Chiêm ngưỡng quần thể thông đỏ hàng nghìn năm tuổi hiếm có trên thế giới

Thứ Hai, 18/04/2016, 19:38
Quần thể thông đỏ cổ thụ tại khu vực núi Voi, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được nghi nhận đã lên tới hàng nghìn năm tuổi, thuộc dạng quần thể thông đỏ hiếm có trên thế giới.

Cách đây khoảng 15 năm về trước, quần thể thông đỏ này bị lâm tặc tàn phá nặng nề để lấy gỗ. Hàng chục cây thông đỏ cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, đường kính gốc lên tới 6-7 người ôm, cao hàng chục mét bị chặt không thương tiếc.
Hiện nay, quần thể thông đỏ này được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho các đơn vị chủ rừng quản lý, phục vụ du lịch sinh thái rừng. Tiểu khu 268, 277, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng được giao cho Doanh nghiệp tư nhân Trần Lê Gia Trang. Trước khi cơ thông bị lâm tặc chặt hạ, doanh nghiệp này đã thuê “người rừng” K’Ten trông giữ từ năm 2006 đến nay.
Hằng ngày từ sáng sớm, với chiếc xe gắn máy tồi tàn, K’Ten vượt núi lên độ cao từ 1.600m so với mặt nước biển trở lên để canh gác thông đỏ cổ thụ.

Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng, trên diện tích 32ha giao cho Doanh nghiệp tư nhân Trần Lê Gia Trang quản lý hiện 57 cây thông đỏ cùng rất nhiều cây thông con.

Theo kỹ sư sinh học Đoàn Nam Sinh, quần thể thông đỏ ở núi Voi có độ tuổi lên tới vài nghìn năm. Đây là loại cây phát triển rất chậm, trung bình 100 năm cây mới chỉ bằng bắp chân người lớn.
Quần thể thông đỏ toàn khu vực núi Voi hiện có khoảng 400 cây lớn có đường kính gốc từ 0,5m đến gần 3m, tọa lạc ở độ cao từ 1.600m đến gần 2.000m so với mặt nước biển.
Cây thông đỏ lớn nhất được ghi nhận khoảng 2.500 năm tuổi, đường kính gốc gần 3m, cao hơn 30m, rễ lan rộng, nổi cộm lên mặt đất trên diện tích khoảng 1.000m2.
Trước năm 2005, quần thể thông đỏ này bị lâm tặc tàn phá, cưa hạ để lấy gỗ, hàng chục cây thông đỏ cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, đường kính gốc lớn tới 5-6 người ôm, thân thẳng tắp phải ngã xuống. Hiện dấu tích của vụ tàn sát thông đỏ lớn nhất trong lịch sử vẫn còn.

K’Ten nói chỉ có những người “không sợ cái chết” như ông mới đủ can đảm để nhận trông coi quần thể thông đỏ này. Đã nhiều lần, ông và những người thân trong gia đình bị lâm tặc hành hung, đe dọa.. nhưng ông vẫn quyết tâm bảo vệ quần thể thông đỏ hiếm có trên thế giới này.

Năm 2009, Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp và đóng số vào những cây thông đỏ nhằm xiết chặt công tác quản lý, bảo vệ cho loài thông đỏ quý hiếm trên thế giới.
Theo tài liệu của Viện Sinh học Tây Nguyên, trong lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, đây là dược chất quí và hữu hiệu nhất cho đến hiện nay thế giới dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại ung thư. 

Để bảo vệ bình yêu cho quần thể thông đỏ cổ thụ hàng nhìn năm tuổi, thuộc dạng hiếm có trên thế giới, hàng ngày K'Ten phải ăn ở với núi rừng, bất kể lễ, tết.

Kim Ngân
.
.
.