Quảng Ngãi: Hé lộ những bí mật về làng Việt cổ

Thứ Tư, 02/08/2006, 08:59

Làng Việt cổ dưới chân núi Lứa, thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã được phát hiện cách đây khá lâu, nhưng tới bây giờ những bí mật của di chỉ này mới dần dần được hé lộ.

Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, cán bộ Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi khẳng định: Đây là một ngôi làng của người Việt có niên đại vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI và là làng Việt cổ duy nhất ở khu vực miền Trung Việt Nam còn khá nguyên vẹn về kiến trúc.

Ông cho biết thêm: Tìm được ngôi làng này là nhờ có một nhân chứng sống (ông Nguyễn Vĩ, năm nay 107 tuổi, đang sinh sống tại Nha Trang, Khánh Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Lê Khiết tại Quảng Ngãi). Có một lần ông viết thư báo cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi nói về ngôi làng cổ này. Sau đó, Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi đã phối hợp với Trường Viễn Đông Bát cổ (Pháp) tại Việt Nam nhiều lần khảo sát, đánh giá di tích này.

Theo những người dân cao tuổi đang sinh sống tại thôn Thiên Xuân ngày nay thì những người dân ở ngôi làng Việt cổ này được chuyển ra ở ven bờ sông Vệ sinh sống khoảng trước năm 1945, nhưng do gia tăng dân số, nguồn nước uống không đảm bảo, đặc biệt là dòng sông Vệ cổ đã đổi dòng nên dân làng chuyển xuống vùng thấp hơn để tiện cho sản xuất.

Làng cổ này có diện tích trên 10.000m2, được bao bọc bởi bờ thành đá có chiều cao từ 2,5m - 3m, bề rộng bờ thành từ chân đến đỉnh là 1,5 - 1m, khu cư trú bên trong thành được phân chia cho các hộ gia đình, các nhà được xây dựng san sát nhau khoảng 100 hộ.

Làng có cổng và một con đường chính đi lại, có một giếng nước và một hệ thống mương nước tự chảy từ suối cao trên núi chảy về dùng chung. Mặt chính của làng quay ra dòng sông Vệ nằm hướng Tây; phía Đông (sát bờ thành trên núi) có một đền thờ thần Bạch Hổ; trong làng có nhiều móng nền nhà cũ khá nguyên vẹn, cây ăn quả, đất đai sử dụng qua nhiều đời.

Qua nghiên cứu cho thấy: Ngôi làng này nằm ở thượng nguồn sông Vệ, phía dưới có bến thuyền giao lưu buôn bán các loại hàng hóa, nông lâm, thổ sản với vùng xuôi. Người dân làng Việt cổ này đã khai khẩn vùng đất ven sông Vệ, tạo ra ruộng vườn trù phú đến ngày nay. Việc xếp bờ thành đá cao rất công phu ở làng Việt cổ này là để phòng thủ và phòng chống thú dữ xâm nhập vào bên trong. Việc xếp đá này đã thấy ở Gio Linh (Quảng Trị), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Bên ngoài ngôi làng cổ này còn có cả một khu vực dành riêng để chăn nuôi gia súc khoảng từ 5.000 - 7.000m2, được bao bọc bằng bờ thành xếp đá có chiều cao trên 1m, bề rộng khoảng 1m; có hệ thống mương dẫn nước được xếp đá 2 bên tạo thành dòng chảy tự nhiên từ suối trên núi cao đưa về làng. Hệ thống nước này giống như hệ thống dẫn nước đối với người dân tộc thiểu số Hrê (Quảng Ngãi).

Qua khai quật bước đầu tại đền thờ thần Bạch Hổ, Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi đã thu lượm được nhiều hiện vật có giá trị, chủ yếu là bình vôi (ăn trầu), nhiều mảnh gốm vỡ. Trong nhiều bình vôi thu được, có 2 bình vôi và một số mảnh gốm của người Chăm, còn lại của người Việt.

Hiện nay, Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi đang phối hợp với chính quyền xã Hành Tín Đông tuyên truyền để người dân trong xã biết về di tích làng Việt cổ tại địa phương, trước mắt vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ di tích, đồng thời tiến hành làm các thủ tục pháp lý về đất đai để trình UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chủ quyền sở hữu cho Sở VH-TT Quảng Ngãi quản lý, phát huy khu di tích.

Bảo tàng tổng hợp tỉnh cũng đang làm các thủ tục theo quy định để trình các cấp công nhận làng Việt cổ thành di tích cấp tỉnh; trình Bộ VH-TT cấp bằng chứng nhận di tích quốc gia để có điều kiện tôn tạo, phát huy trong tương lai

Nguyễn Thị Y
.
.
.