Phim hài lên ngôi: Buồn nhiều hơn vui?

Chủ Nhật, 23/02/2014, 11:43
Theo thông tin từ phía nhà sản xuất, bộ phim “Tèo em” (đạo diễn Charlie Nguyễn) đạt mức doanh thu kỷ lục 80 tỷ đồng, “Cô dâu đại chiến 2” (đạo diễn Victor Vũ) đạt danh thu 40 tỷ đồng cùng một số bộ phim hài chiếu Tết như “Năm sau con lại về”, “Hai lúa” cũng tự tin với 6 - 7 suất chiếu/ngày… Có lẽ chưa bao giờ, phim hài lại khẳng định sự thắng thế của mình so với các thể loại phim khác như hiện nay. Nhưng điều đó có đủ để những người yêu điện ảnh vui mừng?

Nhìn vào doanh thu của những bộ phim như “Tèo em”, “Cô dâu đại chiến 2” thì chắc chắn tất cả những người làm phim đều không khỏi mơ ước. Có vẻ như sau thất bại ở “Bụi đời Chợ Lớn”, đạo diễn Charlie Nguyễn đã bù đắp được thiệt hại bằng sự vượt trội của doanh thu từ “Tèo em”. Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Việt kiều này đã không giấu được sự hoan hỉ: “Tôi nhận ra, ở thị trường phim Việt Nam hiện tại, cứ làm phim hài nhảm là tốt nhất. An toàn và dễ bán vé”. Sự thắng thế của “Tèo em” tại phòng vé lần này một lần nữa khẳng định thế mạnh đóng hài của diễn viên Thái Hòa kể từ sau một loạt những phim như “Để mai tính”,  “Long ruồi”… Anh cũng bước vào danh sách ít ỏi diễn viên được mệnh danh là “ngôi sao phòng vé ” sau hơn 20 năm kể từ thời kỳ đỉnh cao của dòng phim thị trường với những cái tên diễn viên “làm mưa làm gió ” như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương... Không phải tới khi “Tèo em” hay “Cô dâu đại chiến 2” đạt doanh thu “khủng” người ta mới nhận ra sự lên ngôi của thể loại phim hài mà trước đó, những ngày cuối năm 2013, một “Liên hoan phim hài Việt Nam” đã được tổ chức tại cụm rạp BHD Star Cineplex, thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi “Funfest 2013”. Những phim hài không thể thiếu trong liên hoan phim lần này là “Để mai tính”, “Cưới ngay kẻo lỡ”,  “Nhà có 5 nàng tiên”…

Doanh thu cao đã trở thành là lý do chính cổ súy cho phong trào nhà nhà làm phim hài ở Việt Nam. Thay vì làm những phim tâm lý hay lịch sử vừa vất vả, khó khăn mà không chắc đã hòa vốn thì chi bằng đầu tư vào phim hài, kinh phí thấp, lại hoàn toàn có khả năng lãi to là suy nghĩ của không ít đạo diễn hiện nay. Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện nay, đó là lối đi khá thuận lợi để các đạo diễn đổ xô vào làm phim hài. Làm phim hài không có gì sai. Thậm chí trong lịch sử điện ảnh thế giới và Việt Nam, nhiều bộ phim hài đã trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Thế nhưng, doanh thu không phải lúc nào cũng là thước đo chính xác giá trị của các tác phẩm điện ảnh. 

Chúng ta hãy nói về “Tèo em”, bộ phim đạt kỷ lục về doanh thu từ trước đến nay. Không ít khán giả sau khi xem đã có chung nhận xét: nội dung nhạt, diễn xuất chưa hay, bối cảnh phim không được đầu tư kỹ lưỡng. Nhiều người tin tưởng vào tay nghề của đạo diễn Charlie Nguyễn và khả năng chọc cười của Thái Hòa cũng tỏ thái độ thất vọng trước kiểu hài phô diễn. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng so với “Để mai tính ”, “Long ruồi” và “Cưới ngay kẻo lỡ ” thì “Tèo em” đánh dấu sự xuống tay của đạo diễn Charlie Nguyễn. “Hai lúa”, “Năm sau con lại về” hay “Cưới chạy” thì không có gì khác biệt so với các phim hài nhảm trước đây. Cả 3 bộ phim bị đánh giá là giống như những phim truyền hình một tập hay những tiểu phẩm hài kéo dài thường được phát sóng trên truyền hình.

Xem một loạt phim hài của Việt Nam, chúng ta có cảm giác các đạo diễn đang chạy theo xu hướng làm phim theo kiểu “hài nhảm” chạy theo lợi nhuận chứ không phải là những bộ phim hài được đầu tư kỹ lưỡng, công phu. Lý giải sự thành công về doanh thu của những bộ phim này, nhiều người cho rằng đó là bởi chúng được ra mắt vào đúng thời điểm. Những ngày lễ tết và đầu năm là thời điểm “vàng” bởi thói quen của khán giả Việt là muốn xem cái gì đó thư giãn, nhẹ nhàng. Và phim hài luôn là lựa chọn số 1. Chính vì vậy, nhiều phim hài dù kém chất lượng vẫn ung dung đứng rạp. Việc phân bổ suất chiếu vào những khung giờ vàng cũng là điều kiện then chốt, quyết định sự thành công hay thất bại về doanh thu với một bộ phim.

Dễ làm, dễ thu hồi vốn khiến các đạo diễn tên tuổi lao vào làm phim hài. Điều này dấy lên một lo ngại rằng ai sẽ là người làm những phim chiến tranh, phim lịch sử, phim tâm lý xã hội? Một nền điện ảnh phát triển không thể được đánh giá dựa vào doanh thu từ những bộ phim hài nhảm. Dù vẫn biết, trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc thu hồi vốn là điều cần thiết nhưng lao vào làm phim hài bằng mọi giá thì những nghệ sĩ không chỉ khiến đời sống điện ảnh nghèo nàn mà họ còn đang đối xử tệ bạc với chính tên tuổi của mình

Khánh Thảo
.
.
.