Quốc phục cứ gì phải “khăn đóng áo dài"

Thứ Hai, 09/05/2011, 11:56
Không đồng ý với tiêu chí Quốc phục cứ phải “khăn đóng áo dài", họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo TW cho rằng, Quốc phục dành cho đàn ông phải hợp với mọi lứa tuổi, sang trọng và giản dị, mang đặc trưng rõ nét nhất cho mỹ cảm Việt.

Sau khi khởi động Đề án bầu chọn Quốc hoa, rồi trưng bày, lấy ý kiến nhân dân tại Hà Nội và Đà Nẵng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục có văn bản, chính thức giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm xây dựng, thực hiện Đề án mẫu Quốc phục Việt Nam. Ngay lúc mới rục rịch là ý tưởng, Quốc phục đã gần như nhận được sự đồng thuận của dư luận với tà áo dài cho phái nữ, nhưng lại vấp phải sự tranh cãi gay gắt khi chọn bộ quần áo làm đại diện cho cánh mày râu. Để thêm một tiếng nói tham góp cho Đề án mẫu Quốc phục, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Thưa ông, cuộc bầu chọn Quốc hoa còn chưa ngã ngũ, liệu có nên đặt ra vấn đề tìm và chọn Quốc phục Việt Nam vào đúng thời điểm này?

- Đang lúc dư luận băn khoăn lo chuyện Quốc hoa, đã vội đặt vấn đề bầu chọn Quốc phục rồi mới đây, trong triển lãm Hoa và đồ uống Xuân Tân Mão, lại đem ý tưởng về Quốc tửu ra bàn, theo tôi cũng nên dè dặt, thận trọng hơn. Chúng ta phải tạo những bước đi có cơ sở vững vàng, khi triển khai một công việc ở tầm Quốc gia, như vấn đề Quốc hoa, Quốc phục và có thể, còn là Quốc tửu, Quốc thơ hay gì gì nữa.

- Nhưng Bộ VH-TT&DL đã có văn bản chính thức giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm xây dựng, thực hiện Đề án Mẫu Quốc phục Việt Nam. Tà áo dài đương nhiên đã được coi như Quốc phục cho phụ nữ. Những tính toán chỉ còn là vấn đề, tìm ra mẫu Quốc phục cho đàn ông?

- Đã đành Quốc phục mới đang bàn, chưa được thông qua, nhưng những dịp như giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta vẫn có cái gọi là khăn xếp áo dài, hay áo the khăn đóng để các ông chủ lễ hay chủ tế mặc, điều hành. Tuy nhiên, theo tôi, trong các lễ hội truyền thống, đàn ông Việt có thể mặc trang phục như thế được. Còn Quốc phục lại là chuyện khác. Quốc phục của thời hiện đại không nên bị ám ảnh bởi những gì xưa cũ, không cần nhại truyền thống, bắt chước các cụ.

Áo dài có thể được chọn là Quốc phục của phụ nữ Việt Nam.

- Tức là ông không nghiêng về hướng "khăn xếp áo the", "áo dài khăn đóng" làm Quốc phục của đàn ông Việt Nam, như nhiều ý kiến?

- Sao ta không mạnh dạn bỏ khăn xếp áo the đi, để tìm cho ra vẻ đẹp của trang phục Việt hiện đại, hội tụ đủ nét đặc trưng của văn hóa Việt, mỹ cảm của người Việt hiện đại. Không ai bắt chúng ta cứ phải mãi giống các cụ, mà chưa chắc đã giống, đã hay bằng các cụ. Người đàn ông Việt Nam hiện đại không hiện diện trong hình ảnh "áo the khăn đóng" cũ xưa kia. Tìm ra Quốc phục, tức phải là bộ trang phục từ nguyên thủ đến tất cả người dân bình thường đều có thể sử dụng được và tự tin mặc nó vào người trong những ngày trang trọng nhất của đất nước, cũng như của cuộc đời mình, mà không ai phải ngượng nghịu với xung quanh, không thấy mình kỳ dị, lạc lõng.

- Nhưng căn cứ mà Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm đưa ra, để tìm mẫu Quốc phục cho nam giới, vẫn cứ dựa vào trang phục truyền thống kia, tức đề cao mô típ "áo dài khăn xếp"

- Phải dừng ngay căn cứ ấy. Đừng đặt "khăn đóng áo dài" làm tiêu chí. Chúng ta tìm "Quốc phục" cho người Việt hôm nay, người Việt trong thời đại Hồ Chí Minh, chứ không phải tìm lại bộ trang phục truyền thống. Vì thế, nó cần hợp thần thái người Việt trẻ trung hiện đại, đang hội nhập không ngừng cùng thế giới. Bộ trang phục ấy cũng hợp với mọi lứa tuổi, sang trọng và giản dị, mang đặc trưng rõ nét nhất cho mỹ cảm Việt. Còn nó như thế nào là việc của các nhà tạo mẫu. Mình bàn theo cảm nhận suy và nghĩ cá nhân. Nghiên cứu, trọng trách này nên dành cho các nhà tạo mẫu, để cho họ tự do sáng tạo. Và đừng để các nhà tạo mẫu bị ám bởi truyền thống, rồi cuối cùng, cách tân không xong, cũ xưa cũng không đúng.

- Vậy, trong hình dung của ông, mẫu Quốc phục của nam giới sẽ như thế nào?

- Có thể là bộ vest kiểu châu Âu được biến tấu cho hợp với văn hóa và mỹ cảm của người Việt Nam. Bộ vest đó được may bằng chất liệu thuần Việt, như lụa tơ tằm hay gấm, đũi, được thiết kế cái cổ áo, ve áo rất riêng, rất đặc trưng Việt Nam, thật nhã và sang. Tại nhiều nước châu Á, trong những Hội nghị thượng đỉnh mà họ đăng cai tổ chức, các nguyên thủ thường mặc những cái áo rất dễ chịu. Ví dụ áo cổ tròn đứng, có họa tiết chim cò hay hoa văn gì đó mang hồn cốt dân tộc họ nhưng nhìn vào rất dễ chịu, mà lại có tính biểu tượng cao.

- Sẽ là thế nào nếu chọn được Quốc phục, nhưng người dân lại không chấp nhận, không mặc nó trong những sự kiện quan trọng và cần thiết?

- Nếu có Quốc phục rồi mà người dân không thỏa mãn, đồng tình, có thể một thời gian sau lại phải thay đổi. Vì thế, ta không nên quá vội vàng. Tìm cho ra mẫu Quốc phục nhận được sự đồng tình cao nhất, cần khổ công chứ không thể dễ dàng đơn giản. Và dù có cách tân đến đâu, táo bạo thế nào, Quốc phục vẫn phải đúng tinh thần Việt Nam và mang được mỹ cảm của người Việt hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn Họa sỹ Lương Xuân Đoàn

PV (thực hiện)
.
.
.