Phong Điệp viết như "cái án trời đày"

Chủ Nhật, 20/07/2008, 19:35
Phong Điệp - người được biết tiếng ngay từ những truyện ngắn đầu tiên trên Báo Hoa học trò cách nay 12 năm, vừa phát hành tập sách thứ 10 mang tên "Kẻ dự phần". Sinh năm 1976, Phong Điệp được coi là "của hiếm" trong làng văn khi tác phẩm vẫn in đều, vẫn đủ sự đảm đang để chăm sóc chồng và hai cô con gái nhỏ, đồng thời vẫn hoàn thành công việc thư ký tòa soạn của Báo Văn nghệ trẻ. Phong Điệp nói, chị viết như trời đày và sống như một "super wife".

Hình như, với "Kẻ dự phần" chị nhọc nhằn hơn khi viết so với những tập truyện ngắn trước?

Đúng, càng viết càng thấy nhọc nhằn, có thể gọi là "nỗi sợ chữ nghĩa" hay một cái gì đó tương tự, tôi cũng không biết nữa. Nếu trước kia tôi viết một truyện ngắn rất nhanh, chừng hai giờ đồng hồ thì giờ tôi mất cả tuần, thậm chí cả tháng. Những ý tưởng, câu chữ luôn khiến tôi mệt mỏi mà lại không thể đoạn tuyệt.

Hãy làm một so sánh, Phong Điệp của "Ma mèo" khác gì Phong Điệp của "Kẻ dự phần"?

Tôi nghĩ là mình đã thay đổi rất nhiều. Đã 12 năm trôi qua rồi. Phong Điệp thời "Ma mèo" lạnh lùng và tốc độ. Nghĩ nhanh, viết nhanh. Phong Điệp của "Kẻ dự phần" dường như nhập thế hơn, suy tư hơn và cũng đàn bà hơn. "Kẻ dự phần" là truyện tôi thích nhất trong tập sách. Một truyện ngắn mà tôi vật vã cả tháng trời. Bố cục ban đầu của truyện có thể triển khai được thành một truyện dài. Tuy nhiên vì thấy nếu viết truyện dài thì sẽ ngốn thời gian kinh khủng, nên đành tạm chấp nhận phương án ngắt từng phần để triển khai thành truyện ngắn (cười).

"Kẻ dự phần" là điển hình cho phong cách văn chương của tôi. "Kẻ dự phần" bắt đầu từ nỗi ám ảnh từ tiếng lợn gào thét văng vẳng vào mỗi buổi sáng. Một bạn đọc viết thư cho tôi hỏi: Thế nhà chị ở cạnh lò mổ lợn à? May quá, nhà tôi trên tầng 7 của một khu chung cư yên tĩnh. Nhưng điều ấy không có nghĩa là tôi có thể vô tư ngủ khi vào mỗi buổi sáng, sau khi bất chợt nghe tiếng lợn thét lên từ đâu đó như khẩn cầu, như kêu cứu. Những nỗi ám ảnh luôn giục tôi ngồi vào bàn và viết.

Đâu là một câu chuyện có thật xuất hiện thành một cái tứ trong một truyện ngắn của chị? Chị có thể kể được không?

Đó là truyện "Tiếng ru". Chuyện có thật đấy. Tuy nhiên, cái kết thì tôi hư cấu. Một đứa trẻ dở người, tôi đã từng chơi với cô bé ấy suốt những năm học THCS, THPT. Chúng tôi ở gần nhà nhau. Cô bé dở người, luôn bị người khác né tranh bởi mùi tanh tanh thường trực trên cơ thể. Nhưng cô rất thích đọc sách. Chúng tôi chia sẻ những cuốn sách, và cùng trò chuyện về những nhân vật trong đó.

Năm học lớp 12, nhà tôi chuyển ra phố. Việc học hành bận rộn khiến tôi không còn nhớ đến cô. Bẵng đi một thời gian, có người hàng xóm cũ ra chơi, trong những câu chuyện hàn huyên cô buột miệng kể chuyện một thằng cha đã lợi dụng con bé dở người để làm chuyện vô nhân tính. Một cái thai ngoài ý muốn. Sau đó thì hình như cái thai bị chết lưu. Cô bé tiếp tục cuộc đời dở người dở ngợm. Kẻ ác nhân kia thì chuyển đi nơi khác, và chẳng bị làm sao cả!

Câu chuyện ấy khiến tôi gần như ở trạng thái bị kích động. Cả tuổi thơ tôi sống trong bình yên và sự yêu thương bao bọc của cha mẹ. Tôi chưa gặp chuyện gì kinh khủng đến thế. Và sau đó tôi đã quyết định chọn học ngành Luật. Để làm gì thì bạn có thể lý giải được. Và câu chuyện về cô bé ấy ám ảnh tôi ròng rã chừng ấy năm.

Sau này theo nghề báo, đến nhiều vùng đất, tôi còn gặp biết bao những câu chuyện, những số phận bất hạnh khác. Và tôi luôn có cảm giác mắc nợ nếu không viết về những thân phận ấy, nếu không làm được những việc có ý nghĩa bằng chính ngòi bút của mình.

Thân phận người phụ nữ vẫn là nỗi ám ảnh lớn của chị? Ngoài sự đồng cảm, có điều gì đặc biệt nhất từ đề tài này khiến chị lưu tâm?

Tôi cũng không hiểu sao mình luôn bị ám ảnh bởi thân phận của những người phụ nữ. Có thể bởi chính mình là phụ nữ nên dễ đồng cảm, dễ chia sẻ? Thâm tâm tôi luôn nghĩ thế này: Người phụ nữ vốn dĩ mong manh, yếu đuối, cần được yêu thương, cần được che chở, nhưng trong cuộc sống khó nhọc này, họ luôn phải gồng mình lên, chống chọi với mọi khó nhọc. Trong sự im lặng của họ là một ý chí, một nghị lực phi thường. Chính điều ấy kích thích tôi khám phá, và viết về họ.

Ví dụ câu chuyện cảm động mới đây về người phụ nữ và đứa trẻ được tìm thấy sau trận động đất kinh hoàng ở Trung Quốc mà bạn cũng như nhiều người khác chắc có nghe kể:  Khi người phụ nữ được những người cứu hộ tìm thấy dưới đống đổ nát của một ngôi nhà, cô ta đã chết. Nhưng dưới thân cô là một đứa trẻ 3 đến 4 tháng tuổi. Người mẹ đã uốn cong cả hai đầu gối, chống tay trên sàn để tạo ra một khoảng không gian an toàn cho đứa con bé bỏng của mình.

Khi đứa trẻ được kéo lên thì người ta tìm thấy một cái điện thoại trong quần áo bé. Một tin nhắn trên màn hình hiện lên: "Con yêu dấu của mẹ, nếu con còn sống, hãy nhớ rằng mẹ yêu con rất nhiều!". Những câu chuyện cảm động như thế - nếu không được kể lại, không được viết lại - thì liệu sau này ai còn biết, còn nhớ? Tôi luôn tâm niệm đó là một trong những trách nhiệm của người cầm bút.

Vì sao lại là "kẻ dự phần"?  Chị muốn tải điều gì khác ngoài thông điệp mà đọc truyện ai cũng có thể thấy?

Trong cuộc sống này, chúng ta - bằng cách này hay cách khác - đều có phần can dự vào. Bởi vậy cuộc sống tốt lên hay bị tha hoá đi - cũng có nghĩa chính chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm. Đây cũng có thể coi là một thông điệp tâm huyết mà tôi muốn gửi gắm.

Hãy chia sẻ một chút về cuốn tiểu thuyết mới của chị đi. Viết tiểu thuyết có làm chị mệt?

Tôi đã "đóng gói" được những trang viết cuối cùng để gửi đến nhà xuất bản sau hai năm đeo đuổi mệt mỏi. Đây là cuốn dài hơi thứ hai của tôi. Tôi luôn tự nhủ là mình sẽ không viết tiểu thuyết nữa. Truyện ngắn đã đủ khiến tôi tơi tả rồi. Nhưng rồi vẫn cứ viết như cái án trời đày.

Cuốn sách này tôi tiếp tục viết về giới trẻ ở thành thị - ở một góc đặc biệt, tôi chưa tiết lộ được, nhưng không kém phần "kịch tính" so với... thuốc lắc hay đồng tính. Nhân vật chính là những cô gái…

Làm báo luôn khiến nhà văn nhìn mọi sự tỉnh táo hơn. Có phải vì thế mà văn của Phong Điệp luôn là những lát cắt rất đậm, rất rõ của hiện thực?

Văn chương là "tạng" riêng của mỗi người. Tạng của tôi là phát hiện những lát cắt "bất thường" của đời sống mà  nhiều lúc chúng ta những tưởng đã quen thuộc tới mức nhàm chán.

Có bài báo nào xúc động khiến chị nghĩ, chị sẽ viết một truyện ngắn rồi thất bại với điều đó?

Năm 2000, ở quê tôi, Giao Thuỷ, Nam Định, có một trận lốc xoáy khủng khiếp. Nhà cửa bị vò nát như cách người ta vo một tờ giấy loại. Cả một cánh đồng lúa mênh mông chuẩn bị chờ thu hoạch bị lốc đánh bạt. Cây đa cổ thụ của làng gãy gục bên bờ sông. Có gia đình, mẹ và em bị vùi chết, chỉ còn hai bố con căng bạt bên rệ ao. Bữa cơm nấu vội bằng nồi niêu méo xẹo, bố con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng.

Tôi phi xe máy từ Hà Nội về, đứng giữa ngổn ngang những đống đổ nát, những nấm mồ lấp vội, mà ngực đau thắt. Một bài báo cho kịp giờ lên khuôn - khi đó - không thể khiến tôi ngủ yên. Tôi muốn viết về họ nhiều hơn nữa, muốn đặt họ ở vị trí xứng đáng hơn nữa - đó là trong một tác phẩm văn học. Nhưng đến giờ tôi vẫn chưa viết được về ngôi làng ấy, về những người nông dân ấy.

Chị làm mẹ tốt chứ? Và làm vợ thì sao?

Ông xã thường gọi tôi là "super wife". Nhiều lúc tôi, thậm chí còn ngạc nhiên với chính mình. Trước khi có gia đình, tôi đã từng âu lo về chuyện buổi sáng phải thức dậy vào lúc 6 giờ, buổi chiều phải hộc tốc chạy về nhà cơm cơm nước nước mà thấy ớn. Khi có gia đình, thậm chí những việc tôi thấy ớn còn nhiều lên gấp trăm ngàn lần, nhưng có vẻ như khả năng thích nghi của tôi khá tốt.

Không những thế, cuộc sống gia đình còn khiến tôi thích thú. Tôi không nghĩ cuộc sống gia đình là một sự thách đố. Vì nhà văn cũng là một người bình thường và cũng cần một mái ấm

Dương Bình Nguyên (thực hiện)
.
.
.