"Phía sau bản án" - những câu chuyện gần gũi, cảm động

Thứ Bảy, 03/12/2011, 12:17
Sau "Cảnh báo những tử tù tuổi đời còn trẻ", số thứ 2 của "Phía sau bản án" sẽ là "Nước mắt dưới chân núi Sào Khai", số thứ 3 là "Tình - tội"… Mỗi số, khán giả sẽ được khám phá những câu chuyện mới, nhân vật mới với cách kể dung dị nhưng thấm đẫm tình người.

Người phạm tội thì đương nhiên phải nhận sự trừng phạt của pháp luật bằng một bản án và chuỗi ngày tiếp theo với họ là cuộc sống trong trại giam. Nơi đó, từng tháng, từng ngày họ cần mẫn lao động cải tạo, gột rửa quá khứ để sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình. Họ bình thản hơn khi nhớ về bi kịch đã qua để hướng tới một tương lai rộng mở phía trước. Song, câu chuyện về cuộc đời họ với những thăng trầm, nghiệt ngã thì chưa khép lại. Nó như những bài học sống cho mỗi người trước lằn ranh của cái thiện và cái ác. Tất cả đều được gửi gắm trong một chuyên mục đặc sắc trên truyền hình CAND với tên gọi rất gần gũi: "Phía sau bản án".

Vừ A Tủa, Hạng Khua Ly, Sùng A Dũng và Sùng A Mua là những thanh niên người Mông còn trẻ. Thậm chí, khi phạm tội, Sùng A Mua vừa bước sang tuổi 18. Họ sống trong những ngôi nhà heo hút nơi triền núi thuộc xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống khó khăn, túng quẫn cùng với bao lo toan, vất vả đã khiến họ già trước tuổi.

Không những phải lo cho bản thân, họ còn phải gánh trách nhiệm là người trụ cột gia đình. Túng quá hóa liều. Vì muốn có tiền để trang trải cuộc sống, họ chấp nhận là người vận chuyển ma túy thuê, mỗi lần trót lọt được hưởng vài triệu đồng. Khi làm việc này, họ nghĩ đơn giản chỉ là một công việc được trả công chứ không nghĩ đó là hành vi phạm tội. Để rồi, cả 4 thanh niên ấy bị sa lưới pháp luật và phải nhận sự trừng phạt cao nhất: tử hình.

Lần lượt, từng người trong số họ kể câu chuyện về cuộc đời mình, trong giọng nói đứt quãng và ướt nhoèn nước mắt. Với họ, cuộc sống giờ chỉ giới hạn trong 4 bức tường hẹp của trại giam và mỗi khi nhìn thấy ánh sáng qua khung cửa sổ, họ biết được mình sống thêm một ngày nữa. Câu chuyện không dừng lại ở đó. Các quản giáo nơi đây cũng tâm sự rất nhiều về những day dứt, dằn vặt, ân hận của 4 tử tù này.

Tử tù Hạng Khua Ly trong trại giam và con trai của Ly với khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

Ngay cả khi bị bắt và đưa ra xét xử, ông Phó Chánh án TAND tỉnh Điện Biên cùng các thành viên trong Hội đồng xét xử cũng đã cân nhắc rất nhiều khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để rồi, khi tuyên bản án tử hình cho 4 bị cáo ấy, ông không khỏi buồn phiền và tiếc cho họ.

Nếu họ không phạm tội, nếu họ chăm chỉ lao động và không gục ngã bởi sự cám dỗ, nếu họ trước khi phạm tội mà nghĩ đến những người thân của mình, chắc chắn họ sẽ chùn tay. Là ông nghĩ và mong muốn vậy chứ tất cả đều đã muộn và điều đọng lại trong ông cũng như bao người khác là những nỗi đau như vết thương chẳng thể kín miệng.

Mạch chuyện tiếp nối bằng những hình ảnh vô cùng xúc động: Lối mòn dẫn đến căn nhà nhỏ liêu xiêu bên sườn núi, các cửa trống hốc trống hoác, đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá và trong ngôi nhà đó có một phụ nữ mới ba mươi tuổi mà đã có 4 đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi và đứa bé nhất chưa tròn một tuổi. Đó là nhà của tử tù Hạng Khua Ly.

Thời gian trôi một cách chậm chạp trong ngôi nhà xơ xác đó với những khuôn mặt buồn rười rượi của 5 mẹ con càng thấy rõ sự nghèo khổ, u ám đến thắt lòng. Nhưng nó lại là niềm hạnh phúc vô bờ nếu Ly không bị bắt và sống trong nếp nhà này, bên những người thân của mình.

Có một chi tiết khiến người xem xót xa đến nhói lòng. Đó là cảnh cha của Tủa là Chủ tịch HĐND xã Na Ư, còn cha của Dũng là Phó Chủ tịch HĐND xã Na Ư khi biết con bị bắt đã làm đơn từ chức. Đó là lựa chọn duy nhất để hai ông được thanh thản và sống tiếp. Rất may, trong số 4 tử tù trên, hai tử tù là Sùng A Dũng và Sùng A Mua sau khi làm đơn xin ân giảm án tử hình đã được Chủ tịch nước chấp nhận. Vậy là họ được sống. Còn Vừ A Tủa và Hạng Khua Ly sẽ phải trả án trong một ngày không xa.

Vợ và các con của Ly (Cảnh trong phim "Cảnh báo những tử tù tuổi đời còn trẻ" )Ảnh: Trần Nam Chung.

Đó là toàn bộ câu chuyện chân thực của chuyên mục "Phía sau bản án" có tên gọi "Cảnh báo những tử tù tuổi đời còn trẻ" sẽ được kênh ANTV phát số đầu tiên. Một câu chuyện mà khi những hình ảnh cuối cùng khép lại chắc chắn sẽ khiến bạn xem truyền hình còn lưu lại cảm giác xúc động, day dứt và âu lo. Cũng từ đây, họ sẽ có cái nhìn độ lượng hơn về những người đã từng sa chân vào tội ác và rút ra những bài học cần thiết cho mình.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, TBT Báo CAND, TBT Truyền hình CAND rất tâm đắc với chuyên mục này và là người đưa ra ý tưởng, cũng như chỉ đạo sát sao từ khâu kịch bản. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tâm sự: Tuy chỉ gói gọn thời lượng 30 phút nhưng với "Phía sau bản án", tất cả những câu chuyện riêng, những uẩn khúc, lời sám hối… của người phạm tội và người thân của họ được khắc họa sinh động, trở thành cơ sở định hướng và góp phần hoàn lương cho đối tượng.

Không những vậy, chương trình còn đi vào những khoảng trống mất mát, hụt hẫng và chông chênh sau biến cố của người phạm tội. Và sau tất cả những gì đã xảy ra, những người thực hiện chuyên mục trở thành cầu nối để chính những nạn nhân lên tiếng tha thứ cho kẻ phạm tội, mở ra con đường hoàn lương cho họ và đẩy sự "nhân văn" lên mức "nhân đạo". Vì vậy, biên độ của chuyên mục luôn mở rộng và "Phía sau bản án" vừa đảm bảo tính hấp dẫn, sâu sắc, minh bạch thông tin, vừa có tính tuyên truyền, giáo dục về pháp luật với mọi người dân.

Sau "Cảnh báo những tử tù tuổi đời còn trẻ", số thứ 2 của "Phía sau bản án" sẽ là "Nước mắt dưới chân núi Sào Khai", số thứ 3 là "Tình - tội"… Mỗi số, khán giả sẽ được khám phá những câu chuyện mới, nhân vật mới với cách kể dung dị nhưng thấm đẫm tình người.

Sự hấp dẫn của chuyên mục này chính là những câu chuyện thực, con người thực và được kể hết sức chân thực. Có thể nói đây là một chuyên mục đặc sắc, chuyên biệt và được thực hiện bởi những chiến sĩ Công an có tâm, có nghề, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của ANTV và mang đến cho khán giả những trải nghiệm đặc biệt.

* Từ 0h ngày 1/12/2011, truyền hình CAND đã phát sóng thử nghiệm trên kênh: Truyền hình cáp Việt Nam VCTV.

* Truyền hình CAND thuộc Bộ Công an, là kênh truyền hình chuyên biệt duy nhất của lực lượng Công an, được phủ sóng toàn quốc và ra nước ngoài.

* Truyền hình CAND phát sóng 24/24h mỗi ngày, qua các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh: Truyền hình cáp Việt Nam VCTV, Truyền hình cáp TP Hồ Chí Minh HTVC, Truyền hình cáp SCTV, Truyền hình kỹ thuật số VTC, My TV và hạ tầng truyền dẫn số mặt đất và số vệ tinh của AVG từ 11/12/2011.

* Với các chuyên mục: ANTT, thời sự, điện ảnh, ca nhạc, sân khấu… được phát sóng hằng ngày, ANTV đưa cả thế giới trong tầm tay bạn.

Nguyễn Tuấn
.
.
.