Phim hình sự còn dễ dãi!

Thứ Tư, 14/12/2011, 15:03
Trong hầu hết các phim vẫn không có nhiều tình huống hóc búa, thiếu các tình tiết điển hình, nên các nhân vật cảnh sát không có cơ hội thể hiện tố chất thông minh, mưu lược, sắc sảo và các cuộc truy tìm tội phạm chưa thật sự mang tính đấu trí như hiện thực.

Có thể nói rằng, phim hình sự là thể loại rất ăn khách. Vì thế, ngay khi khởi động khung Giờ vàng phim Việt, dòng phim này đã được Đài Truyền hình Việt Nam ưu tiên quảng bá, đồng thời, các đoàn làm phim của VFC và các hãng phim tư nhân đều tập trung cho các bộ phim thuộc đề tài phòng, chống tội phạm. Hàng loạt bộ phim đã liên tiếp lên sóng: Chuyên án chưa kết thúc, Đột kích, Mặt nạ hoàn hảo, Kẻ giấu mặt, Cuồng phong, Đầm lầy bạc và mới nhất là Những đứa con biệt động Sài Gòn...

Ở Việt Nam, mảng tư liệu về phòng, chống tội phạm chưa được khai thác nhiều, nên còn rất màu mỡ. Khán giả nhiều là thế mạnh của dòng phim hình sự. Trong bối cảnh có sự so sánh của phim nước ngoài, càng thấy rõ chất lượng của phim hình sự Việt Nam.

Nhiều vụ án lớn vốn là mối quan tâm của dư luận, nhưng tiêu hóa thành tác phẩm nghệ thuật ở phim của ta nghe chừng vẫn còn sượng. Khiếm khuyết kinh điển của các phim hình sự Việt Nam là xem tập đầu, đã dễ dàng hình dung ra diễn tiến của tập sau, thậm chí, nhiều tập sau, vì những tình tiết, nhân vật cần giấu kín cứ bị lộ, nên không có sự bất ngờ cần có.

"Chạy án", một trong số ít bộ phim hình sự được yêu mến.

Hầu hết các cuộc rượt đuổi, các màn đấu võ chưa thuyết phục, vì không thật. Trong hầu hết các phim vẫn không có nhiều tình huống hóc búa, thiếu các tình tiết điển hình, nên các nhân vật cảnh sát không có cơ hội thể hiện tố chất thông minh, mưu lược, sắc sảo và các cuộc truy tìm tội phạm chưa thật sự mang tính đấu trí như hiện thực.

Có quá nhiều biện pháp nghiệp vụ cao, sử dụng công nghệ cao trong thực tế và đã được các phim nước ngoài thể hiện, nhưng lại rất thiếu ở phim hình sự của ta, khiến khán giả xem phim thấy Công an ta vẫn tác nghiệp lạc hậu quá. Thế nhưng, cái nhiều ở phim hình sự Việt Nam lại là thoại dài và hay tổ chức họp ban chuyên án với những lời thuyết giáo, cứ na ná nhau. Mô-tip vợ /người yêu không thông cảm với chồng /bạn trai về công việc vất vả, hy sinh cứ lặp đi lặp lại ở nhiều phim, gây nên sự nhàm chán.

Trong khi phim đòi hỏi diễn xuất phải tự nhiên và đời thường, thì nhiều diễn viên vốn gốc sân khấu vẫn bê nguyên cách diễn khoa trương vào phim. Chưa kể, nhiều đạo diễn lựa chọn các ca sĩ, người đẹp có tên tuổi với hy vọng câu khách, càng khiến phim rơi vào thảm họa chất lượng. Lỗi có phải hoàn toàn do diễn viên? Còn nhớ, khi phim Nổi gió đã quay được hàng ngàn mét, thấy chưa đạt, là NSND Huy Thành đã quyết định bỏ và tuyển diễn viên làm lại từ đầu. Bởi ông là đạo diễn chuyên nghiệp, tâm huyết và có trách nhiệm với nghề.

Vấn đề biên kịch cũng đáng phải nhìn nhận khi có nhiều nhà biên kịch và người làm nghề không nghiêm túc với sản phẩm của mình, chăm chăm kiếm danh và kiếm tiền một cách nhanh nhất, như ý kiến của nhà biên kịch Thùy Linh. Tất cả những yếu đó đó cộng lại, đã cho ra đời những bộ phim không đủ ma lực cuốn hút người xem.

Năm ngoái, bộ phim Đầu sóng ngọn gió của Trung Quốc chiếu trên VTV3  thu hút được khán giả, bởi vừa hấp dẫn, vừa rất xúc động. Nhân vật chính Lao Đông Lâm (Lý Tuyết Kiện) được xây dựng không phải là hình tượng hoàn mỹ: một cảnh sát hình sự kỳ cựu và dũng cảm, nhưng ngoại hình nhỏ con, không điển trai với cái lý lịch nhiều đời vợ. Thế nhưng, diễn xuất tài tình của diễn viên từng đóng phim Thủy Hử đã tạo nên sức thuyết phục cho vai diễn...

Trong một bộ phim hình sự của Nga được chiếu trên kênh Star Movie, diễn tả sự trong sạch và hy sinh của người cảnh sát, chỉ là cảnh đứa bé đến bên bố, xin 10 đồng để mua sách. Người bố đã rất lúng túng, đau khổ vì không thể có số tiền nhỏ đó cho con. Diễn xuất có hồn của diễn viên đã thể hiện thành công ý đồ của đạo diễn, khiến chi tiết rất đời thường, rất thực đó trở thành ám ảnh.

Ở phim Salt của đạo diễn người Mỹ Philip Noil, cái ác được diễn tả không cần lời thoại dài dòng, chỉ bằng mấy giây cảnh người chồng bị trói và dìm xuống nước, nhưng đủ làm nên sức nặng và tính logic cho sự nổi loạn, thay đổi lý tưởng của nhân vật chính.

Rõ ràng, để có một bộ phim hay, đòi hỏi sự hội tụ của một kịch bản xuất sắc, sự sáng tạo vượt bậc của người đạo diễn cùng dàn diễn viên tài năng và tâm huyết. Nhưng xem ra, vẫn chưa thấy bộ phim hình sự nào của chúng ta hội tụ đủ 3 yếu tố đó

Thanh Hằng
.
.
.