Quản lý quyền sao chép tác phẩm: Chủ sở hữu vẫn thờ ơ?!

Thứ Năm, 18/12/2014, 09:49
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã bước đầu hoàn thiện. Mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan cao nhất lên đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quyền sao chép tác phẩm lại chưa được các chủ sở hữu quan tâm đúng mức. Rất nhiều người đang vô tư... vi phạm, kể cả chủ sở hữu lẫn người sử dụng.

Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết đã phát hiện trên 20 triệu người thường xuyên sao chụp các tác phẩm đã công bố, phổ biến dưới dạng xuất bản phẩm mà không xin phép và không trả tiền thù lao cho người nắm giữ quyền. Có trên 100 website khai thác sử dụng trái phép nội dung dưới dạng số hóa. Đây là kết quả quá trình thu thập thông tin sử dụng tác phẩm đã công bố của 3.750 hội viên cá nhân và 202 tổ chức gia nhập thành viên hoặc ủy thác quyền cho Hiệp hội. Điều đáng nói là bên cạnh những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, rất nhiều trường hợp đang có các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong sao chép tác phẩm mà không nghĩ bản thân mình vi phạm.

Luật sư Phương Hảo chia sẻ rằng, lâu nay, với các ấn bản phẩm, mọi người chỉ quan tâm và lên án sách lậu, nhưng thực tế, việc vi phạm quyền sao chép tác phẩm đang tràn lan dưới nhiều hình thức. Quy định pháp luật cho phép người tham gia giảng dạy, nghiên cứu được quyền tự sao chép 1 bản để phục vụ công tác nhưng nếu cuốn sách, bộ giáo trình nào đó được giảng viên, giáo viên cho sao chép hàng loạt và phát cho học sinh, sinh viên cũng là hành vi vi phạm. Mặc dù có thể đây là hành động mang tính phi thương mại. Nếu học sinh, sinh viên đem cuốn sách ra tiệm photocopy sao chép lại để phục vụ việc học tập cũng là vi phạm vì hiện nay, theo quy định của pháp luật, học sinh, sinh viên không thuộc đối tượng được quyền sao chép như người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học...

Sự phổ biến của những chiếc máy photocopy đang góp phần gây khó cho việc quản lý quyền sao chép tác phẩm.

Không chỉ có người sử dụng tác phẩm mới vô tư... vi phạm quyền sao chép tác phẩm, ngay một số chủ sở hữu tác phẩm cũng có khi vô tình hoặc cố ý vi phạm quyền sao chép. Một trong số các trường hợp vi phạm này là việc một nhà văn - tác giả cuốn sách có hợp đồng xuất bản với một nhà xuất bản. Sách "ra lò", bán chạy. Nhà văn - tác giả cũng hết sách tặng bạn bè nên đi sao chép thêm vài chục bản để dành tặng khi cần thiết. Ngược lại, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, chủ sở hữu tác phẩm rất khó để quản lý quyền sao chép tác phẩm của chính họ. Hoặc các chủ sở hữu không biết việc tác phẩm của mình bị sao chép trái phép, hoặc họ biết nhưng im lặng vì ngại "được vạ má sưng". Giải pháp khả thi nhất và đang được phổ biến trên hầu hết các quốc gia là các chủ sở hữu ủy quyền cho tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, Việt Nam có 4 tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam. Thông qua các tổ chức này, trong thời gian qua, các chủ sở hữu đã thu được đáng kể phí sử dụng tác phẩm của họ từ các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, việc thu phí sử dụng hiện nay vẫn gặp khó khăn vì sự thiếu ý thức tự giác của tổ chức, cá nhân sử dụng hoặc bản thân chủ sở hữu, vì lý do này hay lý do khác đã ủy quyền cho tổ chức đại diện quản lý tập thể nhưng vẫn tự ý ký hợp đồng cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm của họ.

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tiết lộ rằng, trong 2.750 hội viên cá nhân của Hiệp hội hiện nay chỉ có khoảng 100 người tự đến ủy quyền cho Hiệp hội. Toàn bộ số còn lại đều phải do Hiệp hội đi vận động, thuyết phục ủy quyền. Trong quá trình tiếp cận các chủ sở hữu, Hiệp hội nhận thấy, phần lớn chủ sở hữu tác phẩm không quan tâm, ít hiểu đến nơi đến chốn về quản lý quyền sao chép tác phẩm và bảo vệ đến cùng quyền lợi của chính họ. Dễ nhận thấy nhất là rất nhiều nhà xuất bản, website đang số hóa các ấn bản phẩm phục vụ bạn đọc, nhưng kết quả theo dõi của Hiệp hội cho thấy, có đến trên 90% các nhà xuất bản đang không thực hiện chi trả nhuận bút cho tác giả có tác phẩm được nhà xuất bản số hóa.

Cũng theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, trong xuất bản, việc quản lý hiệu quả thị trường xuất bản thứ cấp (sao chép - PV) góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động và thị trường xuất bản. Quản lý tốt thị trường xuất bản thứ cấp sẽ tăng 30% doanh thu đối với nhà xuất bản, tăng 60% thu nhập của ít nhất 1/4 đến 1/3 tác giả. Nếu làm tốt, đây sẽ là một nguồn thu rất lớn, góp phần tạo động lực cho người sáng tạo. Tất nhiên, để quản lý tốt quyền sao chép tác phẩm thì bên cạnh quyết tâm cao của tác giả và người nắm giữ quyền tác giả, hành động tích cực của cơ quan nhà nước, còn rất cần ý thức nghiêm túc của người sử dụng và nhận thức đúng đắn của công chúng.

Ngọc Nguyễn
.
.
.