Nữ sĩ Mộng Tuyết đã về miền cực lạc

Thứ Ba, 03/07/2007, 12:32
Sau một chặng đường dài ghi dấu ấn trên văn đàn, ngày 1/7/2007, Mộng Tuyết - người cuối cùng trong 6 tài nữ đầu thế kỷ XX, đã về cõi vĩnh hằng. Sự ra đi của bà để lại bao tiếc nuối cho độc giả, bởi các tác phẩm của bà đã làm giàu thêm lòng yêu quê hương, đất nước của người Việt Nam.

Những năm 1930-1940, các cây bút nữ rất hiếm. Vì thế, 6 gương mặt được coi là một hiện tượng trong phong trào Thơ Mới rất được trân trọng: Vân Đài (1903-1964), Hằng Phương (1908-1983), Ngân Giang (1916-2003), Mộng Sơn (1916-1992), Anh Thơ (1921-2005) và Mộng Tuyết. Họ đều được gọi là nữ sĩ.

Theo nữ sĩ Anh Thơ thì thời ấy, 2 từ "nữ sĩ" là để chỉ người phụ nữ thông thái, có trí thức, có văn hoá chứ không chỉ giỏi làm thơ.

Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Lâm Thái Úc, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên (cũ). Ngoài bút danh Mộng Tuyết, bà còn có các bút danh Hà Tiên Cô, Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ vv…

Thơ của bà đăng trên nhiều báo: Tiểu thuyết thứ năm, Hà Nội báo, Con ong, Đông Tây, Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân (ở Hà Nội) và các báo: Gió mùa, Ánh sáng, Nhân loại (ở Sài Gòn). Trong đó, "Phấn hương rừng", "Dương liễu tân thanh", "Vì anh Thọ Xuân" là các tác phẩm được nhiều độc giả biết đến.

Năm 1939, tập thơ "Phấn hương rừng" của bà đã được nhận giải của Tự Lực văn đoàn. Năm 1943, bà cùng các nữ sĩ Hằng Phương, Anh Thơ, Vân Đài ra tuyển tập thơ nữ đầu tiên mang tên "Hương xuân".

Không chỉ làm thơ, viết truyện ngắn (đăng trên Báo Sống ở Sài Gòn), bà còn viết kịch, tùy bút, dịch thơ và khảo cứu văn học. Cuộc đời và tác phẩm của bà đã được rất nhiều cây bút quan tâm, trong đó có Hồi ký của Quách Tấn - một nhà thơ, khảo cứu về danh nhân.

Tôi có may mắn được gặp nữ sĩ Anh Thơ trong những năm cuối cùng của bà.

Trong ký ức của nữ sĩ Anh Thơ, những kỷ niệm về Mộng Tuyết thật chân thành trong niềm yêu dấu: Trong các nữ sĩ, cả văn sĩ thời ấy, không ai uyên bác, hiểu cả văn hoá Đông - Tây như Mộng Tuyết. Chị tuy hiểu biết rộng nhưng rất ít phô trương. Tính tình cởi mở, khiêm nhường nên được chị em làng văn rất mến.

Mộng Tuyết có tới 10 bài thơ tương tư, từ "Bức thư tương tư", "Quả nhãn tương tư", "Ngọn bấc tương tư", "Phiến đá tương tư", đến "Ngòi bút tương tư"… bài nào cũng được bạn đọc ưa thích. Có lẽ, được biết nhất là "Trăng tương tư": "Trăng chảy ngập đường đi, thuở ấy/ Đôi người so bóng bước song song.../ Rồi trăng từ đó tương tư bóng.../ Chảy ngập tương tư khắp nẻo lòng!".

Sự tài hoa của bà giữa thời các nhà thơ nữ rất hiếm đã khiến người ta thêu dệt thành giai thoại Mộng Tuyết chỉ là giả gái. Đến nỗi, chính nhà phê bình Hoài Thanh khi đọc "Phấn hương rừng" cũng phải băn khoăn: "Nhưng có một điều đáng suy nghĩ, người thiếu nữ trong tập thơ này có làm ta quên những thiếu nữ do trí tưởng tượng thi nhân đàn ông tạo ra không?".

Nổi tiếng trên văn đàn, nhưng cuộc đời Mộng Tuyết cũng ngang trái với mối tình núi Mộng - gương Hồ. Tuổi niên thiếu của bà trót in bóng chàng thư sinh - cũng là thầy học - nhà thơ nổi tiếng Đông Hồ. Song, thật éo le khi Đông Hồ lại trở thành anh rể bà.

Sau khi chị gái mất, Mộng Tuyết về chung sống với Đông Hồ. Nữ sĩ vẫn gọi Đông Hồ là Ngô Huynh và "Ngô Huynh" vẫn gọi Mộng Tuyết là "muội muội": "Bốn mươi tuổi tết/ Bốn mươi tuổi vàng” (Trang tặng Tuyết muội muội) hay "Muội muội thử nhìn trên nét chữ/ Triều tuôn, sóng chạy biển bao la..." (Đông Hồ).

Suốt bao năm chung sống với Đông Hồ, với sự kính cẩn như thầy dạy, như tình anh em, nhưng Mộng Tuyết không buồn, không đau, mà nữ sĩ vẫn luôn hồn nhiên sống với tình yêu đó bằng cả trái tim, để viết lên được những bài thơ đẹp như những bài "Tương tư" nổi tiếng và cả chùm thơ sau này và vẫn giữ được những câu từ đài các, tình thơ phong lưu: "Em xấu hổ", "Chiếc nón thơ", "Em tấn", "Ngấn yêu", "Em là cô gái Huế",...

Kể cả khi ông đã mất, tình yêu nơi bà dành cho ông vẫn nguyên vẹn thủy chung: "Bây giờ bóng đã xa hình/ Bồng lai hạc lánh ngoài vùng nước sông".

Ba tập hồi ký bà viết trong những năm tháng cuối đời cũng chủ yếu dành cho Đông Hồ và mối tình đẹp của hai người như núi Mộng - gương Hồ

Thanh Hằng
.
.
.