Ông "Quan tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám"

Thứ Hai, 17/07/2006, 08:22

Ông về hưu cũng đã được vài năm. Bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau vẫn gọi ông là "quan Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám". Còn ông thì lại hóm hỉnh: "Không, tớ chỉ là ông Từ giữ đền mà thôi". Ông là nhà văn Nguyễn Quang Lộc, nguyên Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Là chỗ bạn bè thân tình, gặp ông, hỏi cơ duyên nào đã đưa Nguyễn Quang Lộc ở vào vị trí "độc nhất vô nhị, làm quan Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám", ông cười hồn nhiên: "Mình chỉ là một người bình thường, rất bình thường. Nhưng có những sự tình cờ thú vị, có thể nói là vận may hiếm có, đã đưa mình vào vị trí công tác này".

Một sự tình cờ thú vị

Nguyễn Quang Lộc sinh năm Canh Thìn 1940, là người, như ông nói, "có số đẹp, như rồng gặp mây, có sao thái dương chiếu mệnh, được quý nhân phù trợ!". Quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nhưng từ nhỏ đã lên Hà Nội ở nhà ông chú. Chẳng hiểu số may đến đâu mà học hành lại dang dở, thi đại học lần đầu không đỗ, trở thành một cán bộ Đoàn chuyên nghiệp ở khu (nay là quận) Ba Đình, Hà Nội. Được hai năm, thấy công việc không thích hợp, ông trở về quê, tiếp tục con đường thi cử.

Sợ thi đại học lần nữa trượt vì "lý lịch gia đình không rõ ràng", ông chọn thi vào Trường Lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa, chuyên ngành thư viện và thi đỗ. Sau đó, cả lớp Cao đẳng Thư viện của ông được gửi sang học chung với sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, ông được phân công về làm công tác thư viện thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Nam Ninh, quê nhà. Năm 1984, một sự tình cờ làm ông thay đổi quyết định, không "bám trụ" ở Nam Định nữa mà trở ra Hà Nội.

Trong lúc chờ làm giấy tờ ở cơ quan Công an Hà Nội để chuyển hồ sơ tử tuất của người em trai hy sinh năm 1966 về quê, tình cờ ông đọc một bản thông báo dán trên tường, hướng dẫn việc giải quyết các trường hợp cán bộ có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội trước đây, sau đó chuyển đi địa phương khác, nay nếu có công việc ổn định tại Hà Nôi sẽ thuộc diện được xét nhập lại hộ khẩu Hà Nội. Thế là Nguyễn Quang Lộc về bàn với vợ, quyết định trở lại Thủ đô! Để làm việc này, ông xin nghỉ hai tháng tự đi liên hệ xin việc, nếu không được chấp nhận sẽ về hưu non.

May thay, ông được nhận về công tác tại Thư viện Hà Nội, nơi thường xuyên được tiếp xúc với văn chương, chữ nghĩa, với các nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Cái máu văn chương trong người thôi thúc, Nguyễn Quang Lộc bắt đầu cầm bút sáng tác. Thực tế cuộc sống ngồn ngộn trong những năm tháng chiến tranh, nhất là trong thời gian công tác ở Nam Định, đã được ông tái hiện trong truyện ngắn đầu tay Ông quyền Trưởng ban, sau này được trao giải khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn của Báo Văn nghệ năm 1984.

Những năm đó, như ông bộc bạch, cuộc sống khó khăn, vất vả, "nhà đi thuê, ban ngày thư viện, ban đêm nấu kẹo, nấu rượu kiếm sống, gần sáng nằm bò trên giường viết văn", ông đã cho ra đời 20 truyện ngắn, 2 cuốn tiểu thuyết, trong đó có một số truyện ngắn và tiểu thuyết khá nổi tiếng lúc bấy giờ như Hàng cây trước cửa sổ, Tu hú đẻ nhờ, Tình ngộ, Vua không ngai vàng… Có một chi tiết vui trong nghề cầm bút mà đến nay nhớ lại ông vẫn bật cười. Đó là khi đưa bản thảo truyện ngắn Tình ngộ đến nhà xuất bản, biên tập viên đã sửa lại là Tỉnh ngộ. Nghe thì thấy bình thường, nhưng mà thật là… cay!

Ở Thư viện Hà Nội được vài năm, ông lại muốn chuyển công tác đến một cơ quan báo chí để có thể dành toàn bộ thời gian cho viết lách. Ông lên gặp Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đề đạt nguyện vọng. Nhạc sĩ Vĩnh Cát, lúc đó là Phó Giám đốc Sở, đang xúc tiến việc thành lập Trung tâm Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biết ông là nhà văn, liền quyết định đưa ông về làm việc tại đây. Thế là cái điều mà ông không bao giờ nghĩ tới đã đến với ông, gắn bó những năm tháng công tác cuối đời của ông với một địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và cả ở nước ngoài.

Gác bút làm người dâng rượu

Nguyễn Quang Lộc về Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1988, hai năm sau ngày đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới. Khi ông được điều về đây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ có 5 cán bộ chuyên viên và có rất ít việc. Giám đốc Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là nhạc sĩ Vĩnh Cát, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, còn một Phó Giám đốc và mấy cán bộ chuyên viên, trong đó có ông, chủ yếu làm nhiệm vụ trông coi di tích và thỉnh thoảng đón khách tham quan.

Một trong những việc đầu tiên khi về đây, Nguyễn Quang Lộc đề xuất và được chấp thuận là phải khôi phục và mở rộng các hoạt động văn hóa của khu di tích, trước hết là đặt trở lại vào chỗ cũ pho tượng Khổng Tử và các vị tứ phối: Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử trong Văn Miếu. Năm 1990, Nguyễn Quang Lộc được cử giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thời gian này, cùng với công cuộc đổi mới chung của đất nước, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng có nhiều thay đổi.

Ông dành hết tâm trí cho việc nghiên cứu và đề xuất các dự án tu tạo, phục hồi di tích, đổi mới hơn nữa hoạt động của Trung tâm di tích quốc gia nổi tiếng này, quảng bá và thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan, du lịch trong nước và thế giới. Ông nói vui, từ năm 1990, ông đã gác bút viết văn để làm người dâng rượu và đọc văn tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong các cuộc đại lễ diễn ra ở đây...--PageBreak--

Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng nhà Thái học, tức Quốc Tử Giám. Từ đó Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta, chuyên đào tạo các bậc danh nho, tiến sĩ. Năm 1494, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 82 bia đá, khắc tên 1.037 vị tiến sĩ đã đỗ trong 82 khoa thi dưới các triều vua Lê.

Trông coi Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hai vị quan được nhà vua đích thân chọn lựa và sắc phong. Đó là quan Tế tửu Văn Miếu và quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Quan Tế tửu là người trông coi Văn Miếu, là người được vua chọn dâng rượu mỗi khi hành lễ tại đây. Còn quan Tư nghiệp làm nhiệm vụ dạy chữ cho con vua và cho các bậc thánh hiền ở Quốc Tử Giám. Năm 1379, nhà giáo Chu Văn An nổi tiếng trở thành quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, là người có công rất lớn đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

Năm 1996, Nguyễn Quang Lộc được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông nghĩ ngay đến việc tận dụng thời cơ và thành quả của công cuộc đổi mới để xây dựng dự án đổi mới toàn diện hoạt động của Trung tâm này, trong đó có dự án xây dựng lại nhà Thái học và tu tạo nhiều công trình kiến trúc cổ trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Một trong những việc đầu tiên mà ông chủ trì thành công là đặt tượng của bốn vị tiền nhân có công lớn nhất đối với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An vào các vị trí trang trọng nhất trong Khu di tích này. Ông còn nhớ mãi, khi đặt viên gạch đầu tiên để xây lại nhà Thái học, một vị lãnh đạo của thành phố Hà Nội đã thân tình nói với ông: "Nước ta có nhiều công trình đã và đang được xây dựng to hơn công trình này, nhưng Nhà Thái học thì chỉ có một trong cả nước, không thể xây rồi lại xây lại. Làm sao để xây một lần là thành công".

Sứ giả giao lưu văn hóa Việt Nam

Nguyễn Quang Lộc không bao giờ tự nhận mình là sứ giả giao lưu văn hóa Việt Nam như đã có khách nước ngoài gọi, hơn thế nữa có cả vị Chủ tịch nước và Thủ tướng của nước ngoài gọi ông như thế. Về công tác tại Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám 15 năm, ông đã được chứng kiến và trực tiếp đóng góp vào bao sự đổi thay của Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia này. Bây giờ, nơi đây không chỉ là nơi "cửa Khổng, sân Trình" như xưa mà còn là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học, giới thiệu truyền thống lịch sử, giáo dục, văn hóa lâu đời của Việt Nam với nước ngoài.

Ông đã được chứng kiến, được tiếp xúc, gặp gỡ với biết bao người từ khắp mọi miền đất nước, cả với đồng bào ở nước ngoài, đến đây để được chiêm bái tổ tông, để được thả hồn mình trong không gian tĩnh mịch, thanh tao của ngôi trường đại học lâu đời nhất quốc gia. Nhìn những đầu con rùa đá đội trên mình những tấm bia khắc tên 1.037 vị Tiến sĩ mỗi ngày mỗi bóng hơn bởi hàng ngàn, hàng vạn bàn tay con người xoa lên đó cầu may trước mỗi kỳ thi cử, ông xúc động trước truyền thống hiếu học và nghĩa cử của mọi người đối với các bậc tiền nhân, tự hào về công việc của mình.

Từ chỗ ba năm 1988-1990 chỉ có gần 5.000 khách đến thăm, thì nay mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón hơn một triệu khách, trong đó có hàng trăm ngàn khách nước ngoài. Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức nhiều lễ hội cấp quốc gia, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước và thế giới.

Trong những năm là "quan Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám", Nguyễn Quang Lộc đã được đón và hướng dẫn hơn 30 vị là Tổng thống, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch, Tổng Bí thư các chính đảng, không kể hàng chục vị là Bộ trưởng… từ hàng chục quốc gia trên thế giới đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong số đó, có Tổng thống Nga Putin; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân; Tổng thống Mỹ Bill Clinton; Thủ tướng Nhật Bản J.Koizumi…

Đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ghi lại cảm tưởng của mình: "Được đến thăm Văn Miếu - Quốc tử Giám, một trường đại học đáng kính trọng về lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam, tôi hết sức khâm phục nền giáo dục truyền thống của các bạn".

Thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thủ tướng Nhật Bản J.Koizumi trò chuyện với Nguyễn Quang Lộc về đạo học của Nhật Bản và của Việt Nam, bày tỏ ấn tượng sâu sắc về truyền thống hiếu học lâu đời của người dân Việt Nam.

Ông còn nhớ lần được hướng dẫn Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cách đây cũng đã gần chục năm. Khi ra về, tới cổng Văn Miếu, Chủ tịch quay lại nói với ông và mọi người xung quanh: "Nền chính trị của một quốc gia tốt là nền chính trị có được nhiều bạn bè từ xa đến". Nguyễn Quang Lộc nhớ ngay tới một câu trong sách Luận ngữ của Khổng Tử, liền thưa lại với Chủ tịch: "Nền chính trị tốt là nền chính trị ở đó người dân được yên vui". Chủ tịch Giang Trạch Dân vui vẻ nói: "Đồng chí là một sứ giả giao lưu văn hóa Việt - Trung". 

Bây giờ Nguyễn Quang Lộc đã là ông già hưu trí, ngấp nghé tuổi 70. Nhưng mỗi lần có ai nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông như trẻ lại, vẫn sôi nổi, hào hứng khi kể lại những kỷ niệm sâu sắc của mình đối với địa danh di tích nổi tiếng này. Ông thường nói với bạn bè bao giờ ông cũng chỉ muốn và được làm người bình thường, rất bình thường. Làm được một việc gì đó mà được mọi người biết đến ông đều nói là nhờ phúc ấm của tổ tiên, nhờ được học chữ của các bậc thánh hiền. Đối với ông, "thiên hạ nhân, thiên hạ tài", trên đời này còn biết bao nhiêu người tài giỏi hơn mình

.
.
.