Quanh việc thủ môn Dương Hồng Sơn bị "mất hộ chiếu": Lao động trên sân cỏ và trách nhiệm công dân

Thứ Sáu, 08/01/2010, 09:31
Việc thủ môn Dương Hồng Sơn của ĐTVN vì lý do "mất hộ chiếu" mà đã không thể cùng toàn đội sang Lebanon đá trận lượt về với chủ nhà Lebanon tại vòng loại Asian Cup 2011, cho tới lúc này, thực - hư về chuyện "mất hộ chiếu" của Hồng Sơn vẫn chưa được làm rõ, nhưng từ câu chuyện này người ta không thể không đề cập tới vấn đề "trách nhiệm công dân" đối với tất cả những ai đã và đang sống bằng thứ "lao động bóng tròn".

Dương Hồng Sơn - một cái tên đầy "tì vết"

Hôm qua, trả lời phỏng vấn một tờ báo, Dương Hồng Sơn cho biết đến thời điểm này mình vẫn chưa tìm được cuốn hộ chiếu đã bị mất. Nếu đúng là Sơn đã nói như vậy thì điều này mâu thuẫn trầm trọng với những phát biểu của ông Nguyễn Lân Trung - PCT Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Trước khi cùng ĐT lên đường đi Lebanon, ông Trung đã nói rất rõ với báo giới như sau: "Thoạt tiên Hồng Sơn đã báo cáo với tôi về việc mất hộ chiếu. Đứng trước khả năng Hồng Sơn vì mất hộ chiếu mà không thể tham gia ĐT, HLV Calisto đã lập tức gọi bổ sung thủ môn Bùi Quang Huy của Hải Phòng. Nhưng khi chúng tôi vừa gọi được thủ môn Bùi Quang Huy thì Sơn lại bảo đã tìm được hộ chiếu". Thật - hư của câu chuyện này sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, chủ nhân của câu chuyện "mất hộ chiếu" rất nực cười kia - thủ môn Dương Hồng Sơn vốn dĩ là một cái tên đầy "tì vết".

Năm 2004, trong trận bán kết Cúp QG giữa Sông Lam Nghệ An và Thể Công trên sân Vinh, trong một tình huống cản phá  không có gì nguy hiểm, Hồng Sơn đã lao ra đánh cùi chỏ vào cầu thủ Huỳnh Nhật Thanh, khiến đội nhà bị thổi phạt 11m, để rồi sau đó thất bại một cách bất ngờ. Người ta gọi cú đánh chỏ này là "cú đánh chỏ thế kỷ", vì nhiều nguồn tin lúc ấy cho hay, một số cầu thủ Sông Lam muốn đội nhà thua để "đá văng" cái ghế của HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh. Sau vụ này, Hồng Sơn bị CLB đuổi xuống tập cùng đội trẻ.

Năm 2005, trong trận Sông Lam Nghệ An - Đồng Tháp, Hồng Sơn thậm chí đã có một cú ném bóng vào thẳng chân tiền đạo đối phương, khiến Sông Lam thua bàn một cách hết sức bất thường. Thế nên sau đó Hồng Sơn dĩ nhiên không tránh khỏi việc phải đối diện với "búa rìu dư luận". Gần đây nhất, năm 2008, Hồng Sơn lại chợt "nổi tiếng" với scandal xúi giục cầu thủ Sỹ Mạnh của Ninh Bình đánh nhau với hai đồng đội của mình ở T&T Hà Nội là Hồng Minh và Minh Đức. Điều đáng nói là scandal này xảy ra ngay sau khi Hồng Sơn chỉ vừa mới đoạt danh hiệu Quả bóng vàng, và vẫn đang nhận được rất nhiều sự "tung hô" của dư luận.

Đến bây giờ - những ngày đầu  năm 2010, Hồng Sơn lại làm người ta phải xôn xao với chuyện "mất hộ chiếu". Thật ra khả năng mất hộ chiếu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng khi "chuyện mất hộ chiếu" lại "rơi" vào đúng một cầu thủ như Hồng Sơn - người luôn có lý do để vắng mặt ĐT trong những trận đấu không thật quan trọng, thì người ta không thể không nghi ngờ.

Trách nhiệm công dân

Cách đây 2 năm, bóng đá Việt Nam đã xôn xao với câu hỏi: Xét cho cùng, tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng của Sông Lam Nghệ An có đá ĐT hay không? Phải hỏi như thế là bởi, sau thất bại tại AFF Cup, Huy Hoàng đã tuyên bố giã từ ĐT, nhưng sau đó lại quay trở lại ĐT. Và sau đó thì Hoàng lại tuyên bố giã từ ĐT một lần nữa, để rồi lại "quay trở lại" một lần nữa. Sau khi được phân tích, Huy Hoàng đã "nghe ra".

Thế nhưng, sau Huy Hoàng thì chuyện tương tự, thậm chí có tính chất nặng hơn lại đã tiếp tục xảy ra.Đó là chuyện của thủ môn Nguyễn Thế Anh ở thời điểm cuối năm 2008 - thời điểm mà Thế Anh xin rời ĐT với lý do "con ốm" khiến HLV Calisto nổi trận lôi đình. Bởi lẽ, theo nhà cầm quân người Bồ thì "con ốm" chỉ là cái cớ, điều căn bản là Thế Anh không tận trung với màu cờ sắc áo QG. Hồi ấy HLV Calisto nói một câu bất hủ: "Nếu còn tôi ở ĐT thì sẽ không bao giờ còn Thế Anh".

Sau vụ này không lâu lại diễn ra vụ thủ môn nhập tịch Phan Văn Santos bỏ ĐT với lý do "vợ sắp sinh". Và thế là Calisto lần thứ hai tung ra "chỉ lệnh": "Tôi còn làm HLV trưởng ĐTVN thì Santos sẽ không bao giờ được vào ĐT". Trong cái cảnh bóng đá chuyên nghiệp tranh tối tranh sáng này, ai cũng hiểu một điều: các cầu thủ sống nhờ cái "Cần câu cơm" ở CLB.

Thế nên một khi họ lên ĐT và chẳng may chấn thương trong màu áo ĐT thì trở về CLB, chắc chắn họ sẽ bị bể "nồi cơm". Có lẽ vì thế mà nhiều người không thật sự tha thiết với ĐTQG. Thế nhưng đã đến lúc cần phải nhắc lại một điều rất cũ: Với ĐTQG thì chuyện tiền bạc chỉ là thứ yếu. Các tuyển thủ bằng mọi giá, phải nhận thức được rằng đá ở ĐTQG là một vinh dự đồng thời là một nghĩa vụ của mình. Với những người sống với nghề "lao động bóng tròn" thì ĐTQG chính là nơi để họ thể hiện tình yêu nước và sự tận trung với đất nước

Diệp Xưa
.
.
.