PGS - nhạc sĩ Chu Minh: Người nghệ sĩ hiến cho đời nhiều chứ đời cho mình được mấy

Chủ Nhật, 05/09/2010, 10:45
Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Chu Minh đã có nhiều ca khúc để đời như “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”. Hai ca khúc viết ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau và đã trở thành các tác phẩm lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Người nhạc sĩ cách mạng giờ đã thôi thời tuổi trẻ, ông đã ngoài 80, hướng đôi mắt ra ban công lộng gió khẽ nói: "Người nhạc sĩ mà công chúng biết được đến mình là tốt lắm rồi. Người nghệ sĩ hiến cho đời nhiều, chứ đời cho mình được mấy đâu".

Cũng không mấy người biết rằng trong những năm tháng chiến tranh chống không quân Mỹ phá hoại miền Bắc, tàn phá miền Trung ông đã có mặt ở những cung đường ác liệt nhất để thực tế sáng tác. Ngay sau khi Bác mất, ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” được chọn phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lễ truy điệu Bác Hồ. Khi đất nước thống nhất, ca khúc đầy hào sảng “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu sau sự kiện 30-4.

Vốn biết ông là người giản dị và rất kín tiếng, ngại gặp nhà báo, nên nhân dịp ngày trọng đại của đất nước - ngày 2-9 - tôi đã đánh bạo, ngỏ ý gặp ông để hỏi về những ca khúc của riêng ông đã góp phần làm nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Người thầy của bao nhiêu thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, thật may cho tôi là ông đã nhận lời... Và câu chuyện ông chỉ xoay quanh chủ đề âm nhạc.

Nhạc sĩ Chu Minh: Nói về ca khúc "Người là niềm tin tất thắng" thì có nguồn gốc thế này. Mấy hôm trước ngày 2/9/1969 tôi nhận được tin của anh Bảo Nhị Lang nhờ người nhắn tin cho tôi nói Bác mệt nặng lắm, mình rất lo lắng. Rồi sau đấy nhận được tin Bác mất, một nỗi buồn đau thương mênh mông ập đến với tất cả mọi người, ai cũng khóc thương Bác. Những ngày đó cả dân tộc chìm trong nước mắt. Khi Bác mất, cả mấy hôm trời đều đổ mưa. Tôi đã nghĩ cần phải viết ca khúc về Bác nhưng Bác vĩ đại quá nên không biết bắt đầu từ đâu. Cái khó nhất của người sáng tác là không biết bắt đầu từ đâu để mà đặt bút.

Lúc đó, suốt mấy ngày liền, tôi cùng rất nhiều anh em nhạc sĩ khác thấp thỏm đứng ngồi không yên vì không biết đăng ký như thế nào để được vào thăm Bác, liệu có được viếng Bác hay không? Mong ước mãi rồi cũng thành hiện thực, buổi sáng ngày 9-9 năm đó, tôi đi cùng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào thăm Bác. Quân đội ưu tiên cho các anh em nhạc sĩ được đứng gần Bác.

Đêm hôm đấy mang một cảm xúc xốn xang kỳ lạ, tôi về viết một mạch bài hát "Người là niềm tin tất thắng". Sáng tác là phải lấy cảm xúc cao nhất. Thời của chúng tôi là viết sự kiện. Nhưng biến một sự kiện lịch sử  thành tác phẩm là cực kỳ khó. Nhưng sự kiện là một chuyện, sự kiện qua rồi  còn đọng lại cái gì mới là khó nhất trong sáng tác. Mà viết sự kiện thì phải sáng tác kịp thời, tôi có cái may là được vào viếng Bác.

- PV: Chọn phương thức thể hiện ca khúc về Bác để thể hiện trong lúc này là điều khó. Ở châu Âu, người ta hay viết hành khúc tang lễ cho người đã khuất. Ở ta dù muốn hay không cũng dễ rơi vào tình trạng như vậy. Nhưng ông đã chọn chất anh hùng ca, hào sảng, phóng khoáng để thể hiện tình cảm của mình...

- Nhạc sĩ Chu Minh: Những nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng sáng tác hành khúc tang lễ, mang tính bi thương. Tôi tỉnh hơn, tôi không bi lụy, tôi có đọc bài của người anh hùng Fidel viết về Bác. Lúc đó tự nhiên âm nhạc cứ thấm vào tôi, cảm xúc thăng hoa dẫn dắt. Khi viết ca khúc tôi đã chủ tâm dùng dàn nhạc giao hưởng để đệm. Sau khoảng chục hôm tính từ ngày Bác mất, Hội Nhạc sĩ  nhận được 1.500 ca khúc viết về Bác của tất cả các nhạc sĩ ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Miền Nam gửi ra cũng nhiều lắm, trong đó có bài của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Hội đồng đã tuyển chọn mấy bài xuất sắc...

- PV:  Theo cháu được biết, trong 1.500 ca khúc viết về Bác thì bài "Người là niềm tin tất thắng" đã được duyệt đứng đầu bảng để hát trên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam ngay sau khi Bác mất.

Nhạc sĩ Chu Minh: Bài có câu 4 chữ rất quan trọng “Đất nước nghiêng mình đời đời nhớ - ơn tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi đấy làm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ mới bảo: "Mày nghĩ ra câu này hay quá, tao chịu thôi không thể nghĩ ra được". Lời hai:  Tôi viết về Bác với thế giới. "Thế giới nghiêng mình đời đời nhớ ơn đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Người là ước mơ của các dân tộc. Tiếng Người vang vọng mãi đến mai sau nguyện bước theo con đường Bác đi... Vì độc lập tự do đường lên phía trước, dựng màu cờ sao. Hồ Chí Minh. Bác Hồ Chí Minh. Ôi trái tim Người nặng nghĩa bốn  phương...".

Viết xong rồi tôi chỉ mong cho đến sáng để bảo với vợ mời ca sĩ Bích Liên đến nhà thử giọng hát. Bích Liên khi đó đã rất nổi tiếng với giọng hát truyền cảm "Về đây với đường tàu" của Lưu Cầu và "Chào anh giải phóng quân" của Hoàng Vân. Nhà tôi ở phố Hàng Chiếu, Bích Liên cũng ở gần ngay đấy, nghe thấy bảo có bài hát về Bác, thế là tất tả chạy sang. Lúc hát Bích Liên cứ khóc. Tôi bảo: "Em không thể khóc được, không thì nguy hiểm. Phải biến đau thương thành ca ngợi mà chủ yếu bài này là như vậy. Nếu không thì rườm rà, cho nên lời phải dõng dạc, hùng tráng...". Bích Liên gạt nước mắt đi, cất đau thương để thể hiện một cảm xúc khác.

Nói với Bích Liên như vậy, nhưng khi viết xong bài hát trong đêm hôm đấy tôi cũng ốm luôn vì quá xúc động. Vừa mới ốm khỏi thì sau ngày Bác mất một tháng có đêm nhạc tổ chức ở Nhà hát Lớn hát những ca khúc cách mạng. Bài hát "Người là niềm tin tất thắng" khán giả vỗ tay ghê lắm, tôi cũng không thể ngờ...

Nhạc sĩ Chu Minh (đứng giữa) trong một chuyến thực tế sáng tác ở dàn khoan.

- PV: Bài hát đó gây tiếng vang ngay từ khi ra đời cho đến giờ. Và, có thể khẳng định chắc chắn đấy là một trong những ca khúc hay nhất về Hồ Chủ tịch kính yêu. Nhưng thưa nhạc sĩ có ai đó có ý kiến này kia về bài hát không ạ?

- Nhạc sĩ Chu Minh: Có một nhạc sĩ cũng nổi tiếng lắm nói với tôi: "Sao ông lại để nhiều dấu thăng thế?". Tôi mới bảo: "Không sao đâu, tôi đã thử trên đàn piano rồi. Tôi viết thế kệ tôi, dân người ta nghe thích là được rồi". Ông nhạc sĩ không chịu: "Như thế dân khó hát...". Tôi bảo: "Không, người Việt Nam hát bằng cảm nhận của âm thanh chứ hồi xưa có ai học nhạc ở phổ thông đâu". Bài hát được phát lên đài qua giọng ca của NSƯT Bích Liên, công chúng chép lại và quả nhiên là họ đã hát được ngay.

- PV: Một ca khúc cách mạng rất nổi tiếng nữa của ông là "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" cũng được viết trong bối cảnh lịch sử thật đặc biệt. Chiến tranh rất khắc nghiệt và ác liệt nhất tại dải đất miền Trung trong những năm chống Mỹ. Đó là năm 1972, khi mà Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc với cường độ ác liệt nhất.

- Nhạc sĩ Chu Minh: Chuyện sáng tác này tình cờ thôi, năm 1972, anh Hoàng Trung Thông đưa cho tôi tập thơ của anh để nhờ gửi về chọn thơ đăng báo Văn nghệ. Tôi đọc thơ anh thì có một bài thơ rất ngắn có tựa đề hai chữ "Đầu sóng". Tôi thấy bài thơ hay, rồi nghĩ hay mình thử chắp cánh xem sao. Vừa vặn lúc đấy nhận được tin Mỹ phong tỏa Hải Phòng. Tại thời điểm đó, miền Bắc có duy nhất cảng Hải Phòng, tình thế khó khăn. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén, nhận tin bị phong tỏa ở Hải Phòng, lại đọc bài thơ với tâm trạng như vậy và những ký ức mình suốt 3 lần đi thực tế trên các con đường mòn Hồ Chí Minh vào những năm trước ùa về, thì mới bật ra được bài hát "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam". Tối hôm đấy tôi viết nhạc cho bài hát, sáng hôm sau gọi Hoàng Trung Thông đến tôi hát anh nghe, anh xúc động lắm, vì cũng không ngờ thơ phổ nhạc ra bài hát hay thế.

- PVHãy khoan bàn đến chuyện âm nhạc, câu "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam"  bản thân đã có sức mạnh lắm rồi, nghe hào sảng và dạt dào nội lực. Câu này cho đến tận bây giờ vẫn được sử dụng thành tít bài cho các bài báo... Câu đó là có ở trong thơ của Hoàng Trung Thông hay của nhạc sĩ  viết thêm ra ạ?

- Nhạc sĩ Chu Minh: Cái tên đấy là do tôi đặt cho, nếu tên bài hát là "Đầu sóng" thì thấy thiếu, chưa truyền tải hết được, tôi thêm vào: "Ta đứng đầu ngọn sóng giữa dòng thời đại", tôi thêm "Thác lũ cuộc đời". Bài hát ngắn quá, tôi bảo Hoàng Trung Thông: "Ông viết thêm lời hai đi để cho bài hát được hoàn chỉnh". Thế là chưa đầy 15 phút sau anh ấy đã viết xong. Khi tôi phổ nhạc cho bài hát hoàn chỉnh thì Hoàng Trung Thông hồ hởi nói với tôi: "Chưa cần đăng thơ ở báo Văn nghệ nữa, anh sắp nổi tiếng rồi. Em phổ nhạc bài này là anh sẽ trở thành người nổi tiếng đấy"... Và đúng là bài hát được nhiều người yêu thích và có chỗ đứng trong lòng quần chúng nhân dân... Nhưng tiếc cho tập thơ của Hoàng Trung Thông bởi nhiều bài thơ hay đã bị bom cháy trong chiến tranh.

- PV: Nhạc sĩ viết bài hát đấy ở tại chiến trường hay ở Hà Nội ạ?

- Nhạc sĩ Chu Minh: Tôi viết bài hát ấy là khi ở nhờ nhà ông anh vợ ở phố Hàng Chiếu đấy. Căn phòng tôi ở bé xíu, mỗi khi người ta muốn vào nhà thì lại đi qua cái buồng của mình. Lúc đấy Hội Nhạc sĩ cũng đã cấp cho một cái nhà ở phố Cầu Giấy khoảng chục mét, nhưng đi lại xa quá, nên tôi ở nhờ nhà trên này tiện cho việc đi lại hơn. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận cầm ca khúc "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" kêu với tôi: "Mày ở thế này mà sáng tác được thì tao chịu mày đấy". Tôi bảo: "Không sao, chủ yếu là do mình thôi...". Bài hát sáng tác về đêm rồi tôi viết xong mà lại không dám thử piano, vì sợ mình đánh đàn thì mất giấc ngủ của mọi người, nên háo hức trằn trọc mong cho đến sáng đợi để thử đàn. Cây đàn đấy là đàn piano cũ của Pháp do cô bạn gia đình tư sản ở Hà Nội cho mượn để sáng tác.

- PV: Đã ba lần đi trên đường mòn Hồ Chí Minh, hẳn nhạc sĩ có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ...

- Nhạc sĩ Chu Minh: Kỷ niệm thì nhiều lắm, Hội Nhạc sĩ cho chúng tôi đi thực tế. Trong giai đoạn ác liệt đó thì không gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, tên đấy sau này mới có. Còn lúc đó người ta lấy số để đặt tên cho đường. Lần thứ nhất vào năm 1966 tôi đi con đường 16. Lần thứ hai vào năm 1969 tôi đi con đường 18. Và lần thứ ba, năm 1972 tôi đi con đường 20. Con đường 18 tôi đi cùng anh Trọng Bằng và Hoàng Vân, một tuần đi bộ mới về được đến Nam Hà.

Đường 20 là con đường ác liệt nhất, bom đạn rơi như trút trên mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị, Hà Tĩnh chính là mảnh đất mà 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc hy sinh. Lúc đó, nhóm nhạc sĩ chúng tôi gồm Tân Huyền, Hồng Đăng, Lê Lôi, An Chung, Văn Dung cả nhóm mang từ Hà Nội đi được 2 cây đàn ghita đến gần binh trạm của ta trên đất Hà Tĩnh thì cũng là lúc bom Mỹ vừa mới thả. Xe ôtô không qua được, chúng tôi xuống đi bộ. Tối trời, mình bấm đèn pin thì thấy xung quanh cả một khoảng không gian trên gò cao toàn ngôi mộ chưa xanh cỏ. Nhiều người hy sinh quá. Trên những ngôi mộ có ghi tuổi của người đã mất. Người nhiều tuổi nhất mới có 21 tuổi. Cảm xúc mạnh cứ ùa vào, chả ai nói với ai câu nào cả, cứ lùi lũi đi bên những ngôi mộ cho đến sáng thì tới binh trạm...

- PV: Trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, những bài hát hay và gây ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng chính là trong những chuyến đi thực tế của các nhạc sĩ lúc bấy giờ...

- Nhạc sĩ Chu Minh: Đúng rồi, mỗi con đường đi qua đều rất ác liệt, các nhạc sĩ sáng tác được nhiều ca khúc lắm. Như bài hát "Đường đi trăm nẻo" nói về giao thông, hay "Lời ca mở tuyến" nói về thanh niên xung phong là tôi viết ở trên ôtô khi thấy hai bên đường toàn thanh niên xung phong, cảm xúc đến với chúng tôi dạt dào khó tả lắm. Anh Văn Dung sau này về Hà Nội thì có bài "Những cô gái Trường Sơn đêm đêm đi mở đường". Mới sáng sớm, Văn Dung đã gõ cửa phòng bảo đêm qua anh sáng tác xong bài hát này thì đến gặp và hát cho tôi nghe luôn.  Nghe Văn Dung hát xong, tôi đang nằm bật dậy bảo: "Cậu viết bài hát này có hình bóng của cô Thi". Văn Dung bảo: "Cậu nói đúng đấy...". Trước đấy, khi tới binh trạm, nhạc sĩ chúng tôi xem báo tường rất ấn tượng một bài thơ viết rất hay, chữ nắn nót. Hỏi ra mới biết bài thơ ấy là của cô thanh niên xung phong tên Thi, mới có 19 tuổi. Sau đó, chúng tôi cũng gặp được cô ấy. Cô trẻ và xinh lắm, nhưng khi chiến tranh kết thúc, mọi người tập kết ra Bắc về Hà Nội, cô ấy trúng bom bị thương nặng...

- PV: Một thời bom đạn, hy sinh và mất mát nhưng cũng đầy hào sảng và lãng mạn. Các ca khúc sống được là nhờ sự thăng hoa của người nhạc sĩ bay trên thực tại...

Nhạc sĩ Chu Minh: Thời đó lãng mạn lắm. Lãng mạn không có nghĩa là ảo vọng, biết vượt qua cảnh điêu tàn. Âm nhạc thì phải để cho nó bay chứ âm nhạc mà khô như ngói thì không được. Âm nhạc là cái hồn của mọi cái. Ngôn ngữ âm nhạc của thời đó lãng mạn. Bây giờ trong sáng tác âm nhạc thật là tiếc vì không còn ngôn ngữ đó nữa rồi.

Người nhạc sĩ cách mạng giờ đã thôi thời tuổi trẻ, ông đã ngoài 80, hướng đôi mắt ra ban công lộng gió khẽ nói: "Người nhạc sĩ mà công chúng biết được đến mình là tốt lắm rồi. Người nghệ sĩ hiến cho đời nhiều, chứ đời cho mình được mấy đâu".

Câu nói của ông ám ảnh tôi...

Trần Mỹ Hiền - Chuyên đề An ninh thế giới số 990
.
.
.