Quảng Trị: Nhiều di tích, danh thắng xuống cấp trầm trọng

Thứ Bảy, 30/10/2010, 15:05
"Di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị giàu có về tiềm năng, đa dạng về loại hình nhưng hiện tại đang đứng trước một thực trạng đáng buồn; một sự tàn phá ghê gớm từ nhiều hướng, nhiều chiều mà trong một tương lai gần, nếu chúng ta không biết trân trọng, giữ gìn và tôn tạo thì chắc chắn vốn di sản truyền thống này sẽ nhanh chóng bị mai một và quên lãng cùng thời gian".

Trong số gần 400 di tích trên địa bàn Quảng Trị có hơn 2/3 di tích thuộc loại di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, trong đó có 27 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 3 cụm di tích được liệt vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng.

Tiềm năng đó đã được "khoanh vùng" trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch trước mắt cũng như lâu dài của địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở đây dường như chưa bắt nhịp với mục đích đã được vạch sẵn.

Với khách tham quan du lịch, những tấm biển chỉ dẫn di tích có thể coi là người chỉ đường rõ ràng, chính xác nhất. Thế nhưng, ở Quảng Trị, du khách đã gặp không ít chuyện trái khoáy từ những tấm biển chỉ dẫn di tích. Tại ngã tư QL9 nối dài giao với đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Cam Lộ, ngành Giao thông đã dựng lên một tấm biển chỉ dẫn: "Nhà thờ Huyền Trân Công Chúa con vua Trần Nhân Tông tại xóm Chùa, thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ.

Năm 1306, công chúa lấy vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô-Lý". Thực tế, tấm biển chỉ dẫn chỉ đúng ở chi tiết mũi tên và con số 8km! Cách đó 8km quả thật có một di tích, nhưng không phải nhà thờ Huyền Trân Công Chúa mà là miếu Bà Chúa Ngọc. Chúa Ngọc là tên gọi theo tiếng Việt để tôn xưng một vị nữ thần người Chăm: thần Mẹ xứ sở-Mẫu đất-Po Yan Ynư Nagar.

Những làng, xã nông nghiệp ở miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng đa số đều có miếu thờ vị nữ thần này. Miếu Bà Chúa Ngọc ở thôn Kim Đâu (Cam Lộ) là một trong số những ngôi miếu đó. Tài liệu về di tích danh thắng Quảng Trị ghi rõ ràng như vậy nhưng biển chỉ dẫn di tích thì vẫn ghi theo cách riêng của... biển (!).

Vì sao người ta lại ghi như thế? Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị trả lời: "Thông thường, trước khi ngành Giao thông đặt biển chỉ dẫn di tích thì phải có sự phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Văn hóa và các nhà nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực này để có đủ thông tin và đảm bảo độ chính xác cho nội dung ghi trên biển chỉ dẫn. Chẳng hiểu vì lý do gì người ta không thực hiện nên mới ra nông nỗi".

Ông Lê Đức Thọ còn kể ra một loạt những tấm biển chỉ dẫn di tích "oái oăm" khác vẫn tồn tại tại các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Có quá nhiều sự nhầm lẫn và sai lệch trong hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn di tích mà theo ông nếu cứ theo đó thì đừng nói gì khách tham quan du lịch, ngay cả người trong tỉnh cũng chẳng biết đường nào mà lần! Tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca ngay đầu cầu bờ Bắc sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, vốn quá quen thuộc với người Quảng Trị, cũng như nhiều du khách thường ngược xuôi trên hành trình thiên lý Bắc - Nam.

Tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca.

Mọi thứ ở đây đang bị rơi vào quên lãng và có nguy cơ trở thành phế tích. Người ta đã bẻ gãy hầu như tất cả số vòi nước, ống nước của hệ thống tưới cây cảnh trong khuôn viên tượng đài. Thậm chí, trên nền tượng đài chính còn có những chiếc ly rượu lăn lóc...

Tượng đài Đại đội giữ chốt Long Hưng bên lề QL1A, phía Nam Thành cổ Quảng Trị đang xuống cấp nặng. Cùng với tình trạng này là rác, cỏ dại bao trùm khiến tượng đài như khép nép "thu mình" trước cảnh người ngược xuôi qua lại. Bao nhiêu du khách đã dừng chân trước tượng đài này, bao nhiêu cựu chiến binh và trong số họ, ai từng có mặt trong 81 ngày đêm Thành cổ đã đến đây hoặc về đây để đọc lại lời thề "Còn người còn trận địa" của Đại đội 5 Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 giữ chốt Long Hưng xưa?

Trên thực tế, những di tích lớn như địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, những nơi có Ban quản lý di tích hẳn hoi và có đội ngũ nhân viên phục vụ, nói cách khác, là những di tích có nguồn thu thì di tích luôn được quan tâm tôn tạo, nâng cấp thường xuyên. Còn đối với các di tích nhỏ, di tích mang tính "vệ tinh" như trên thì hầu hết đang nằm trong "hoàn cảnh chung" khó gỡ.

Chúng tôi xin trích mấy dòng đánh giá sơ bộ của ngành Văn hóa Quảng Trị: "Di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị giàu có về tiềm năng, đa dạng về loại hình nhưng hiện tại đang đứng trước một thực trạng đáng buồn; một sự tàn phá ghê gớm từ nhiều hướng, nhiều chiều mà trong một tương lai gần, nếu chúng ta không biết trân trọng, giữ gìn và tôn tạo thì chắc chắn vốn di sản truyền thống này sẽ nhanh chóng bị mai một và quên lãng cùng thời gian"

Th.Bình - T.Mao
.
.
.