Phong phú sản phẩm du lịch: Cầu nối để phát triển và hội nhập

Thứ Ba, 02/04/2013, 14:15
Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới tiếp tục bị chao đảo bởi các cuộc khủng hoảng, nhưng du lịch vẫn là ngành kinh tế giữ được mức tăng trưởng ổn định. Rõ ràng du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Kết thúc năm 2012, Du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ 6,847 triệu lượt khách quốc tế; 32,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt tới 160 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng so với năm 2011 với tỷ lệ tương ứng là 9,5%, 8% và 23%. Theo kết quả thống kê mới nhất của Sở VH,TT&DL Hà Nội thực hiện với 1.400 khách quốc tế đến Hà Nội cho thấy 81,32% khách trả lời: muốn quay lại Hà Nội, 93,64% khách trả lời: Hà Nội là điểm đáng để đến tham quan du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế xuất khẩu tại chỗ có giá trị gia tăng cao với việc khai thác các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa - lịch sử và tiêu thụ hàng hóa nội địa của địa phương nơi diễn ra hoạt động du lịch.

Ngành Du lịch tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cụ thể, việc vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, chính thức trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới mới là cơ hội tốt để xây dựng hình ảnh, quảng bá du lịch Việt Nam.

Việc chính thức đưa vào sử dụng logo và slogan mới của Du lịch Việt Nam cùng với các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đạt được tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế trên 10%.

Sản phẩm du lịch Việt Nam được đầu tư đa dạng, đã xuất hiện những trung tâm du lịch lớn trong cả nước, như Hà Nội – Quảng Ninh, Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, Khánh Hòa – Bình Thuận, TP HCM – Vũng Tàu,... từng bước tạo thành thị trường du lịch và tạo động lực cho phát triển du lịch cả nước. Thương hiệu, điểm đến, sản phẩm và những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam đã, đang tạo tính cạnh tranh trên thị trường.

Khám phá Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Văn Khương.

Những sự kiện lớn của ngành Du lịch, như Năm Du lịch quốc gia, các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế... đã góp phần quảng bá du lịch trong nước, khu vực và thế giới. Tại hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin, ông Nobert Pfferlein, Chủ tịch Hiệp hội Go Asia đã trao cho đại diện Việt Nam giải Nhì – giải thưởng Go Asia Award “Điểm đến phổ biến nhất”.

Mới đây, tại hội chợ quốc tế MITT 2013 diễn ra tại Matxcơva, Ban tổ chức Hội chợ đã trao cho Tổng cục Du lịch Việt Nam giấy chứng nhận về sự chuyên nghiệp và các hoạt động xúc tiến du lịch tại Cộng hòa liên bang Nga.

Ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng rất cao, du lịch không phát triển được nếu những yếu tố về giao thông, môi trường an ninh... không được đảm bảo, do vậy muốn phát triển du lịch rất cần có sự chung tay của toàn xã hội. Cho đến nay, ngành vẫn chăm lo việc nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân, nói đến du lịch là mọi người dân đều biết. Trong nỗ lực đó, cần kể đến những đóng góp quan trọng của các cơ quan truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng.

Để phát triển ngành, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Từ chỗ chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, đến nay đội ngũ nhân lực trong ngành đã hình thành rõ rệt. Ngành đã chú trọng việc tận dụng các nguồn hỗ trợ quốc tế, hỗ trợ từ Chính phủ để tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực.

Được sự hỗ trợ của quốc tế thông qua các Dự án EU, Dự án Luxembourg,... nhiều dự án đào tạo nguồn nhân lực du lịch được triển khai ở các địa phương, tạo điều kiện để du lịch phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều cơ sở đào tạo về du lịch như Hà Nội, Huế, TP HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang và Đà Nẵng,...

Bên cạnh sự tự thân rất lớn của một ngành kinh tế, ngành Du lịch đã nỗ lực kêu gọi đầu tư nước ngoài và là ngành có sức hấp dẫn, đã đóng góp vào thành quả chung 221 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 25 năm vừa qua; nếu thiếu những thông tin quảng bá và hệ thống quy hoạch thì không có kết quả này.

Từ những hiệu quả hoạt động của ngành Du lịch, Chính phủ đã hiểu, quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách tại các điểm du lịch.

Du lịch đã thực sự trở thành cầu nối giữa các quốc gia, dân tộc, mở rộng sự giao lưu văn hóa; thực sự là một thế mạnh, có khả năng tạo ra hiệu ứng lớn trong hội nhập quốc tế và góp phần tích cực nâng cao hình ảnh Việt Nam trong con mắt bè bạn quốc tế. Ngành Du lịch đã khai thác tài nguyên gắn với việc phát triển cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn như vùng núi cao phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long…

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, do nhiều nguyên nhân, ngành Du lịch không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Mặc dù rất nỗ lực nhưng việc quảng bá, xúc tiến còn chưa chuyên nghiệp, tính cạnh tranh chưa cao… điều này đòi hỏi những người làm du lịch cần có tư duy mới trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, bên cạnh chiến lược phát triển chung, cần có chiến lược maketing, chiến lược về đào tạo, thu hút đầu tư…

PGS.TS. Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: “Trước những năm 1990, Du lịch Việt Nam từ chỗ hình ảnh còn mờ nhạt, cho đến nay đã hiển hiện một cách rõ nét trong đời sống của mỗi người dân Việt Nam và mỗi người khách quốc tế khi có dự định đến khu vực đã chọn Việt Nam là điểm đến với những sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cùng sự đa dạng trong vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên trên đất nước hình chữ S.

Ngành Du lịch đã và đang có những đóng góp ngày một tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có tiềm năng du lịch song cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn”

Tuệ An
.
.
.