Phải chân thực khi sáng tạo hình tượng nghệ thuật về Bác

Thứ Ba, 19/05/2009, 10:41
"Lời Người lời của nước non" là vở diễn thành công nhất từ trước tới nay trong số các vở diễn về hình tượng Bác Hồ mà Nhà hát Dân ca Nghệ An dàn dựng. Cảm động nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao từ chiều đã ra sân bãi đặt ghế, giữ chỗ ngồi để khi xem diễn "được gần Bác, nhìn thấy Bác rõ hơn".

Vở diễn "Lời Người lời của nước non" (kịch bản: Vũ Hải, chuyển thể dân ca: An Ninh; chỉ đạo dàn dựng: NSƯT Hồng Lựu; chỉ đạo nghệ thuật: Ngọc Ất, biên đạo múa NSƯT Thu Hà) của tập thể diễn viên Nhà hát Dân ca Nghệ An với lao động nghệ thuật sáng tạo và thành kính của mình, đã dàn dựng nên một thiên sử thi nghệ thuật, có sức lay động không chỉ với công chúng xứ Nghệ mà đã tới công chúng cả nước.

"Lời Người lời của nước non" là một trong những vở diễn  được chọn là công trình nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền, phục vụ cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổng kết năm thực hiện cuộc vận động 2008, "Lời Người lời của nước non" là một trong những vở diễn được Ban chỉ đạo TW chọn trao Giải thưởng "Công trình nghệ thuật xuất sắc".

Không có xung đột kịch tính, không có các tuyến nhân vật đối kháng, "Lời Người lời của nước non" là câu chuyện về Bác Hồ, về tình cảm của Người đối với quê hương đất nước, với đồng bào miền Nam, với học sinh các dân tộc Việt Nam, Anh hùng các LLVTND… Không gian vở diễn phản ánh hai lần Bác về thăm quê và nơi làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch trong suốt thời gian từ 1946 đến 1969.

Toàn bộ vở diễn chỉ một tuyến nhân vật quanh nhân vật chính là Bác Hồ trong muôn vàn tình thương yêu, được chuyển tải qua những làn điệu múa hát dân ca xứ Nghệ giàu chất trữ tình, ngọt ngào sâu lắng, có sức lay động diệu kỳ. 

Cảnh Bác Hồ với các AHLLVT quân giải phóng tại Phủ Chủ tịch.

Vở diễn lay động người xem ngay từ đêm diễn duyệt vào tháng 8/2007 và lay động hàng vạn khán giả đêm công diễn đầu tiên tại Nghệ An. Sức lay động của vở diễn thể hiện ở số lượng buổi diễn và tình cảm của công chúng đối với tác phẩm.

Từ tháng 8/2007 đến tháng 3/2008, Nhà hát Dân ca Nghệ An kín lịch mời của các địa phương, các doanh nghiệp nội tỉnh: 50 đêm diễn cho TP Vinh; 42 đêm diễn tại huyện Diễn Châu; 35 đêm ở Yên Thành; 15 đêm ở huyện miền núi Con Cuông, hàng chục đêm diễn khác cho các trường học…

Ở ngoại tỉnh, đầu tiên đoàn đã tới TP HCM. Với hàng trăm đêm diễn, Nhà hát phải huy động cả hai đoàn biểu diễn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu cho những bản hợp đồng biểu diễn dài ngày.

Vở diễn ngược lên Tây Bắc, Đông Bắc, vào tận miền Trung - Tây Nguyên, Nam Bộ và tới hầu khắp các quân khu, quân đoàn, các lực lượng CAND… phục vụ cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Rất đông công chúng đã không kìm nén nổi nước mắt khi Bác Hồ (NSƯT An Phúc, Hồng Dương thể hiện) xuất hiện trên sân khấu. Cảm động nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao từ chiều đã ra sân bãi đặt ghế, giữ chỗ ngồi để khi xem diễn "được gần Bác, nhìn thấy Bác rõ hơn". 

"Lời Người lời của nước non" là vở diễn thành công nhất từ trước tới nay trong số các vở diễn về hình tượng Bác Hồ mà Nhà hát Dân ca Nghệ An dàn dựng. Thành công ấy ngoài tài năng của Vũ Hải - tác giả kịch bản - là tài năng chuyển thể dân ca của An Ninh.

Rất nhiều làn điệu dân ca Nghệ An gốc được An Ninh lựa chọn đưa vào tác phẩm hợp lý trong từng hoàn cảnh nhân vật, qua từng lớp từng hồi, được các nghệ sỹ, diễn viên và dàn nhạc thể hiện một cách ngọt ngào, lắng đọng.

Tất cả làm nên thiên sử thi nghệ thuật, tái dựng nên hình tượng Hồ Chí Minh vĩ đại mà gần gũi thân thương, giáo dục người xem học tập tư tưởng, đạo đức và tình yêu bao la của Bác Hồ, vươn tới chân - thiện - mỹ, sống tốt đẹp hơn để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh như mong ước của Người.

Vinh dự được nhận giải thưởng nhưng trong tâm sự của mình, Giám đốc Nhà hát Dân ca Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Ất vẫn băn khoăn. Theo ông thì "Lời Người lời của nước non" là công trình nghệ thuật sử thi chưa đạt tới mức hoàn thiện.

Đáng tiếc một vài chi tiết do đã quá coi trọng thư pháp hư cấu mà có lúc đi quá xa sự kiện lịch sử có thật.

Ví như chuyện cụ Nguyễn Thị Thanh ra thăm Bác Hồ năm 1945 chẳng hạn, trong vở diễn cả ngôn ngữ nhân vật, khung cảnh lịch sử chưa thực sự thuyết phục người xem.

Hư cấu về lãnh tụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tôn trọng bản chất sự kiện lịch sử mới có sức lan tỏa. Hy vọng vở diễn sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện để tiếp tục đưa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đồng bào cả nước chân thực, xúc động hơn

Tố Lan
.
.
.