Phan Thanh Bình giải "nhiệt" hàng công

Thứ Năm, 06/11/2008, 09:51
Khỏi nói, ai cũng thấy hàng công của ĐTVN đang... "nhiệt" nặng. Cái "nhiệt" mà vì nó HLV Calisto đang đau đầu. Nhưng "đau đầu" là một nhẽ, làm gì để giải "nhiệt" lại là nhẽ khác.

Ai giải cứu hàng "công"?

Trong cái quĩ đạo 720 phút liên tục chưa thắng của ĐTVN, sự yếu kém của hàng công là một trong những nhân tố chính. Ở hàng "công", Calisto sở hữu một Lê Công Vinh - cầu thủ được cho là đắt nhất và sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. Thế nhưng sau khi ký hợp đồng tiền tỷ với T&T Hà Nội, dường như Công Vinh vừa đá vừa phải lo giữ chân để làm sao không bể hợp đồng.

Thế nên trong rất nhiều tình huống tranh chấp 5-5, Công Vinh đã không dám vào bóng hết cỡ chân như trước. Đã thế, sự phối hợp giữa Vinh với các tiền đạo còn lại là không tốt.

Cặp Công Vinh - Việt Thắng "tắc" trông thấy vì cả hai cầu thủ này đều là mẫu tiền đạo giỏi bứt tốc, tỳ đè, chứ không thuộc dạng một khoẻ - một khéo để bù lấp cho nhau. Cặp Công Vinh - Bảo Khanh cũng "tắc" vì ai cũng biết Bảo Khanh vốn là một tiền vệ biên, và việc ông Calisto táo bạo đẩy Khanh từ biên lên vị trí "hộ công" làm khó cho những pha di chuyển của anh này. Trận gặp CHDCND Triều Tiên, lần đầu tiên Calisto tung tiền đạo trẻ Quang Hải vào sân, tuy nhiên sự non nớt cả về kỹ năng chuyên môn lẫn khả năng điều chỉnh tâm lý của Quang Hải là thấy rõ.

Vì tất cả những lẽ này mà có rất nhiều thời điểm hàng công của ĐT đứng trước những cơ hội ghi bàn mười mươi, nhưng đều bỏ lỡ đáng tiếc. Và vì thế, ông Calisto đang rất đau đầu với việc tìm giải pháp gỡ rối.

Hiệu ứng Phan Thanh Bình…

Đúng lúc ĐTVN "tắc tịt" hàng công thì ở ĐT U.22 QG, tiền đạo Phan Thanh Bình lại liên tục toả sáng. Bình đã liên tục ghi bàn, góp công không nhỏ giúp ĐT U.22 đoạt cúp vàng Merdeka năm 2008.

Chính vì thế, ông Calisto đã quyết định gọi Bình trở lại ĐTQG với hy vọng Bình sẽ làm "phục sinh" một hàng công đang bế tắc. Câu hỏi đặt ra: Bình có làm được như Calisto kỳ vọng hay không?

Thật ra, thời Alfred Riedl, Phan Thanh Bình luôn có một suất cứng trên hàng công ĐT, bất luận đấy là ĐTQG hay ĐT U.22 QG. Ông Riedl ưu ái Bình đến nỗi nhiều người nhìn về ĐT là lại nói mát mẻ theo kiểu: "Thanh Bình à? Con nuôi ông Riedl đấy". Quả đúng là có những lúc, ông Riedl ưu ái Bình một cách lộ liễu. Chẳng hạn như tại AFF Cup 2007, cái giải đấu mà ai cũng nói Anh Đức xung hơn và đá cặp với Công Vinh tốt hơn, nhưng rốt cuộc, ông Riedl vẫn "chấm" Thanh Bình.

Tuy nhiên, lại có những lúc Thanh Bình cứu ĐT, cứu ông Riedl khỏi những bàn thua trông thấy. Cú "giải cứu" ngoạn mục nhất chính là cú "giải cứu" trong trận bán kết SEA Games 22 giữa U.23 Việt Nam với U.23 Malaysia trên SVĐ QG Mỹ Đình. Trận ấy, U.23 Việt Nam đã dẫn trước 3-1, nhưng bất thình lình lại bị gỡ hoà 3-3.

Thời điểm tỷ số 3-3 được thiết lập cũng là thời điểm trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Ai cũng nghĩ, hai đội sẽ phải đá thêm giờ. Vậy mà rất nhanh, từ một quả phạt góc cánh trái, cái đầu của Phan Thanh Bình đã "mọc" lên đúng lúc, găm thẳng quả bóng vào góc lưới.

Bàn thắng ở phút thứ 90+ ấy về sau được ví như "vàng ròng". Và nhiều người bảo nhờ cú ăn bàn "vàng ròng" ấy mà mối liên kết giữa Riedl với Phan Thanh Bình càng thêm phần bền chặt.

Đến thời Calisto thì Bình không được trọng dụng như thế nữa. Ông Calisto cho Bình đá khoảng chục phút trận gặp Indonesia rồi "ấn" anh cho ĐT U.22. Chỉ đến khi Bình bất ngờ toả sáng trong màu áo tuổi 22 thì ông mới quyết triệu hồi.

Bây giờ thì ông Calisto đang "tắc tịt" với một hàng công càng đá càng yếu, và càng tìm hiểu thì càng thấy có vấn đề. Thế nên ông đang rất hy vọng sự trở lại của Phan Thanh Bình sẽ làm cho hàng công ấy nhiệt hơn, lửa hơn và hiệu quả hơn.

Ngày 16/11 tới, ĐT đấu cùng Thái Lan trên sân Mỹ Đình. Ngày 16/11 tới có thể Bình sẽ được vào sân, và khi ấy người ta sẽ có một đáp án đầy đủ nhất cho một bài toán khiến ông Calisto và cả những người trên ông đang phải vắt tay lên trán mà lo

Diệp Xưa
.
.
.