Phong tặng danh hiệu cần linh hoạt và nhân văn

Thứ Tư, 15/07/2015, 06:42
Câu chuyện phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân một lần nữa lại “nóng” lên, bởi sẽ không có việc truy tặng, đặc cách danh hiệu cho nghệ nhân theo quy định mới lần đầu tiên được áp dụng.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang công bố lấy ý kiến toàn bộ hồ sơ xin phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp bộ hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Câu chuyện phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân một lần nữa lại “nóng” lên, bởi sẽ không có việc truy tặng, đặc cách danh hiệu cho nghệ nhân theo quy định mới lần đầu tiên được áp dụng.

Quy định mới vẫn nhiều băn khoăn

Theo kết quả xét tặng danh hiệu NNƯT với các nghệ nhân dân gian - những người đang nắm giữ các tri thức, kỹ năng di sản phi vật thể, chỉ 618/737 hồ sơ đủ điều kiện để lấy ý kiến của nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Việc xét tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 1, năm 2015 nhằm lựa chọn, tôn vinh những cá nhân có phẩm chất đạo đức, tài năng nghề nghiệp xuất sắc. Đặc biệt, các nghệ nhân này phải đang nắm giữ, truyền dạy, cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước ở các lĩnh vực: tiếng nói, chữ viết…

Sau nhiều năm loay hoay thống nhất tiêu chí xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã ra đời và chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2014. Đây là lần đầu tiên, việc phong tặng danh hiệu NNƯT do Nhà nước thực hiện và được áp dụng theo Luật Thi đua, Khen thưởng. Ngoài việc nhận bằng NNƯT do Chủ tịch nước ký tặng, mỗi nghệ nhân sẽ có một khoản tiền thưởng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân dân gian cũng được hỗ trợ một số chính sách, cụ thể như trợ cấp cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn từ 100.000 - 200.000 đồng/người/tháng; bảo hiểm y tế; trợ cấp mai táng phí khi mất…

Nghị định cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được những vướng mắc bấy lâu trong việc phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân dân gian. Thế nhưng, quy định mới vẫn không thể đưa ra những giải pháp có tính đột phá nhằm tháo gỡ thực tế hiện nay. Đó là quy định nghệ nhân phải có giải thưởng, thành tích, trong khi thực tế, các nghệ nhân dân gian thường không có nhiều cơ hội tham gia biểu diễn trên sân khấu nên không có nhiều giải thưởng, huy chương để kê khai trong hồ sơ xét tặng. “Ca trù, hát văn diễn xướng chủ yếu trong không gian văn hóa cộng đồng, không phải trên sân khấu thì lấy đâu ra huy chương” - GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết.

Cũng theo GS Tô Ngọc Thanh, hiện các nghệ nhân đều đã cao tuổi, thậm chí nhiều người đã qua đời. Do đó, “cần phải có sự linh hoạt trong việc xét tặng danh hiệu cho họ, đặc biệt là với nghệ nhân tuổi đã cao” - GS Thanh đề xuất.

Những quy định mới vẫn chưa thể tháo gỡ khó khăn trong việc xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân. Ảnh: Thanh Phong.

Bảo tồn di sản, “quên” vai trò của người giữ gìn di sản

Trong khi các địa phương dành hàng tỷ đồng mỗi năm cho các dự án bảo tồn văn hóa cổ truyền nhằm được UNESCO công nhận thì đáng buồn, những nghệ nhân - chủ nhân đích thực của các di sản quý giá ấy lại bị thờ ơ. Thậm chí, có nghệ nhân cống hiến đến cuối đời nhưng vẫn chưa được xét tặng danh hiệu xứng đáng…

Trong khi cả xã hội mong chờ việc truy tặng, đặc cách xét danh hiệu cho nghệ nhân, nhưng Nghị định số 62/2014/NĐ-CP vẫn không thể hiện được mong mỏi của đông đảo nhân dân.

Sau sự ra đi của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu vừa qua, GS Tô Ngọc Thanh đặt câu hỏi: Không biết việc ban hành một chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian thì khó ở chỗ nào, vướng ở đâu mà khó khăn đến thế? Hiện nay, có nhiều nghệ nhân dân gian tuổi “gần đất xa trời”, nếu không được quan tâm xứng đáng, họ sẽ ra đi mà chưa một lần được biết đến sự đãi ngộ của Nhà nước. Thực tế, trong đợt lập hồ sơ xét tặng lần này, trường hợp một nghệ nhân dân tộc Thái (sinh năm 1933, ở Lai Châu) cũng mất trước khi hoàn thiện hồ sơ ở cấp cơ sở. Theo quy định hiện hành, nghệ nhân này cũng không được truy tặng danh hiệu NNƯT.

Theo GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, không phải lúc này, mà đã từ lâu, xung quanh việc phong tặng danh hiệu đã có quá nhiều câu hỏi khác mà sắp tới, nếu không có được hướng giải quyết khả quan, thì việc phong tặng có thể sẽ nặng về hình thức mà không đi vào thực chất.

Một yếu tố quan trọng không kém, theo GS Thịnh, đó là vấn đề tạo dựng không gian để nghệ nhân có thể tham gia sinh hoạt, trình diễn nghệ thuật, qua đó giúp bảo tồn nghệ thuật truyền thống. “Đáng tiếc, vấn đề này còn thể hiện mờ nhạt trong nghị định” - ông Thịnh cho biết.

Thực tế thời gian qua, nhiều nghệ nhân có tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống đã tự bỏ tiền ra để duy trì hoạt động biểu diễn, truyền dạy nghệ thuật. Bản thân họ cũng không đòi hỏi yêu cầu về chế độ thù lao, bồi dưỡng.

Nghệ sĩ Lê Thị Bạch Vân - Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội cũng chính là người đã tự đóng góp kinh phí để sáng lập và duy trì hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù ở Hà Nội. Bản thân chị cùng nhiều nghệ nhân khác làm việc xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau. Câu lạc bộ vẫn thường xuyên tự tổ chức các buổi biểu diễn, truyền dạy ca trù cho giới trẻ miễn phí. “Chúng tôi cần nhiều hơn sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc bố trí không gian để có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ” - nghệ sĩ Bạch Vân cho biết.

Nguyễn Lộc
.
.
.