Ông ngoại tôi - nhà văn Nguyên Hồng
Thuở bé, tôi là một đứa trẻ rất khó ngủ, mẹ tôi nói vậy. Khi còn phải bế ẵm thì bố và mẹ hát ru hết bài này đến bài khác, nhìn xuống con vẫn thấy mắt mới chỉ gà gà. Đến tuổi mẫu giáo thì mẹ kể hết chuyện nọ đến chuyện kia (hết cả vốn chuyện của mẹ rồi) mà vẫn chưa đưa tôi được vào giấc ngủ. Có lẽ vì thế mà tôi được nghe mẹ kể nhiều chuyện chăng? Những câu chuyện đã đi vào tâm khảm non nớt của tôi khiến tôi ghi nhớ mãi.
Hồi ấy ở xóm Cầu Đen, Nhã
Bà đã già thế nhưng lại rất khó tính và "ác"! (trẻ con nghĩ thế), không gần gũi với ai, hay mắng chửi trẻ con (trong số ấy có mẹ tôi) mỗi khi chúng lân la vào mảnh vườn của bà để nhặt táo rụng hay bẻ trộm vài quả ổi. Đã vài lần mẹ tôi đánh bạo vào ngôi nhà vắng lặng của bà, chủ yếu là để thoả chí tò mò thì thấy trong nhà bà chả có nổi một thứ tài sản gì!
Trong xóm Cầu Đen mà mẹ tôi ở hồi đó còn có một người đàn bà nữa cũng bất hạnh không kém, đó là bà Tốn, bà là vợ hai ông Tốn nhưng lại không có nổi một mụn con với ông. Khi ấy bà đã già lắm, ông Tốn đã mất. Bà ở với 2 đứa con chồng, một trai, một gái. Chúng để bà sống cô quạnh trong một túp lều xiêu vẹo mà đứa con trai chồng bà làm cho ở một góc vườn. Khi còn khoẻ bà sống bằng nghề làm thuê, ai thuê gì bà làm nấy. Về già chẳng ai thuê bà nữa thì bà sống bằng nghề mò cua bắt tép qua ngày. Cuộc sống của bà bấp bênh bữa đói, bữa no. Có những kỳ bà ốm nằm một mình trong túp lếu rách nát. Các con chồng có đứa nào thương mẹ ghẻ! Thế là cuộc đời bà cứ trôi đi trong đói khát và buồn tủi như thế.
Vào năm 1959, ông ngoại tôi, với bản tính khảng khái, không chịu nổi cái không khí ngột ngạt trong đời sống văn nghệ thời "Nhân văn giai phẩm" đã bỏ Hà Nội mà trở về lại Cầu Đen vùng Nhã Nam, Yên Thế, nơi một thời là nơi ở của các gia đình và nơi đi về trong kháng chiến của các nhà văn Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng... Nơi có thời được vinh danh là "Đồi văn hóa". Ông về đây để hoàn thành những tác phẩm lớn của đời ông mà ông đã ấp ủ, nung nấu suốt từ thời đầu cách mạng và trong những ngày ông bị đế quốc Pháp giam cầm ở Bắc Mê, Hà Giang.
Ông viết bộ tiểu thuyết "Cửa biển" (Sóng Gầm, Cơn bão đã đến...) ông viết truyện ngắn "Truyện cái xóm tha hương", "Ở cửa rừng Suối Cát", và "Con hùm con mồ côi", ông làm thơ "Ngày mùa thu đưa con lớn đi học"... Trong những ngày ấy, cuộc sống của gia đình ông bà tôi cực nhọc lắm. Vì "bỏ Hà Nội" nên cũng "bỏ" luôn cả sổ gạo và tem phiếu. Bà tôi và các bác tôi, mẹ tôi đều phải tham gia vào HTX nông nghiệp. Ngoài giờ đi học, mẹ tôi và các cô, bác tôi cũng đi chăn trâu, cắt cỏ cho HTX để lấy công điểm, mà nào có được là bao?
Năm nào nhà ông bà tôi cũng bị ít công điểm nhất HTX, năm nào cũng bị thiếu gạo ăn, tháng ba ngày tám là những tháng ngày ông bà tôi chạy vạy vất vả ngược xuôi để lo đủ miếng ăn cho cả một đàn con đang tuổi ăn học, những ngày tháng ấy đến giờ mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn kể cho chị em tôi nghe. Đầy cảm động!
Vượt qua tất cả những khó khăn, ông ngoại tôi vẫn viết khỏe, viết đều. Những đêm khuya chong đèn dầu để viết, ông tôi thường ăn cơm tối rất muộn. Ông tôi thường ăn sau bà tôi và các con. Những buổi tối mùa đông rét mướt ấy, mẹ tôi thường phải xuống bếp hâm nóng lại cơm và thức ăn cho ông. Mỗi lần như thế ông thường bảo mẹ tôi múc thức ăn, đôi khi cũng chỉ là bát canh dưa nóng nấu với tép và cà chua, hay bát cơm nóng với vài miếng cá đồng kho mặn rồi rất nhẹ nhàng bảo mẹ tôi:"Con mang xuống cho bà già Son nhé!", hoặc: "Con mang xuống cho bà Tốn nhé!".
Có những lần mẹ tôi phụng phịu không đi nhưng bao giờ ông tôi cũng nghiêm nghị bảo mẹ tôi phải đi, mà không bao giờ giảng giải dài dòng. Mẹ tôi vốn ngoan ngoãn, lại rất biết nghe lời cha, thế là mẹ tôi lỉnh kỉnh tay cầm đèn, tay bê bát thức ăn đi đến nhà các bà. Sau này khi mẹ tôi đã xa nhà đi học đại học thì việc đó là cô Diệu, cô Yên Thế tôi lại thay mẹ tôi làm.
Một nhà văn Tiệp Khắc đến thăm gia đình nhà văn Nguyên Hồng tại Ấp Cầu Đen, Nhã Nam - 1971 (từ phải qua trái, hàng đầu: chị Yên Thế - con thứ 6, thân mẫu nhà văn Nguyên Hồng, chị Diệu - con út nhà văn Nguyên Hồng. Hàng sau: Nhà văn Tiệp Khắc, nhà văn Nguyên Hồng cùng vợ, chị Nhã Nam - con thứ 5 cùng hai cán bộ hội nhà văn). |
Bây giờ mỗi lần về xóm Cầu Đen, Nhã Nam, Yên Thế giỗ ông, khi ra mộ ông, tôi và mẹ tôi lại đi qua những nơi mà những người đàn bà khốn khổ ấy từng ở. Họ đã mất lâu rồi, thời gian mấy chục năm đã làm cảnh vật thay đổi hết, không còn vết tích gì. Ông bà tôi giờ nằm lại trên đồi. Tôi thương nhớ không nguôi người ông nhân hậu ấy, tôi rưng rưng nước mắt gọi ông! Và tôi vẫn thấy một ông già, tóc bạc phơ, ngồi uống rượu và tiếp tục viết dưới trăng sáng. Nơi đó là vùng Nhã