Phim ‘Nhà tiên tri’: Cách thể hiện mới về hình tượng Bác Hồ

Chủ Nhật, 23/08/2015, 09:48
Sau phim “Thầu Chín ở Xiêm” với đề tài về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục cho ra mắt bộ phim điện ảnh “Nhà tiên tri” (đạo diễn: Vương Đức, kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm)...

Phim do Bộ VHTTDL đặt hàng và được chọn trình chiếu khai mạc Tuần phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Kịch bản “Nhà tiên tri” đã giành giải ba cuộc thi sáng tác về Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Với đề tài về lãnh tụ và lịch sử, ekip làm phim đã phải đối diện với những yêu cầu khắt khe: vừa đảm bảo yếu tố chân thật, vừa có tính nghệ thuật.

Phim lấy bối cảnh những năm 1947-1950, khi đất nước ở trong tình thế vô vàn cam go, thử thách. Với một câu chuyện kết cấu chặt chẽ, những tình tiết thú vị, phim cho thấy tầm nhìn chiến lược, khả năng tiên đoán của Hồ Chí Minh trước những bước đi của lịch sử, về thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, phim đã mang đến hình ảnh vị Chủ tịch nước thật bình dị và gần gũi.

Cảnh trong phim “Nhà tiên tri”.

Là nhân vật trung tâm, lại là vai diễn đã được Hoàng Nhuận Cầm dành để cho NSND Bùi Bài Bình ngay từ khi viết kịch bản, nên nhân vật Hồ Chủ tịch do NSND Bùi Bài Bình thủ vai đã được trông đợi rất nhiều. NSND Bùi Bài Bình cho biết, chính là anh đã phải đầu tư tối đa về thời gian, tâm sức và tình cảm cho vai diễn, bằng việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu những tư liệu, cũng như phim ảnh về Bác Hồ, để hình dung đầy đủ hơn về cuộc đời và sự nghiệp, cũng như tính cách của Người, từ đó, tìm ra những điểm nhấn trong phẩm cách của nhân vật và thể hiện một cách chân thật.

Cũng phải có niềm đam mê nghề nghiệp và tình yêu sâu sắc với vai diễn, mới đủ để NSND Bùi Bài Bình ép cân, giảm từ 56kg xuống còn 50kg, để râu cho phù hợp với ngoại hình nhân vật. Ở tuổi anh, việc học ngoại ngữ không còn đơn giản, nhưng Bùi Bài Bình vẫn cố gắng học thêm để có thể thoại tốt khi nhân vật nói tiếng nước ngoài. Anh kể, anh phải mày mò học cả tiếng Nga, Pháp và Trung, sao cho nói đúng khẩu hình để người lồng tiếng làm việc được.

Những cảnh quay ở nhiều tỉnh thành, ở nhiều nước cho thấy, đạo diễn Vương Đức rất coi trọng tính chân thật của lịch sử, muốn để chính những hình ảnh từng gắn với cuộc đời vị lãnh tụ lên tiếng. Ở một bộ phim về lịch sử, nhưng đạo diễn Vương Đức đã “thổi” được vào cả tinh thần lãng mạn, đủ để làm “mềm” những chi tiết về chiến tranh khốc liệt. Đó là những cảnh rất lãng mạn của một thi nhân giữa núi rừng Việt Bắc, cảnh thuyền trên sông Đáy, lúc Bác Hồ thư thái ngồi câu cá, khi trò chuyện với chiến sĩ vv…

Một hình ảnh được lặp đi lặp lại ở nhiều bối cảnh, không gian khác nhau, là cánh chim bồ câu biểu tượng cho khát vọng hòa bình, tự do luôn ăm ắp trong trái tim vị lãnh tụ, rất phù hợp với chi tiết Hồ Chủ tịch bật ra cái tên “Võ Hòa Bình” khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhờ đặt tên con.

Với ý nghĩa là câu chuyện về chiến tranh và hòa bình, hy vọng khán giả đón nhận “Nhà tiên tri” qua thông điệp lớn lao là khát vọng hòa bình, ý chí độc lập của dân tộc”.

Dạ Miên
.
.
.