Phát hiện di tích kiến trúc thời Trần ở Hà Giang

Thứ Tư, 25/01/2006, 09:19

Mới đây, trong đợt kiểm tra khảo cổ học ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, các cán bộ chuyên môn ở Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã phát hiện một di tích khảo cổ học quan trọng. Đó là dấu tích một ngôi chùa cổ thuộc địa phận thôn Ngọc Thanh, xã Ngọc Linh.

Di tích phân bố trên gần đỉnh quả núi Nậm Dầu, nằm cách trung tâm thôn Ngọc Thanh khoảng 1km về phía tây, bên dòng sông Lô uốn lượn, tạo  nên bức tranh thiên nhiên thật thơ mộng. Hiện tại có một ngôi đền mới được dựng cách nay không lâu, nằm trong khuôn viên của di tích. Khảo sát trên bề mặt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số vật liệu xây dựng cổ như mảnh gạch, ngói, chân tảng đá không còn nằm nguyên vị trí ban đầu và phần lớn đã bị vỡ. Trong hố đào thám sát nhỏ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm di vật gốm đất nung nằm chồng chéo lên nhau ở độ sâu từ 20cm đến 55cm so với bề mặt. Chúng là những vật liệu dùng trong xây dựng đình chùa, nhà cửa.

Chiếm số lượng nhiều nhất trong số những di vật trên là những viên ngói mũi hài (còn gọi là ngói mũi sen). Đây là loại ngói được chế từ loại đất tốt, độ nung cao và thường có màu đỏ sẫm. Bản ngói có hình khối chữ nhật dẹt, phần đầu mũi khum cong và vuốt dày nhọn lên ở phần chính giữa trục dọc viên ngói. Đối diện với mũi nhọn là phần đuôi ngói phía dưới có mấu hình chữ nhật nằm ngang để lợp. Phần lớn số ngói này trên bề mặt được trang trí bằng 2 đường kẻ chạy song song với đường riềm ngói, tạo cảm giác nhẹ nhõm, bay bổng. Đây là loại ngói mang những đặc trưng kỹ thuật chế tác, kỹ thuật trang trí của ngói thời Trần. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy một số viên ngói bò dùng để lợp nóc, hoặc một số mảnh gốm trang trí có hoa văn cách điệu hình hoa lá, xen kẽ những nụ đinh.

Nổi bật hơn cả là những lá đề bằng đất nung. Loại di vật này thường là những bộ phận trang trí trên nóc nhà, được gắn trên lưng ngói bò hoặc đầu ngói ống. Chúng thường có hình lá đề rất cân xứng với mũi lá nhọn, vai xuôi phình to dần rồi lại thu vào, và hơi thót lên ở phần giáp với cuống lá. Phần riềm ngoài lá đề uốn lượn hình sin biểu tượng hình ngọn lửa uốn lượn theo hình chiếc lá đề. Đặc biệt chú ý là, trong lòng lá đề Nậm Dầu được trang trí hình các móc lá ôm lấy hình cây tháp cao tầng Phật giáo (5 tầng). Có thể nói đây là loại di vật thể hiện nghệ thuật điêu khắc rất tuyệt vời, đặc sắc được trang trí trong kiến trúc Phật giáo thời Trần. Ở Hoàng thành Thăng Long thời Lý, đã xuất hiện lá đề có hình tháp ở giữa, hai bên có rồng chầu. Tại khu di tích Ly Cung (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ cũng tìm thấy loại lá đề này có niên đại Trần.

Điều thú vị là, tại đây đã tìm thấy hình tượng con rồng được thể hiện qua dạng tượng tròn, hoặc trên phù điêu trang trí, đã phát hiện một đầu rồng to, có hai sừng, có bờm, râu, mào lớn (bị gãy). Phần thân rồng, tuy chỉ tìm thấy một đoạn bị vỡ cũng giúp hình dung được một thân rồng mập, uốn khúc hình “yên ngựa”, đang vận động theo phương nằm ngang. Trên lưng rồng có vây hình ngọn lửa, thân rồng có vẩy. Đây có thể là tượng rồng được gắn nóc mái kiến trúc.

Ở một mảnh gốm có trang trí hình rồng cho thấy thân rồng mập, uốn lượn hình sin, chân rồng có 3 móng, với một túm lông sau khuỷu chân.

Trên một số tiêu bản gốm trang trí có hình tượng hoa lá được chạm nổi nhẹ, uốn cong, mềm mại tạo thành dây rất đẹp mắt. Cũng có mảnh được điêu khắc hình giống con thạch sùng.

Tất cả những di vật trên đều mang những nét đặc trưng của vật liệu kiến trúc thời Trần, thế kỷ XIII-XIV.

Ngoài những di vật bằng đất nung, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chân tảng đá dùng để kê cột nhà trong hố thám sát. Chân tảng này là một tảng đá to có dáng khối hình học với một bề mặt khá phẳng.

Chưa tìm thấy đồ gốm sứ trong hố đào thăm dò, ngoại trừ một mảnh sành nhỏ. Căn cứ vào khối lượng lớn của vật liệu kiến trúc tìm thấy, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng đây là dấu tích của một nóc mái kiến trúc cổ đã bị sụp tại chỗ. Căn cứ vào các họa tiết trang trí trên vật liệu xây dựng, đặc biệt là loại lá đề có trang trí tháp nhiều tầng, có nhiều khả năng đây là di tích của một ngôi chùa cổ.

Dựa vào các đặc trưng họa tiết điêu khắc trang trí trên vật liệu kiến trúc tìm thấy, có thể đoán định ngôi chùa này được xây dựng vào thời Trần. Phát hiện này đóng góp lớn vào việc tìm hiểu lịch sử cũng như những giá trị văn hóa của văn minh Đại Việt thời nhà Trần ở vùng núi phía Bắc nước ta.

Đến nay, việc tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến di tích chùa cổ thời Trần vẫn đang được tiến hành. Sở Văn hóa - Thông tin Hà Giang và Bảo tàng tỉnh đã có những kế hoạch tiếp theo, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa của di tích trên

TS. Trình Năng Chung
.
.
.