm riêng và một tá tư vấn viên chuẩn bị áo quần. Thế nhưng, đằng sau vẻ lộng lẫy đến choáng ngợp ấy, Andrea cũng nhìn thấy vô số góc khuất trong tổ yến vàng Elias Clark, nơi nhan nhản đám đàn bà gầy nhẳng, kiêu kỳ, độc địa và trống rỗng, đám đàn ông đồng cô bóng cậu.

Và cả trăm con người èo uột, óng ả ấy run rẩy phục tùng quý bà cao nhất: Miranda Priestly, người thống trị cỗ máy Runway, bà chủ và cơn ác mộng của Adrea tội nghiệp. Giọng nói vô cảm và ánh mắt lạnh như thép ấy trở thành nỗi ám ảnh của Andrea trong suốt mười tháng ròng, bởi những đêm đột ngột bị dựng dậy vì hai cuốn Harry Potter chưa phát hành, những buổi sáng mùa đông toát mồ hôi khi cốc Sturbuck của sếp không còn bốc khói, những cuối tuần vỡ tan vì một mệnh lệnh ngó ngẩn như trên trời rơi xuống. Andrea đã phải đánh đổi tất cả - cuộc sống riêng tư, cô bạn gái nối khố, người bạn trai dịu dàng, thời gian dành cho cha mẹ và anh chị để làm vừa lòng bà sếp quái đản.

Nhẹ nhõm, vui tươi, hài hước, với giọng điệu châm biếm đáng kinh ngạc, Quỷ cái vận đồ Prada từng bước dẫn dắt độc giả bước vào chốn hậu trường lắm chuyện khóc cười của giới sành điệu, khám phá những bí mật không tưởng được giấu kín trong lớp lớp cao ốc kiêu kỳ của Manhattan tráng lệ.

Có lẽ, với Quỷ cái vận đồ Prada, lần đầu tiên lớp công chúng bình dân được đến gần hơn với cái nhìn đa diện chân thực hơn về thế giới của sắc đẹp và truyền thông. Đó có lẽ cũng là công thức hấp dẫn để giải trí cho hàng triệu thanh niên đô thị mà Lauren Weisberger đã tìm ra sau quãng thời gian làm việc cho Vogue Mỹ cùng quý bà Anna Wintour.

Câu chuyện, đồng thời cũng là một ngụ ngôn về tình yêu, tình bạn và những cám dỗ trong cuộc sống. Cô gái trẻ Andrea trong tác phẩm đôi lúc không nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều điều khi lao mình vào guồng máy Runway. Cô đã quên đi người bạn thân nhất, cô đã xao động trước một gã nhà văn đào hoa để cuối cùng không giữ được tình yêu dịu dàng của Alex. Quỷ cái vận đồ Prada, vì vậy, còn là câu chuyện về những trải nghiệm của tuổi trẻ để trả lời câu hỏi: Ta thực sự muốn gì?

Với Quỷ cái vận đồ Prada, độc giả Việt Nam một lần nữa được tái ngộ cùng một dịch giả thú vị, người từng nắm bắt và chuyển tải thành công giọng điệu xóc nẩy trong Tình ơi là Tình, hài hước và thông thái trong Đo thế giới và cực kỳ sành điệu trong bản dịch mới nhất này, đó là Lê Quang, một cái tên mới, nhưng không còn lạ với độc giả luôn tìm kiếm những bản dịch độc đáo.

Lauren Weisberger sinh ngày 28/3/1977, là nhà văn Mỹ gốc Do Thái. Mẹ là giáo viên, cha là chủ hiệu cầm đồ. Tuổi thơ của cô trôi qua ở thị trấn nhỏ Clarks Summit, Pennsylvania. Năm 11 tuổi, cha mẹ  ly dị, Lauren cùng em gái Dana theo mẹ tới Allentown. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lauren vào học khoa tiếng Anh tại Đại học Cornell, New York.

Năm 1999, ngay khi vừa rời giảng đường, cùng với chiếc ba lô sau lưng, mấy lọ chocolate Nutella và vài lon cocacola, Lauren đi du lịch vòng quanh thế giới. Sau chuyến đi dài lý thú, Lauren chuyển tới Manhattan và được tuyển làm Trợ lý cho Tổng biên tập Anna Wintour của tạp chí thời trang danh tiếng nhất thế giới: Vogue. Công việc giúp cô nhanh chóng quen thuộc với giầy cao gót, áo quần hàng hiệu và cà phê Starbucks. Nhưng chỉ mười tháng sau, Lauren quyết định từ bỏ công việc mà biết bao cô gái mơ ước.

Trong khi bản thân cô nói rằng mình không thể nào hòa nhập nổi và bị “đá” ra khỏi tòa soạn thì người điều hành biên tập của Vogue, Laurie Jones đã nhận xét: “Cô ấy thực sự là một phụ nữ đáng yêu và hạnh phúc trọn vẹn”.

Lauren chuyển tới tạp chí Departures, American Express, viết những bài điểm sách 100 chữ, thậm chí cả bài cho Play Boy trong khi tham gia một lớp học sáng tác buổi tối. Khi cô bày tỏ niềm say mê viết văn với Tổng biên tập tạp chí Departures, ông đã giới thiệu cô với Charles Salzberg - người khuyến khích Lauren viết về quãng thời gian làm việc tại Vogue. Tác phẩm được hoàn thành, cô chuyển bản thảo tới người đại diện của mình và chỉ sau hai tuần đã có nhà xuất bản nhận in cuốn sách. Và đó chính là Quỷ cái vận đồ Prada.

Mặc dù, trong tất cả những cuộc phỏng vấn, Lauren luôn khẳng định Anna Wintour không phải là nguyên mẫu của nhân vật Mirinda, nhưng hầu hết độc giả vẫn tin: nhân vật Tổng biên tập của Runway chính là hình ảnh của nữ Tổng biên tập tờ Vogue, bởi toàn bộ thế giới áo quần son phấn trong tác phẩm là sự phản ánh chân thực cuộc sống hào nhoáng của giới thời trang - thế giới mà không phải ai cũng có cơ hội tìm hiểu.

Quỷ cái vận đồ Prada đã đứng trong danh sách bán chạy nhất của New York Times suốt 6 tháng và bản quyền được bán cho 31 nước trên thế giới. Bộ phim dựa trên tác phẩm này, với nữ diễn viên gạo cội của Hollywood trong vai Mirinda Priestly và Anne Hathaway trong vai Andrea cũng tạo nên một cơn sốt trong làng giải trí

Như Vũ
.
.
.