Phải biết “tự trào”

Thứ Tư, 07/06/2006, 07:55

Trong mẩu chuyện về một nhân vật đương đại, hình ảnh nhân vật “đức ông chồng” được thể hiện là một người tốt, nhưng để “tôn vinh” ông lên, tác giả bài viết lại vô tình “hạ thấp” phu nhân của ngài.

Trước đây, trên VNCA, tôi đã đưa in bài “Kể chuyện danh nhân đâu có dễ?”. Lần này, tôi xin đi vào một số cái “khó” nữa mà các tác giả của những chuyên mục “Chuyện làng văn nghệ”, “Giai thoại văn học”... dễ gặp phải. Và cũng để cắt nghĩa tại sao những mục này đều có những thiếu hụt, chỗ “khuyết” na ná nhau, không dễ duy trì thường xuyên.

Không làm thống kê nhưng tôi đoán chắc rằng, những bài thuộc những chuyên mục nói trên mà các báo đã cho đăng đa phần là chuyện kể về người đã khuất. Thôi thì, người đã khuất, ai muốn vẽ râu vẽ ria, thêm mũ thêm mão thế nào chả được, nhất là với những danh nhân ở mãi tít tận bên tây, bên tàu, sống cách chúng ta tới vài trăm năm, “chút chít” nào biết được mà đính chính cho? Vả chăng, vì là chuyện vui, nên giả sử chỗ này chỗ nọ có “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì người đọc cũng xác định “chuyện vui chép nhặt dông dài”, miễn là “mua vui cũng được một vài... phút giây” là đủ rồi, có chi phải bận lòng?

Chính vì lẽ ấy mà người đọc có thể bắt gặp trên các báo nhan nhản những loại chuyện như thế, chỗ thì đề là “dịch”, chỗ thì đề “sưu tầm”, chỗ không đề gì khiến người ta ngỡ tưởng  “chủ nhân” của chúng ngồi nhà sáng tác ra. Chỉ có điều, cái gì cũng vậy, trở đi trở lại nhiều quá cũng hóa nhàm. Vui cười lặp lại nhiều lần quá cũng đâm... nhạt.

Bởi vậy, các báo ngày càng có nhu cầu giới thiệu những chuyện vui, chuyện lạ về các nhân vật đương đại. Tất nhiên, “món ăn tươi” bao giờ chả ngon. Nhưng “tươi” thì “tươi” trước nhất với người đọc, chứ với tác giả của những mẩu chuyện ấy thì có khi “tươi” chưa được bao lâu đã phải... “héo” mặt.

Chẳng hạn, có bài báo nọ sau khi được “xuất xưởng” độc giả rất lấy làm thích thú. Có người viết thư gửi tòa soạn ngợi khen. Nhưng chỉ chưa đầy một ngày sau khi báo ra, người được nhắc tới trong mẩu chuyện kia đã gọi điện chất vấn biên tập viên, gửi thư kiện tới Tổng biên tập. Đến độ, tác giả của những mẩu chuyện ấy - mặc dù viết với dụng ý tốt - vẫn buộc phải tìm đến nhà vị nọ để “giải trình” cho vị xuê xoa, yên chuyện.

Thì ra, trong mẩu chuyện đó, hình ảnh nhân vật “đức ông chồng” được thể hiện là một người tốt, nhưng để “tôn vinh” ông lên, tác giả bài viết lại vô tình “hạ thấp” phu nhân của ngài, thành thử niềm vui không trọn vẹn, nhất là khi “lệnh bà” đọc được, “lệnh bà” hậm hực với ông ra mặt, vì chuyện ấy chỉ có đức ông chồng kể ra, tác giả bài báo mới biết.

Ở đây cho thấy sự chưa cẩn trọng của người viết. Cuộc đời có những điều rất tế nhị. Ngồi nói chuyện riêng với nhau thì được, nhưng đưa công khai lên mặt báo thì họ lại không thích và bất lợi. Nên hiểu điều này để tránh va vấp và thông cảm được với những phản ứng - kể cả của người được mình đặt bút viết lời ngợi ca.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có những phản ứng một cách thái quá. Rõ ràng, có những mẩu chuyện viết về nhân vật này nhân vật khác, người đọc thấy hình ảnh họ tuy hơi ngờ nghệch một chút, nhưng phải nói là rất nghệ sĩ, rất đáng yêu. Vậy mà họ không ưng và phản ứng lại với tòa báo bằng những hành động không có vẻ gì là đáng yêu và hóa ra lại rất... ngờ nghệch!

Thậm chí, có những người rất hay đùa tếu táo khi trả lời phỏng vấn, song khi được người khác đùa lại (cũng với câu chuyện tương tự) thì lại có phản ứng quyết liệt. Mới thấy, thế hệ cháu con về mặt này hơi “nóng tính” và chưa hẳn đã bản lĩnh bằng các bậc cha ông ngày trước. Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azít Nêxin - tác giả tập truyện ngắn “Những người thích đùa” từng dịch in nhiều lần ở Việt Nam - khi sang nước ta đã có nhận xét “dân tộc Việt Nam là dân tộc của những người thích đùa”.

Ông còn cho rằng: Một xã hội mà con người biết cười, biết đùa là một xã hội đang hướng tới sự phồn vinh, văn minh. Chỉ tiếc là nhiều văn nghệ sĩ của chúng ta còn quá “trang nghiêm”, thích đùa người khác chứ không dám đùa với chính bản thân mình. Trong khi các cụ nhà ta ngày trước: Lúc thì làm thơ tự giễu, lúc thì tự vịnh, tự trào (chẳng thế mà ai đó đã đúc kết rằng: biết tự giễu mình là đặc tính của các vĩ nhân). Này kia, Tú Mỡ ghẹo Tản Đà, Nguyễn Công Hoan trêu Tú Mỡ... Các vị đùa với nhau thông minh và lịch lãm quá. Ước sao thế hệ con cháu “mạnh dạn” hơn nữa, biết vượt qua những e ngại này nọ, để cho cuộc sống luôn đầy ắp tiếng cười. Các chuyên mục giải trí văn nghệ không phải vời mãi các bậc cổ nhân vào làm chủ tọa cuộc vui của chúng ta ngày hôm nay

.
.
.