Thừa Thiên - Huế:

Phát hiện di tích văn hóa Chăm Pa tại vùng ven biển huyện Phong Điền

Thứ Ba, 22/03/2005, 07:25
Một bệ thờ với hoa văn thuộc nghệ thuật Đông Dương, niên đại từ thế kỷ IX – X vừa được tìm thấy đình làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.

Trong lúc khảo sát ngôi đình làng vào ngày 18/3, các chuyên viên bảo tồn bảo tàng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện một bệ thờ thường thấy trong các đền tháp của người Chăm tại khu đất cao và rộng, tục gọi là Cồn Mọi, nằm phía sau lưng đình.

Bệ thờ được làm từ chất liệu đá sa thạch, hình vuông, khắc thành hai tầng. Tầng dưới có kích thước 1,05m x 1,05m, cao 0,15cm; bốn mặt đều được chạm trổ hoa văn cách điệu. Tầng trên có kích thước 0,91m x 0,91m, cao 0,50m, không có hoa văn nhưng phía trên mặt có tạo lòng gờ lõm hình vuông, cạnh dài 0,68m (làm nền cho tượng thờ, nhưng hiện nay tượng thờ chưa tìm thấy).

Các chuyên viên còn tìm thấy ở khu nền đất phía sau đình làng có dấu vết đất nung và gạch hình khối chữ nhật, phân bố trên diện tích gần 500m2

Phan Thanh Bình
.
.
.