Phim Việt 'hụt hơi' bởi cuộc đua của nhà sản xuất?
Đánh giá về hiện trạng và xu thế phát triển của nhà sản xuất phim Việt Nam trong hội thảo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh, PGS.TS Trần Luân Kim thẳng thắn chia sẻ rằng, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có nhà sản xuất phim đúng nghĩa.
Theo PGS Trần Luân Kim, hoạt động tổ chức sản xuất phim Việt, đặc biệt là của các hãng phim Nhà nước vẫn theo mô hình của Liên Xô cũ, nghĩa là không có giám đốc sản xuất phim thực sự. Thường, mỗi dự án phim, chịu trách nhiệm cao nhất là chủ nhiệm phim, mà vai trò chủ nhiệm phim không thể thay thế giám đốc sản xuất.
Nhấn mạnh vai trò của nhà sản xuất phim, Thạc sĩ nghệ thuật Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng khẳng định: Vai trò nhà sản xuất trong ngành công nghiệp điện ảnh rất quan trọng. Họ không chỉ là nhà đầu tư, mà còn là người biết kiếm tiền cho việc sản xuất phim và làm lãi cho mình để tiếp tục tái đầu tư.
Diễn viên Thái Hòa trong "Để Hội tính" - Một trong những phim bị liệt vào dạng phim "thảm họa". |
Một nhà sản xuất chuyện nghiệp chỉ cần nghe qua tóm tắt ý tưởng đã mường tượng khái toán được tổng chi phí cần bỏ ra, đồng thời có thể “bắt mạch” được số lượng khán giả sẽ quan tâm đến sản phẩm của mình...
Với đại đa số người bỏ tiền làm phim Việt hiện nay, việc "bắt mạch" thị hiếu khán giả đang là một trong những khâu được quan tâm hàng đầu cho mỗi dự án phim.
Đại diện hãng phim Thiên Ngân chia sẻ rằng, việc nghiên cứu thị hiếu khán giả được tổ chức quanh năm. Kinh nghiệm nhiều năm "đo đếm" thị hiếu khán giả để sản xuất phim của Thiên Ngân cho thấy, thị hiếu của người xem nhiều khi thay đổi rất nhanh. Nếu vài năm trước là hài thì nay, nếu chỉ có hài, nhà sản xuất cũng rất dễ... thua.
Đề tài được khai thác, có khi là những hiện tượng, vụ án nổi cộm trong xã hội, có khi là thể loại, dạng đề tài đang ăn khách trên sân khấu hay phim nước ngoài, có khi lại là tác phẩm văn học của tác giả đang được yêu thích...
Theo Giám đốc sản xuất của Coco Paris, Trần Trọng Dần, kinh nghiệm và sự quan sát hoạt động sản xuất phim ở các nước mà anh có được đều cho thấy, ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có những luật chơi và ranh giới nhất định mà người tham gia buộc phải tuân thủ. Nhà sản xuất phải là người nắm rõ những luật chơi ấy hơn tất cả mọi người trước khi quyết định "nhập cuộc".
Ở nước ngoài cũng có các phim sản xuất vì mục đích thương mại do tư nhân đầu tư sản xuất; có các phim sản xuất vì mục đích tuyên truyền, có tiền đầu tư từ nhà nước. Nhưng, điều đó không có nghĩa rằng, phim thương mại hay phim tuyên truyền không có tính nghệ thuật. Nhiều phim kinh điển, được khán giả trong và ngoài nước, kể cả khán giả Việt Nam xem và ngưỡng mộ, nhưng là phim do nhà nước đầu tư kinh phí.
Vấn đề quan trọng ở đây là khả năng và cái tâm nhà sản xuất. Chỉ khi nào nhà sản xuất phim Việt biết "tự ái dân tộc", khát khao có những tác phẩm điện ảnh thực sự, đáng để tự hào "khoe" với điện ảnh các nước trong khu vực và thế giới thì nhà sản xuất mới hết vướng trong chính cái vòng luẩn quẩn hiện tại.