Phim truyền hình Việt: Thiếu tinh tế, thừa sáo rỗng

Thứ Tư, 12/09/2007, 08:44
Hiện nay, bật tivi lên vào “giờ vàng” (18-22h), những ai nặng lòng với phim ảnh nước nhà có thể hài lòng vì đã được xem những phim truyền hình “made in Vietnam”. Nhưng song song với sự phát triển về số lượng phim, vẫn còn đó nhiều trăn trở...

Những bộ phim được kỳ vọng gần đây trên HTV đều không nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn.

Nhà sản xuất đã cố gắng áp dụng công thức ăn khách của phim Hàn. Cốt truyện éo le, kịch tính xoay quanh cuộc sống và tình yêu của giới trẻ. Dàn diễn viên “bắt mắt”, nổi tiếng trong các lĩnh vực… ngoài điện ảnh, thường là người mẫu, ca sĩ. Bối cảnh phim thực hiện ở các địa điểm thơ mộng như Đà Lạt, Phan Thiết hoặc sang trọng như quán cà phê cao cấp.

Báo chí tích cực quan tâm và khán giả thì háo hức chờ đợi. Nhưng khi trình chiếu, chúng đều giống những bức tranh bóng bẩy mà vô hồn.

Thoại thay diễn

Khán giả xem Hoa dã quì (đạo diễn Võ Tấn Bình) sẽ nhớ nhạc phim hay, cảnh Đà Lạt đẹp và… những tiếng gào khóc. Hình ảnh nhân vật lẫn thông điệp từ bộ phim thì có lẽ đã chìm xuống mặt hồ Xuân Hương! Hai chị em Mây Trắng (Ngọc Diệp), Ánh Nguyệt (Ngọc Quyên) sẽ trở về sàn catwalk với chút ít kinh nghiệm diễn xuất.

Còn Xin lỗi tình yêu (đạo diễn Hồng Ngân) dù chưa kết thúc đã bộc lộ quá nhiều sơ suất trong kịch bản. Xem phim này có thể thấy rõ sự hời hợt và cẩu thả. Phương Hoa (Đinh Y Nhung) - cô gái được miêu tả với những tính cách truyền thống của phụ nữ Á Đông - đã chăm sóc bữa ăn cho bạn trai mình bằng… bánh mì và chả mua trong tiệm bán đồ ăn sẵn.

Sẽ có nhiều ý kiến phản bác đại loại: “Đừng vạch lá tìm sâu như thế, người ta làm việc văn phòng bận rộn, lấy thời gian đâu luộc rau muống cho ra phong cách Việt Nam”.

Nhưng nếu đặt ổ bánh mì của cô gái tận tụy kia bên cạnh hình ảnh cô gái Hàn chăm chú muối kim chi, trộn kim pak mới thấy tính thuyết phục trong phim có khi xuất phát từ những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ. “Văn hóa kim chi” được quảng bá từ những chi tiết nhỏ ấy.

Nhiều người xem đã cười ồ khi Đan Thanh (ca sĩ Quách An An) - một cô gái thông minh học thức - nói với Chánh Khiêm (người mẫu Đức Tiến), anh giám đốc đã có gia đình mà cô đang theo đuổi: “Anh có biết là em đang giằng xé lắm không?”. Không thấy sự “giằng xé” thể hiện ở diễn viên, chỉ có người xem đang “giằng xé” nên cười hay nên khóc trước câu thoại chữa cháy cho sự vụng về trong diễn xuất.

Tương tự, trong Gọi giấc mơ về (đạo diễn Xuân Cường), cậu học sinh xuất sắc Minh (Tấn Phát) chỉ “khoe” được tri thức và sự sâu sắc qua nhiều đoạn thoại đầy tính triết lý sách vở.

Thanh (Sóng gió cuộc đời, đạo diễn Châu Huế) khi biết tin chồng đã dứt tình thì độc thoại những câu sáo rỗng “Không, anh ấy còn yêu mình mà!” với vẻ mặt… trơ trơ.

Tình trạng “thoại thay diễn” này thường xuyên bắt gặp ở nhiều phim khác như: Hướng nghiệp, Mùi ngò gai…khiến mạch phim kéo dài lê thê mà chẳng đọng lại được điều gì.

Đến bao giờ mới được xem một cảnh miêu tả tâm trạng tinh tế như trong The notebook, nàng Allie ngâm mình giữa bồn tắm đầy bọt xà phòng, phân vân giữa mối tình đầu và người chồng sắp cưới? Không có câu thoại nào, chỉ có ánh nhìn khắc khoải của cô gái và bàn chân trần hết vặn rồi khóa vòi nước…

Thiếu kịch bản chỉn chu

Điện ảnh là sự giả tạo!”, trong cuốn sách Làm sao viết kịch bản phim, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân khẳng định chắc nịch. Những ý kiến cho rằng các bộ phim kịch bản gốc Hàn hay mang hơi hướm Hàn là “ốc mượn hồn”, phi thực tế, chỉ là bề nổi của tảng băng trôi.

Phim Việt chưa thuyết phục người xem chẳng phải vì không phản ánh thực tế cuộc sống, mà vì thế giới trong phim không đủ hấp dẫn để chinh phục khán giả...

Phim Hàn cũng đầy rẫy vô lý như nhân vật nhà nghèo mặc hàng hiệu, cũng nhàm chán với chuyện gia đình, ung thư lặp đi lặp lại mà khán giả vẫn say sưa theo dõi. Hiện thực điện ảnh không phải phương thức bê nguyên xi những hình mẫu thực vào phim, mà phải tạo ra một hiện thực ảo khiến công chúng say mê và chìm ngập như chính họ đang sống.

Để làm được điều đó, chúng ta đang thiếu những kịch bản chỉn chu, chưa dám gọi là hay. Đó chỉ là một trong nhiều cái thiếu khác như thiếu kinh phí, thiếu diễn viên biết diễn và thiếu cả những chiến lược lâu dài. Sự khởi sắc của phim Việt có lẽ sẽ phải trông đến thì tương lai, khi công tác đào tạo đạo diễn, biên kịch, diễn viên chuyên nghiệp được chú trọng

Theo Nguyệt Hương (Tuổi trẻ)
.
.
.