Phát hiện bãi đá có hình vẽ thời tiền sử

Thứ Ba, 11/01/2005, 07:30

Trong đợt điều tra khảo cổ học ở tỉnh Hà Giang đầu tháng 12/2004, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hà Giang đã phát hiện di tích bãi đá có hình khắc vẽ thời tiền sử ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Đáng chú ý là trên một tảng đá to có diện tích bề mặt hơn 30m2 ở khu Nà Lai Shứ đã phát hiện hơn 40 hình khắc vẽ cổ.

Khu vực có di tích bãi đá nằm trong một thung lũng rộng, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc. Trên bề mặt thung lũng có nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm ngổn ngang dọc dòng suối. Trên bề mặt các tảng đá này thường khá bằng phẳng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trên một số tảng đá có hình khắc vẽ.

Có thể phân thành một số nhóm môtíp họa tiết trên tảng đá như sau:

Nhóm thứ nhất là những họa tiết hình học như hình tròn, hình tam giác, hình thang. Đây là mô típ họa tiết giữ vai trò chủ thể. Những hình tròn ở đây thường là những vòng tròn đồng tâm hoặc những vòng tròn đơn. Có hình tròn có 4 tia ở xung quanh có thể là biểu tượng mặt trời.

Nhóm thứ hai là những họa tiết hình bàn chân người. Những bàn chân thường là những bàn chân phải của người lớn và trẻ em, với kích thước to gần như thật, những ngón chân được khắc lõm sâu vào trong đá. Đây là mô típ thể hiện được xem là rất cổ trong nghệ thuật tiền sử.

Nhóm thứ ba là những biểu tượng sinh thực khí, chủ yếu là những biểu tượng nữ tính với hình tam giác có rãnh dọc ở giữa.

Nhóm thứ tư là họa tiết hình người được thể hiện trong tư thế giơ tay, dạng hai chân như chúng ta thường thấy trong các bích họa hang động thời tiền sử.

Nhóm thứ năm là những hồi văn hình vuông và hình tròn.

Nhóm thứ sáu là những hình khắc chưa xác định được hình dáng và ý nghĩa thể hiện.

Để tạo những hình khắc vẽ này, người xưa đã sử dụng kỹ thuật rất thô sơ là đục khắc trực tiếp trên bề mặt tảng đá. Những nét khắc chạm này thường có bề rộng khoảng 2cm, sâu chừng 1cm. Qua các mô típ họa tiết được thể hiện, chúng ta thán phục sự cần mẫn và bàn tay khéo léo của người xưa với những nét đục khắc khá đều đặn.

Nhìn chung những hình khắc vẽ này còn mang đầy tính biểu tượng, ước lệ, nhưng đó là những sáng tạo nghệ thuật tạo hình thời tiền sử. Như chúng ta đã biết, từ nhận thức cái đẹp đến sáng tạo nghệ thuật là cả một quá trình lâu dài trong lịch sử nhân loại. Chủ nhân của những hình khắc vẽ Xín Mần đã có khái niệm về thẩm mỹ, về cái đẹp bản năng trong đời sống thiên nhiên, trong sinh hoạt cộng đồng và đã thể hiện chúng trên đá.

Cho đến nay, ở Việt Nam, những dấu tích của nghệ thuật bích họa thời tiền sử được tìm thấy còn ít. Trước đây, tại hang Đồng Nội, tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trên vách hang đá những hình khắc vẽ mang tính ước lệ về động vật và khuôn mặt người. Ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều tảng đá có hình khắc vẽ cổ. Tuy nhiên, việc xác định niên đại của chúng còn gặp nhiều khó khăn bởi sự chằng chéo nhiều môtíp thể hiện trong nhiều thời kỳ khác nhau. Nhưng cũng có một số hình khắc vẽ cổ trên đá Sa Pa có phong cách tạo hình và môtíp đề tài thể hiện tương tự như những hình khắc họa ở Sín Mần, Hà Giang.

Dựa vào kỹ thuật tạo hình, vào đề tài môtíp thể hiện và so sánh với các di tích đồng dạng trong khu vực, bước đầu các nhà khảo cổ xác định những hình khắc vẽ cổ trên đá ở Xín Mần, Hà Giang là những bích họa thời tiền sử, có niên đại cách đây khoảng vài ngàn năm. Đây là những di tích quan trọng, có giá trị lớn về nghệ thuật tạo hình của tổ tiên ta, là di sản văn hóa của nhân dân ta.

Hiện nay, việc nghiên cứu các hình khắc vẽ cổ này vẫn đang được tiếp tục. Trước mắt chúng ta cần có kế hoạch bảo vệ và gìn giữ những di tích quý giá này

TS Trịnh Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam)
.
.
.