Ông Hải, ông Chung & chuyện…Chiến thuật đội U22 Việt Nam

Thứ Sáu, 07/11/2008, 10:47
Ai cũng biết, thành công của ĐT U.22 Việt Nam tại Merderka Cup vừa rồi có sự đóng góp không nhỏ của bộ đôi HLV Mai Đức Chung, Lê Thuỵ Hải. Ông Chung, ông Hải ngày xưa từng ăn cùng mâm ngủ cùng dường trong màu áo Đường Sắt Việt Nam. Ông Chung, ông Hải ngày xưa cũng đều là những cầu thủ có "số má".

Thế nên khi ông Chung cầm ĐT U.22 và ông Hải ngồi vào ghế phó thì rất nhiều người ở VFF yên tâm tuyệt đối. Thực tế thì bộ đôi này có những tính cách bổ khuyết cho nhau rất rõ. Ông Chung nổi tiếng là điềm đạm, ông Hải lại mang dòng máu "Trương Phi". Ông Chung thích một thứ bóng đá "liệu cơm gắp mắm", ông Hải lại luôn mang tư tưởng dồn ép đối thủ tới cùng.

Và khi những sự đối lập ấy gặp nhau, cùng bổ khuyết cho nhau thì ta đã có được một ĐT U.22 rất tuyệt. ĐT U.22 với chiếc Cúp vàng Merdeka 2008 là một ĐT vừa có cái đầu lạnh của ông Chung lại vừa có dòng máu nóng của ông Hải. Nếu không có được những cái đó thì chắc chắn ĐT đã không thể "nằm gai nếm mật" những 120 phút trước chủ nhà Malaysia để rốt cuộc, kết liễu cuộc chơi bằng những quả luân lưu 11m.

Dông dài nói lại những chuyện này để thấy rằng tài năng và công lao của ông Chung, ông Hải trong những thành công bước đầu của ĐT U.22 là rất lớn. Và vì những thành công ấy, rất nhiều người đang kêu gọi VFF hãy giao cho bộ đôi nay cầm ĐT từ giờ cho đến SEA Games 25 diễn ra tại Lào năm tới, cái SEA Games mà VFF rất muốn ĐT có "vàng".

Tuy nhiên, có một vấn đề rất tế nhị cần phải đặt ra: Một khi đã giao ĐT cho ông Chung, ông Hải thì VFF sẽ trả lương tháng cho bộ đội này như thế nào?

Có một điều tưởng như là nghịch, nhưng lại là sự thật 100%, đó là hiện nay lương của cả ông Chung lẫn ông Hải ở ĐT U.22 chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Ở đây, cần phải mở ngoặc để nói rằng, rất nhiều các cầu thủ U.22 khi về CLB được trả lương từ 15 - 20 triệu/tháng. Có nghĩa là, lương mà ông Chung, ông Hải nhận được còn không bằng lương của chính những học trò mình ở CLB.

Ông Mai Đức Chung và ông Lê Thụy Hải.

Còn nếu so mức lương của họ với mức lương mà các HLV ở các CLB có được thì con số phải nói là một trời một vực. Đơn cử như năm ngoái, ông Vương Tiến Dũng cầm Hải Phòng, nhận lương 40 triệu đồng/tháng. Năm nay, ông về Thể Công, mức lương cũng không dưới 30 triệu. Bản thân ông Lê Thuỵ Hải ngày còn làm HLV trưởng Bình Dương cũng nhận một mức lương tương tự như thế. Vậy thì rõ ràng phải đặt ra câu hỏi: Tại sao lương của ông Chung, ông Hải ở ĐT U.22 lại thấp lè tè như thế?

Lý do rốt cuộc nằm ở cơ chế. Hiện nay, ông Chung vẫn thuộc biên chế Nhà nước, và đang là Trưởng bộ môn bóng đá của Tổng cục TDTT. Chính vì vậy lương của ông được tính theo cấp bậc. Ông chỉ có thể nhận lương cao nếu chấp nhận ra khỏi biên chế và ký hợp đồng làm HLV ĐT U.22 với VFF theo một mức lương thoả thuận. Tuy nhiên, việc bảo ông Chung ra khỏi ngành là một chuyện gần như không tưởng, vì cả đời ông đã gắn bó với ngành Thể dục Thể thao, và cũng chỉ còn vài năm nữa là ông đến tuổi về hưu.

Và vấn đề rốt cuộc "mắc" ở chỗ ấy, cái chỗ mà ông Chung thì không thể ra khỏi ngành còn VFF thì không thể "vung tiền", dù nói như chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì bản thân VFF cũng muốn "vung tiền" lắm.

Và thế là "cái nối cơm" của ông Mai Đức Chung vẫn là một cái "nồi cơm suy dinh dưỡng". Nhưng chẳng nhẽ chúng ta bất lực trước cơ chế, bất lực trước một cái "nồi cơm suy dinh dưỡng", cho dù ai cũng phải công nhận chủ nhân của cái nồi cơm ấy là một người đóng góp rất nhiều cho BĐVN?

Hơn lúc nào hết, VFF phải cùng ngành TDTT phải ngồi lại với nhau tìm phương án giải quyết. Bởi xét cho cùng, đấy không chỉ là việc giải quyết cho riêng ông Chung, mà quan trọng là, từ trường hợp của ông Chung, mở ra một cơ chế mới, một đường hướng làm việc mới, công bằng và hợp tình, hợp lý hơn.

Chỉ có như vậy, ĐT mới có thể thu hút được chất xám của các thầy nội, và BĐVN mới có thể phát triển một cách đúng qui luật

Diêp Xưa
.
.
.