Pakistan yêu cầu UNICEF tước chức vụ của Hoa hậu thế giới người Ấn Độ

Thứ Sáu, 23/08/2019, 18:32

Pakistan đã yêu cầu UNICEF tước bỏ vai trò Đại sứ thiện chí UNICEF của nữ diễn viên Ấn Độ Priyanka Chopra, vì cho rằng cô này có phát ngôn “ủng hộ chiến tranh” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước liên quan đến khu vực Kashmir.

Hoa hậu thế giới 2000 kiêm nữ diễn viên Ấn Độ bị Pakistan phản đối vì phát biểu mang tính "ủng hộ chiến tranh". Ảnh Getty Images. 

Trong một bức thư gửi đến Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Henrietta Forre và cũng được đăng tải trên mạng xã hội ngày 22-4, Bộ trưởng Nhân Quyền Pakistan Shireen Mazari đã yêu cầu nữ diễn viên 37 tuổi, kiêm cựu Hoa hậu Thế giới, phải bị tước bỏ chức vụ Đại sứ thiện chí của UNICEF ngay lập tức.

Chopra bị cáo buộc ủng hộ chiến tranh bằng cách công khai tán thành lập trường của chính phủ Ấn Độ về Kashmir, khu vực tranh chấp từ lâu và được cả hai nước Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền toàn bộ.

Đầu tháng vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố tước bỏ quyền tự trị của bang Jammu và Kashmor, một phần của lãnh thổ thuộc khu vực Himalaya. Ấn Độ sau đó đã thiết lệnh giới nghiêm, cắt điện và cắt liên lạc ở khu vực này trong một thời gian. Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội từ cả Pakistan và dẫn đến các cuộc biểu tình về Kashmir trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Mazari cho biết lập trường của chính phủ Ấn Độ với khu vực Kashmir do nước này kiểm soát đi “ngược lại các nguyên tắc hòa bình và thiện chí và cô Chopra đáng nhẽ phải có nghĩa vụ tôn trọng trên cương vị của mình”.

“Lời nói đùa của cô này và sự ủng hộ của cô dành cho các hành vi vi phạm của chính phủ Modi đối với các công ước quốc tế đã làm giảm uy tín của Liên Hợp Quốc. Trừ khi cô này bị loại bỏ khỏi vị trí đó ngay lập tức, nếu không ý niệm về Đại sứ thiện chí vì hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ trở thành một sự nhạo báng toàn cầu”, Bộ trưởng Mazari nói thêm.

Ngày 22-8, một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cho biết các phát biểu của đại sứ thiện chí không phải lúc nào cũng đại diện cho UNICEF mà chỉ trong những trường hợp nhất định. “Khi họ nói trong phạm vi cá nhân, họ có quyền nói về các lợi ích hoặc mối quan tâm của họ. Những quan điểm cá nhân của họ không phản ánh quan điểm của cơ quan mà họ có thể đang đại diện”, phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết.

Những chỉ trích của Pakistan đối với cựu Hoa hậu thế giới đến từ những bình luận mà cô này đưa ra hồi đầu tháng này và cả một tweet được đăng tải vào tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, ngày 26-2, khi hai nước láng giềng Nam Á sở hữu hạt nhân đang trên bở vực chiến tranh sau vụ đánh bom ở một ngôi làng ở Pakistan, Chopra có đăng trên Twitter: “Jai Hind #IndianArmedForces”, dịch nôm na là “Ủng hộ Ấn Độ”.

Chopra, người đã mời Thủ tướng Ấn Độ Modi đến dự đám cưới của cô với ca sĩ Nick Jonas, đã bị chỉ trích vì “yêu nước mù quáng” và “tỏ ra thiếu thiện cảm” với sự đau khổ của người dân Kashmir.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.