Phố cổ trên cao nguyên đá

Thứ Hai, 07/02/2011, 09:21
Trải qua cả trăm năm, người Tày ở thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã tự mình xây dựng và bảo tồn nơi cư trú, sinh sống của cộng đồng và gia tộc mình, để ngày nay trên cao nguyên đá có một khu phố cổ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa. Nhưng để bảo tồn và phát huy giá trị đó là cả một bài toán khó. Trong khi đó, khu phố cổ đang mỗi ngày một xuống cấp…

Băn khoăn nhà cổ và nhà khổ

Ông Lương Huy Ngò (67 tuổi, người dân tộc Tày) lật đật đẩy cặp cánh cửa gỗ, nghiêng ngó cái đầu đội sùm sụp chiếc mũ len kín hai tai, dang rộng đôi tay mời khách vào nhà. Ông Lương Huy Ngò là một nông dân bình thường ở khu phố cổ thị trấn Đồng Văn này, nhưng lại là người quen thuộc, "nổi tiếng" của các nhà nghiên cứu văn hóa, cán bộ ngành bảo tồn… và cánh phóng viên từ xa lặn lội tới.

Bởi ông đang là chủ nhân ngôi nhà cổ kính còn tương đối toàn vẹn, đặc biệt hơn, ông là hậu duệ của dòng họ Lương của người Tày sinh sống lâu đời ở đây, nên biết rất rõ lịch sử, văn hóa của vùng đất này.     

Căn nhà của ông Ngò cao hai tầng, bốn bề trình tường đất dày đến 60cm, mái lợp ngói âm dương, tầng 1 có 4 gian phòng rộng rãi không cửa phòng nào nhìn thấy nhau. Nhà kiên cố, trình tường đất, ít cửa sổ cửa chính, gỗ chạm trổ công phu, có mái đao, là dấu ấn không phai nhạt của sự pha trộn kiến trúc bản địa và Hoa Nam (Trung Quốc) theo lối cổ, đồng thời là kết cấu nhà đặc trưng của các cư dân vùng biên viễn (một số ngôi nhà khác trong phố còn có dấu ấn kiến trúc Pháp, khi người Pháp đặt chân và xây dựng đồn trú tại đây, với các bếp lò và ống khói).

Dẫu tương đối toàn vẹn, nhưng căn nhà đã xuống cấp rất nhiều. Tường trình đã có nhiều chỗ rơi rụng đất, gỗ cửa sổ đã hư hỏng hết, cánh cửa cũng mục ruỗng, ọp ẹp. Vừa chậm rãi chuyên chè, ông Lương Huy Ngò vừa rên rỉ: "Nhà cổ sắp thành nhà khổ đến nơi rồi. Gia đình chúng tôi cũng muốn sửa sang lại nhà cửa cho khang trang để tiện bề sinh hoạt.

Theo các cụ kể lại, gia tộc họ Lương chúng tôi cư trú trên đất này ít thì cũng từ 6 đến 8 đời rồi. Khi ấy đất còn hoang vu, nhà đều dựng tạm bằng lều lán thôi. Khoảng năm 1860 gì đó thì các cụ bắt đầu làm nhà trình tường kiên cố. Những ngôi nhà trình tường thời gian đầu sau này đều đã được sửa sang lại, không còn nguyên trạng.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Huy Ngò.

Ngôi nhà cổ nhất của khu phố cổ này, theo tôi, là ngôi nhà của anh họ tôi, ông Lương Triệu Hội và con cháu đang ở. Nhà anh Hội ngay kề nhà tôi, dựng năm 1890, tức là có tuổi đời 120 năm chứ không phải đã… 300 năm như nhiều báo chí đưa tin".    

Những ngôi nhà cổ nhất và nổi tiếng ở Đồng Văn đều của gia đình họ Lương cả. Ông Lương Trung Nhân là một thủ lĩnh người Tày danh tiếng ở vùng đất này (khác "vua Mèo" Dương Trung Nhân). Ông Nhân có hai người em trai là Lương Trung Tú và Lương Trung Hưng. Ngôi nhà cổ nhất là của ông Lương Triệu Hội, hậu duệ của ông Lương Trung Nhân, hiện đang sử dụng.

Ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất của phố cổ Đồng Văn đang kinh doanh cà phê là của hậu duệ ông Lương Trung Tú. Ngôi nhà cổ đẹp và tương đối nguyên vẹn, là hậu duệ của ông Lương Trung Hưng, là ông Lương Huy Ngò đang ở.

Bài toán giữ gìn bản sắc

Cũng như tâm sự của gia đình ông Lương Huy Ngò, rất nhiều cư dân phố cổ Đồng Văn đang đứng trước bài toán khó: bảo tồn nguyên trạng nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng hay xây dựng, sửa sang lại để tiện lợi và an toàn trong sinh hoạt. Đã có nhiều hộ dân phải phá đi nhiều góc nhà như bếp, một gian phòng, thậm chí là cả ngôi nhà trình tường để xây lại nhà bằng gạch và lợp tấm prô-xi măng.

Nhà trình tường ít cửa thì trổ thêm cửa lớn, để tiện bày bán ít hàng hóa, tạp phẩm. Phá nhà trình tường thì hầu hết người dân phố cổ chỉ có khả năng xây lại nhà ở bằng gạch, vì trình tường lại rất kỳ công và rất tốn kém. Bây giờ, làm một ngôi nhà trình tường, giá và công đắt gấp đôi gấp ba xây gạch. Thời gian làm nhà trình tường cũng chỉ trong một tháng thôi, nguyên liệu cũng chỉ là đất, lõi cây và thợ trình tường vùng này không hiếm.

Đất sét dẻo đã có tại chỗ, giần sàng tán nhuyễn phơi khô. Cái khó là đồ mộc, tìm đâu ra lõi cây khi cây và cành to giờ tìm đã khó. Những ngôi nhà cổ đều làm gỗ lõi cây để đóng vào giữa tường, nên rất kiên cố, có tuổi thọ đến cả trăm năm là vì vậy.

Ngôi nhà cổ nhất phố cổ Đồng Văn đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi nhà trình tường cổ duy nhất ở Đồng Văn đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho cư dân, chính là ngôi nhà đang kinh doanh cà phê "Phố cổ" nổi tiếng nhất thị trấn. Khách có thể đến uống cà phê do chính tay người dân bản địa đã và đang trồng từ cả trăm năm nay, tham quan kiến trúc đẹp và độc đáo của ngôi nhà. Từ chỗ ngồi, có thể nhìn thấy, nghe thấy âm thanh ồn ã từ dòng người mặc áo truyền thống các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Hoa, Lô Lô, Pu Péo… chơi chợ phiên Đồng Văn.

Ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: "Để người dân hiểu, tích cực chung tay bảo tồn phố cổ là một bài toán khó. Chúng tôi đã tính tới phương án giãn dân, tách bớt các hộ mới ra ngoài khu phố cổ, để bảo tồn giá trị các căn nhà, và cũng để bà con có thể tiện nghi hơn trong sinh hoạt.

Nhưng điều này có phá vỡ không gian văn hóa trong một gia đình truyền thống? Trong khi đó, khách tham quan không chỉ muốn xem cấu trúc ngôi nhà cổ, mà còn muốn biết người dân đang sống và sinh hoạt như thế nào trong ngôi nhà ấy. Chúng tôi đang rất nỗ lực tìm lời giải cho bài toán đó trong năm 2011 này".

Nhưng những ngày giáp Tết, người dân phố cổ cũng có nhiều niềm vui để quên đi nỗi trăn trở thường nhật. Đèn lồng do huyện cấp miễn phí sẽ treo nhiều và rực rỡ trong dịp Tết. Có các sinh hoạt văn hóa vui tươi trong lễ hội, như trình diễn trống đồng của người Lô Lô, giới thiệu các món ăn truyền thống…

Du khách đến tham quan, tiêu thụ những sản phẩm bản địa tại khu phố và chợ cổ dẫu chỉ ít nhiều, nhưng đó chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho du lịch phố cổ Đồng Văn như du lịch phố cổ Hà Nội, Hội An trong tương lai

Lê Quân
.
.
.