“Phố ông đồ”…ngày xuân

Thứ Hai, 01/02/2010, 16:30
Treo một bức tranh thư pháp trong ngày Tết hiện đang là xu hướng của nhiều người dân TP HCM. Đáp ứng nhu cầu này, hàng năm khoảng từ 20 tháng chạp đến 30 Tết, trên một số đường phố Sài Gòn, đã xuất hiện nhiều "ông đồ", mặc áo dài, khăn đóng, trải chiếu hoa, bày mực bút để viết tranh thư pháp phục vụ khách du xuân...

Đó là "phố ông đồ" thuộc Câu lạc bộ (CLB) thư pháp Nét Việt - Nhà Văn hoá Thanh Niên (quận 1). Khởi xướng từ năm 2007 và đã được UBND quận 1 chấp thuận các "ông đồ" sử dụng vỉa hè phía trước Nhà văn hoá Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch) để hành nghề.

Khi những chiếu hoa của các "ông đồ" được trải ra cũng là lúc du khách đến tấp nập, các "ông đồ" phải làm việc hết công suất từ 8h sáng đến 22h đêm mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách.

Anh Lưu Thanh Hải, lúc đó là Phó Chủ nhiệm CLB Nét Việt (hiện là chủ Công ty văn hóa Nét Việt cung cung cấp sản phẩm thư pháp) và là một trong những người đầu tiên đề xuất thành lập "phố ông đồ" cho biết: Từ khi "phố ông đồ khởi động" cho đến nay, các "ông đồ" tham gia xuống phố mỗi năm một đông hơn.

Nếu như năm 2007, năm đầu tiên "phố ông đồ" đi vào hoạt động thì chỉ có hơn 10 chiếu thì năm 2008 có hơn 20 chiếu và năm 2009 hơn 30 chiếu…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phong trào thư pháp rộ lên tại TP HCM vào khoảng thời điểm năm 2000. Lúc đó, những người yêu thích thư pháp có khoảng hơn 100 người, tụ tập sinh hoạt tại CLB yêu thích thư pháp tại Trung tâm văn hoá quận 1, nhưng hoạt động này cũng chỉ mang tính tự phát.

Sau đó, một số CLB khác cũng đi vào hoạt động như: CLB thư họa báo Giác Ngộ (vẽ chữ thành tranh -PV) , CLB mỹ thuật (có nhóm thư pháp và thư họa). Trung tâm văn hoá quận Bình Thạnh, quận 3, Cung văn hoá Lao động…

Năm 2001-2006 tại Nhà văn hoá Thanh niên cũng chỉ hình thành một "góc thực hành thư pháp" đa số các "ông đồ" còn rất trẻ là sinh viên tham gia. Nói về nghề, nhiều "ông đồ" thổ lộ: Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp, gắn liền với chữ tượng hình như chữ Hán, chữ Nhật. Khi thâm nhập vào Việt Nam, ban đầu cũng thể hiện chữ Hán nhưng sau đó người ta nhanh chóng đưa chữ Việt vào viết thư pháp. Xu hướng chuộng chữ Việt ngày càng nhiều và nở rộ thành phong trào trong vài năm gần đây…

Anh Lưu Thanh Hải, cũng là "ông đồ" viết thư pháp chuyên nghiệp cho rằng, thư pháp chữ Việt được nhiều người chấp nhận bởi sự gần gũi. Chữ Việt cũng dễ để người viết thư pháp tung hứng đường nét, từ mạnh mẽ, phá cách đến mềm mại, uyển chuyển, mong manh hay bay bổng...

Ngoài những bức thư pháp chỉ viết một chữ như: Xuân, Tâm, Đức, Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn, Chí... người ta còn chuộng những câu thơ/ nhạc, bài thơ/nhạc của các tác giả như: Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu... Hoặc những câu đối, câu chúc, những điều răn, điều giáo huấn làm người của nhà Phật hay của ông bà xưa đúc kết...

Hiện nay, hình ảnh những "ông đồ" áo dài, khăn đóng, ngồi trên chiếu hoa viết thư pháp mỗi độ xuân về đã rất quen thuộc với người dân TP HCM. Thật ra, phong trào "ông đồ xuống phố" xuất hiện đầu tiên vào khoảng thời điểm năm 2004 tại góc đường Trương Định - Điện Biên Phủ (quận 3). Do đây là một hoạt động văn hoá lạ, (từ trước giờ người ta chỉ biết hình ảnh ông đồ qua bài thơ "ông đồ" của Vũ Đình Liên) nên đã thu hút không ít người đi đường ghé vào xem.

Và như thế cứ mỗi năm, "phố ông đồ" đường Trương Định - Điện Biên Phủ lại có sự góp mặt của nhiều "ông đồ" mới, khách tụ tập về đây cũng ngày càng đông hơn nên ít nhiều gây trở ngại cho việc lưu thông qua lại trên các tuyến đường lân cận.

Vì vậy, khi "phố ông đồ" khu vực trước Nhà văn hoá Thanh Niên ra đời đã trở thành trung tâm thu hút các "ông đồ" về đây "múa bút". Đặc biệt nhiều ông đồ có tên tuổi như: Lưu Thanh Hải, Bùi Hiến… hay những "ông đồ" sinh viên còn trẻ măng của các trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Kiến trúc, Mỹ thuật, Kinh tế…

Cũng để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách, các "ông đồ" chuẩn bị sẵn một tập tài liệu các câu danh ngôn, thơ, câu đối để khách lựa chọn. Cái khó là các "ông đồ" phải lắng nghe từng yêu cầu của khách để viết sao cho không chỉ thể hiện được nét đẹp của con chữ mà còn thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn trong mỗi bức thư pháp, làm cho bức thư pháp sinh động hơn, có chiều sâu và gợi nhiều cảm xúc khi thưởng lãm.

Về chất liệu, nếu như trước đây du khách chuộng nhất thư pháp viết trên những bức liễn, tranh giấy dó, mành tre, mành trúc thì thị hiếu hiện nay của khách cũng đã chuyển dần sang thích những chất liệu có tính mới lạ như: đá,  gỗ, dĩa sứ, vỏ trai, vỏ sò...

Cao hơn, du khách còn đòi hỏi có sự kết hợp "trong tranh có chữ, hoặc trong chữ có tranh" để tạo thành một bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh treo trong nhà vào những chỗ trang trọng nhất. Những bức tranh thường là tranh thủy mặc, tranh sơn dầu, tranh thêu... kết hợp viết chữ hoặc thêu chữ theo mẫu thư pháp.

Mùa Tết, cũng là mùa lao động của các "ông đồ". Những năm gần đây, một số cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn… cũng thường thuê các "ông đồ" về viết chữ để tặng cho CBNV hay cho khách hàng trong các dịp lễ, cuộc họp tổng kết cuối năm, tất niên…

Cũng đã từng có siêu thị dựng hẳn một gian hàng thuê ông đồ về viết thư pháp cho khách hàng. Điều đáng trân trọng hơn là chữ thư pháp tiếng Việt không chỉ có người Việt yêu thích mà có cả người nước ngoài cũng yêu cầu các "ông đồ" viết bằng tiếng Việt.

Đặc biệt là không chỉ có những người trung niên, lớn tuổi mới chuộng thư pháp, mà cả những người trẻ tuổi cũng rất thích thú với thư pháp. Ngoài việc tìm mua, sưu tầm những sản phẩm thư pháp, nhiều bạn trẻ còn tham gia các CLB thư pháp, các khóa đào tạo viết thư pháp bằng đam mê.

Anh Lưu Thanh Hải cho biết: "Kể từ khi thư pháp được khởi đầu ở Việt Nam bởi nhà thơ Đông Hồ, đến nay chỉ vài thập niên nhưng rõ ràng thư pháp chữ Việt có một sức sống tiềm ẩn trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Những năm gần đây, thư pháp lại càng được cộng đồng quan tâm, trở thành thú vui tao nhã của nhiều người nên có thể tin rằng thư pháp chữ Việt sẽ còn vươn xa hơn nữa, nâng tầm vị trí và giá trị nghệ thuật của mình hơn nữa".

Thật vậy, thư pháp hiện nay không chỉ giới hạn tại "phố ông đồ" ở TP. HCM mà cũng đã vươn xa ra các tỉnh, thành cả nước. Chỉ riêng Công ty Văn hóa Nét Việt, thị phần cung cấp thư pháp đã là: Toàn hệ thống Fahasa cả nước, hệ thống phát hành sách Việt Văn, siêu thị Maximart… ngoài ra còn cung cấp cho khách hàng số lượng lớn theo đơn đặt hàng

K.Ngân-T.Sa
.
.
.