Phim tài liệu "CAND trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước": Hoành tráng và đầy cảm xúc

Thứ Bảy, 17/04/2010, 15:20
Ngay trong lần ra mắt, bộ phim tài liệu "CAND trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước" (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình và Điện ảnh CAND) đã gây được xúc động mạnh với người xem. Lần đầu tiên, chặng đường lịch sử của lực lượng CAND trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại đã được tái dựng bằng hình ảnh một cách chân thực, sống động và toàn diện, hoành tráng, mang tính lịch sử và tràn đầy cảm xúc.

Nhiều tư liệu quí được giải mã

Một trong những giá trị lớn mà bộ phim có được, là những thông tin vốn được coi là tuyệt mật trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã lần đầu được giải mã. Bộ phim "CAND trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước" đã chính thức công bố nhiều vấn đề trọng đại, những chiến công mang tầm lịch sử của lực lượng CAND, đặc biệt là trong lĩnh vực tình báo. Với những bí mật lịch sử được mở ra, mới hiểu thêm rằng, đóng góp của lực lượng Công an vào sự nghiệp thống nhất đất nước là vô cùng to lớn.

Năm 1954, lợi dụng việc tập kết 300 ngày theo Hiệp định Giơnevơ, CIA đã cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam. Lực lượng Công an đã cùng các lực lượng khác vận động quần chúng kết hợp với truy bắt các đối tượng cầm đầu, làm thất bại âm mưu của chúng, đồng thời, một số đồng chí Công an cũng bí mật có mặt trong dòng người di cư, làm cơ sở để sau này, phát triển mạng lưới an ninh rộng khắp.

Cũng lần đầu tiên, vai trò quan trọng của lực lượng Công an trong việc giải quyết triệt để vấn đề phỉ ở vùng biên giới phía Bắc đầu những năm 1960, hay dập tắt kịp thời các vụ "xưng vua, đón vua" hay bạo loạn vũ trang ở Hà Giang, được công bố.  Đã có nhiều cuốn sách viết về vụ tập kích của Mỹ ở Sơn Tây, nhằm giải cứu số tù binh Mỹ bị giam giữ ở đây, hy vọng lật thế cờ trên bàn đàm phán Paris và xoa dịu dư luận Mỹ.

Nhiều tài liệu của cả 2 phía được tập trung khai thác, nghiên cứu với nhiều chuyên gia phân tích. Nhưng dường như, việc trại giam này được di chuyển trước khi bị tập kích chỉ vài tuần, là sự tình cờ hay do được báo trước, vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp. Đa phần, đều cho rằng, đó là sự tình cờ.

Cán bộ, chiến sĩ điệp báo an ninh Sài Gòn-Gia Định đào địa đạo tại huyện Củ Chi (năm 1971).

Nhưng trong bộ phim này, lần đầu tiên, những bí mật đã được chính lực lượng tình báo giải mã: Sự di chuyển đó là bởi, kế hoạch tập kích của Mỹ đã được tình báo CAND ở nước ngoài biết trước 4 tháng và báo cáo về Việt Nam để kịp thời đối phó. Chính nguồn thông tin quan trọng này, đã làm thất bại âm mưu mà Mỹ đã dày công chuẩn bị trong thời gian dài.

Những thước phim tư liệu được ghi lại đầy đủ những hoạt động của lực lượng Công an trong chiến tranh, đã phản ánh hết sức chân thực vai trò quan trọng của lực lượng CAND trong những ngày khói lửa. Không chỉ gìn giữ an ninh miền Bắc, lực lượng Công an còn góp phần đánh địch ở chiến trường miền Nam bằng những chiến công vang dội.

Những năm 1960, Mỹ-ngụy liên tiếp tung hàng trăm tên biệt kích, gián điệp ra Bắc để phá hoại, nhưng với sự mưu trí và sáng tạo, bằng công tác phát động quần chúng "Bảo vệ trị an", "Bảo mật phòng gian" kết hợp với công tác tình báo, lực lượng Công an đã đấu tranh, khám phá hàng chục tổ chức gián điệp do Pháp, Mỹ cài lại, thu hàng chục tấn vũ khí điện đài.

Trong cuộc đối đầu lịch sử, bằng "trò chơi nghiệp vụ", Công an Việt Nam dạy cho tình báo Mỹ-ngụy một bài học đích đáng, khi từ năm 1961-1970, đã câu nhử, bắt 78 toán gián điệp gồm 463 tên, thu hàng trăm tấn vũ khí, thuốc nổ, phương tiện thông tin liên lạc, thuốc men và nhu yếu phẩm, để chuyển cho an ninh miền Nam đánh địch.

Từ hồi ức của các nhân chứng lịch sử, những tài liệu gốc còn lưu, bộ phim cũng mang đến những hình ảnh sống động về sự chi viện to lớn cả người lẫn trang thiết bị của lực lượng Công an cho miền Nam trong suốt hơn 2 thập kỷ đánh Mỹ. Trong những chiến công lẫy lừng của An ninh miền Nam, có cả sự hy sinh thầm lặng của hàng ngàn người con miền Bắc. Con số 8.311 chiến sĩ Công an nằm lại chiến trường miền Nam trong chặng đường 21 năm máu lửa của dân tộc, lần đầu được biết đến, đã cho thấy sự hy sinh vô bờ của lực lượng CAND với miền Nam ruột thịt.

Trong những giây phút cuối cùng của cuộc tổng tấn công, lực lượng Công an tiếp tục giữ vai trò quan trọng, khi cùng các lực lượng khác phối hợp vận động Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, để Sài Gòn được tiếp quản trong hòa bình và nhân dân Sài Gòn không phải chịu cảnh đạn bom.

Ngay khi miền Nam giải phóng, thêm một lần nữa, hàng ngàn chiến sĩ Công an tiếp tục vào hỗ trợ đồng đội ở miền Nam trong những thời khắc khó khăn, để nhanh chóng giữ gìn ANTT. Có thể nói rằng, sự chân thực, sinh động mà những hình ảnh đem lại, đã làm nên giá trị lịch sử lớn lao cho bộ phim.

Bài học từ công tác lưu trữ tư liệu

Để có được bộ phim mang nhiều sự kiện lịch sử đầy giá trị đó, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình và Điện ảnh CAND, mà trực tiếp là Đại tá Nguyễn Quang Vinh, PGĐ Trung tâm cùng ekip làm phim, đã phải nỗ lực hết mình. Yêu cầu của bộ phim phải xuyên suốt và toàn diện về vai trò của lực lượng CAND trong suốt cuộc kháng chiến, vì thế, ekip làm phim phải sử dụng tới 90% tư liệu cũ, chọn lọc từ hàng vạn thước phim tư liệu của nước ngoài, của Hãng phim Tư liệu, của ngụy quyền Sài Gòn mà lực lượng Công an thu được sau ngày giải phóng và khối phim tư liệu khổng lồ của Điện ảnh CAND.

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND và điều may mắn là trong mấy chục năm làm nghề, cùng với kinh nghiệm, Đại tá Nguyễn Quang Vinh luôn có ý thức lưu trữ tư liệu một cách khoa học và cẩn trọng, đã giúp anh rút ngắn thời gian chọn lọc tư liệu. Được sự giúp đỡ của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, ekip làm phim đã có được những tư liệu chính xác, phục vụ việc viết kịch bản. Với sự quyết tâm và cố gắng lớn của từng thành viên, bộ phim đã hoàn tất chỉ trong 2 tuần, sớm hơn dự kiến rất nhiều, với kinh phí thấp kỷ lục: hơn 30 triệu đồng.

Với sự chân thành, giàu xúc cảm, bộ phim là tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay với quá khứ hào hùng mà các thế hệ CAND đi trước đã giành được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng là món quà đầy ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam

Thanh Hằng
.
.
.