Nữ nhạc sĩ Giáng Son: Vẫn "giấc mơ trưa"

Chủ Nhật, 13/07/2008, 22:35
Xuất hiện chưa lâu nhưng nữ nhạc trẻ Giáng Son đã sớm gây được sự chú ý chung bởi những ca khúc mang đậm dấu ấn riêng và cuốn hút. Trong những ngày này, Giáng Son đang ngồi ghế Hội đồng nghệ thuật Sao Mai - Điểm hẹn 2008 và ít làm thất vọng người nghe với vai trò mới này.

Từ khi còn là thành viên của ban nhạc "5 dòng kẻ", Giáng Son đã được khán giả biết đến với hàng loạt ca khúc do cô sáng tác và cùng cả nhóm thể hiện. Có vẻ như cái tên "5 dòng kẻ" do nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đặt đã đem lại nhiều may mắn, nên ban nhạc nữ nhanh chóng được nhiều người biết đến và rồi, Giải Nhóm nhạc xuất sắc nhất của "VTV bài hát tôi yêu" năm 2004 đã đến với họ.

Nhưng đang giữa thời kỳ thịnh vượng của ban nhạc, Giáng Son đã chia tay "5 dòng kẻ" khi xác định, sáng tác mới là sự nghiệp của mình. Cái se lạnh của mùa thu Hà Nội với hương cốm thơm nồng cũng là một lý do níu kéo cô về lại đất Kinh kỳ.

Thôi đi hát, chuyên tâm vào sáng tác và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Giáng Son tiếp tục khẳng định mình bằng danh hiệu "Nhạc sĩ ấn tượng" của Bài hát Việt 2005.

Album mang tên "Giáng Son" ra đời ngay sau đó cũng đọng lại được trong lòng người nghe. Thành công của Giáng Son chính bởi, cô đã mạnh dạn và kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và dân gian trong sáng tác.

Dẫu gắn bó với cây đàn piano từ rất sớm và kéo dài suốt 15 năm, nhưng Giáng Son sớm nhận ra rằng, âm nhạc dân gian Việt Nam mới thực sự là một giá trị với cô. Có thể vì cái gien nghệ thuật truyền thống của gia đình đã ngấm sâu trong cô. Cũng có thể vì với Giáng Son, đó là bản năng gốc.

Giáng Son tâm sự: "Tôi muốn âm nhạc của mình phải có hồn dân tộc nên càng về sau, các sáng tác của tôi càng luôn hướng đến điều đó". Theo nhận xét của nhạc sĩ lão thành Trọng Bằng, "Giáng Son là một nhạc sĩ trẻ có tài và nhất là có chí, quả là hiếm có trong thời buổi hiện tại. Các ca khúc của cô đều có sự tìm tòi, mới mẻ, giàu cảm xúc và phát huy được vốn văn hóa dân tộc. Nhưng ghi nhận nhiều hơn ở Giáng Son là, không chỉ ca khúc, cô còn viết giao hưởng một cách chững chạc. Tương lai, đây sẽ là một nhạc sĩ nhiều thành công".

Những gì Giáng Son có hôm nay, có lẽ công không nhỏ thuộc về sự hướng nghiệp của cha cô - nhạc sĩ Hoàng Kiều, cũng là nhà nghiên cứu chèo nổi tiếng với 3 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cùng hàng chục đầu sách đã xuất bản. Biết con gái mê chèo và cải lương, nhưng nhạc sĩ Hoàng Kiều vẫn muốn con theo học nhạc cổ điển.

Là người đi trước, ông hiểu rõ, kiến thức âm nhạc cổ điển châu Âu sẽ rất có ích cho việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Hơn nữa, khao khát của ông là gia đình sẽ hội tụ được cả nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Nhưng ý muốn của người cha đã gặp phải sự hờn giận khá dữ dội của cô bé mới 8 tuổi.

Trong những trang thư xinh xinh gửi bố, Giáng Son viết: "Hôm nay con viết thư cho bố và con sẽ nói hết. Con đã thích cái gì thì con làm bằng được cái đấy. Con là người bướng bỉnh ư? Con chỉ bướng bỉnh với những nghề con không ưa thích. Con thì học gì cũng được nhưng đàn thì con chịu, đã đến lúc con phải nói thẳng với bố rồi đấy. Con ghét những người làm việc không hợp ý mình. Con ghét những người cho con mình làm nghề không thích hợp với con mình đâu bố ạ!".

Mất vài ba năm đầu, Giáng Son còn luôn là một học sinh học kém, đến mức bị bố mẹ đánh đòn vì cô giáo mách là không chịu học. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Kiều vẫn tin vào sự lựa chọn của mình. Để rồi, như mong đợi, Giáng Son đã trở thành một nhạc sĩ sáng tác với những tác phẩm kết hợp hài hòa giữa cái mới mẻ với truyền thống, làm nên một phong cách thật riêng. 

Ngày đó, nếu không có sự kiên quyết của nhạc sĩ Hoàng Kiều, chắc chắn, công chúng sẽ không được nghe những ca khúc lắng hồn "Cỏ và mưa", "Em", “Anh”, "Giấc mơ trưa" đã làm nên một dấu ấn Giáng Son trong đời sống âm nhạc.

Trong căn hộ của gia đình ở Khu văn công Mai Dịch, nói đến con gái, nhạc sĩ Hoàng Kiều nở nụ cười ngập tràn hạnh phúc: "Mới chỉ là bước đầu thôi. Nhưng như thế cũng là mừng rồi. Giáng Son vẫn còn phải tiếp tục nữa để có thể đứng vững trong đời sống nghệ thuật".

Khi đã khẳng định bằng những thành công liên tiếp trên con đường sự nghiệp, Giáng Son mới thấy sự sáng suốt cũng như tấm lòng của cha dành cho con gái.

Trong cuộc sống, Giáng Son là một người dễ gần, bình dị dù không thật cởi mở. Đã qua tuổi đôi mươi, nhưng Giáng Son vẫn giữ được vẻ trẻ trung, có cả sự thùy mị của "dân" sư phạm. Có lẽ với một giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như cô, việc giữ gìn hình ảnh là điều luôn được chú ý.

Giáng Son luôn sống hết mình cho âm nhạc, nhưng lại luôn "rón rén" trước dư luận. Là tác giả của những khúc ca khá hiện đại, nhưng Giáng Son lại là một người yêu thích mẫu phụ nữ truyền thống.

Nhưng giống như nhiều người nổi tiếng khác, cuộc sống riêng tư của Giáng Son cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự quan tâm đôi khi thái quá của nhiều người. Song Giáng Son không ngoái nhìn quá khứ đã qua để mà tiếc nuối. Cô luôn biết đón đợi tương tai, bằng sự lạc quan và tình yêu âm nhạc vẹn đầy.

Những dự định của cô vẫn ăm ắp với kế hoạch tiếp tục dự thi "Bài hát Việt" và ra thêm một album nữa. Cô bảo, cô sẽ cố gắng để vượt qua chính mình, chứ đi đến đâu, mọi người chỉ nhắc đến "Giấc mơ trưa" hay "Trôi trong gương", vui nhưng cũng buồn vì mình chưa bước qua được điều mình đã có

Thanh Hằng
.
.
.